Siêu thị online tiếp tục bị người Trung thâu tóm

Việc một trong những tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Trung Quốc là JD.com trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của website TMĐT Tiki đã khiến không ít chuyên gia lo lắng cho thị trường bán lẻ nội địa.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mở và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã làm thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. Kết quả là TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh với nhiều website điển hình như Alibaba.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Hotdeal.vn, Sendo.vn...

Mới đây, một trong những tập đoàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc là JD.com, đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của website TMĐT Tiki. Điều này khiến cho không ít chuyên gia lo lắng cho thị trường bán lẻ nội địa.

Thị phần thị trường thương mại điện tử B2C Trung Quốc năm 2016 Phải nói rằng, TMĐT đang trở thành kênh giao thương xuất khẩu quan trọng như vậy, rất nhiều doanh nghiệp Việt hiện có nhu cầu ngày càng tăng về các kỹ năng ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu. Và Việt Nam được xem là một thị trường đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, từ sự thâu tóm thị trường bán lẻ trực tiếp đến bán lẻ trực tuyến của các đại gia nước ngoài đã khiến cho không chỉ các chuyên gia lo lắng, mà người dân cũng phải “thấp thỏm” theo vì nguy cơ hàng ngoại (nhất là hàng Trung Quốc, Thái Lan) sẽ được trang bị tận răng cho người tiêu dùng, kéo theo một hệ lụy là sức cạnh tranh của hàng Việt, doanh nghiệp Việt bị “vô tình” bào mòn.

Siêu thị online tiếp tục bị người Trung thâu tóm

Thị phần thị trường thương mại điện tử B2C Trung Quốc năm 2016.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cảnh báo: “TMĐT sẽ lấn át thương mại bán lẻ trực tiếp, khi ấy bán lẻ Việt Nam không có đường mà lùi. Bây giờ điều chúng ta lo không phải chỉ ở thị trường mà còn lo vấn đề cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng nước ngoài, giữa hệ thống phân phối bán trực tiếp với TMĐT”.

Sự lo lắng của các chuyên gia không phải là không có cơ sở, bởi:

Một là, những siêu thị mua sắm trực tuyến hàng đầu Việt Nam dần bị các đại gia Trung Quốc thâu tóm.

Tiki là siêu thị mua sắm trực tuyến hàng đầu Việt Nam sở hữu hơn 800.000 khách hàng và cung cấp đến 120.000 sản phẩm thuộc 10 ngành hàng khác nhau như Sách, Làm đẹp, Sức khoẻ, Điện gia dụng, Thiết bị văn phòng phẩm, Mẹ và Bé… với mức doanh số tăng trưởng gấp ba lần mỗi năm. Tiki.vn đã được trao tặng danh hiệu “website TMĐT được yêu thích năm 2014” .

Trước JD, “gã khổng lồ” Alibaba của Trung Quốc cũng đã mua lại Lazada, hãng TMĐT lớn ở khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm, trong một hợp đồng cho phép Alibaba nắm giữ cổ phần chi phối của sàn TMĐT này.

Hai là, có nét tương đồng như sự thâu tóm thị trường bán lẻ nội địa của các đại gia nước ngoài.

Thị trường bán lẻ trực tiếp như Fivimart, Citimart của Việt Nam sau khi nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước đã “bán mình” cho ông lớn bán lẻ Nhật Bản - Aeon, hay như hệ thống Big C, Metro cũng lần lượt vào tay các tỷ phú người Thái.

Năm 2016, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt ngưỡng 4 tỷ USD, các chuyên gia kinh tế dự báo có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

Ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ lớn này của Việt Nam và có vốn nước ngoài đều đang đầu tư mạnh phát triển bán lẻ qua mạng do chịu sức ép từ các kênh bán lẻ trực tuyến.

Ba là, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi mà nền tảng công nghệ trên thế giới ngày càng lớn mạnh.

Năm 2016, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt ngưỡng 4 tỷ USD, các chuyên gia kinh tế dự báo có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Song song, theo số liệu từ Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) thì giá trị mua hàng trực tuyến tại Việt Nam đạt 145 USD/người/năm.

Bốn là, bài học từ nước khác.

Năm 2017, hàng nghìn cửa hàng bán lẻ của Mỹ đã phải đóng cửa do sự trỗi dậy của Amazon và hoạt độngTMĐT. Bán lẻ trực tiếp của Việt Nam cũng phải lo ngại về các thương vụ mua bán trên thị trường TMĐT.

Những lo ngại có cơ sở, cùng với việc niềm tin vào hàng Việt chất lượng cao còn đang bị ảnh hưởng bởi vụ thương hiệu Việt đình đám Khaisilk bán hàng “Made in China” thì chuyện người Thái “thâu” siêu thị thật, còn người Trung “tóm” siêu thị Online ở thị trường nội địa Việt Nam có lẽ báo hiệu một sự “lành ít dữ nhiều”.

Và kịch bản với TMĐT Việt Nam sẽ không khác so với thương mại bán lẻ trực tiếp. Để rồi, người Việt vốn dĩ “dị ứng” với hàng Trung, nhưng chẳng thể tránh được khi cái bóng của nó phủ quá lớn.

Sông Hàn
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp