Thế Giới Di Động và bài toán tăng doanh thu

Năm 2013, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng hơn 20% doanh thu trong khi họ không tiếp tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng nữa. Không thể tăng doanh thu bằng cách phình quy mô, chuỗi bán lẻ điện thoại sẽ làm thế nào để đảm bảo chỉ tiêu?

Ông Trần Kinh Doanh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Thế Giới Di Động, cho biết doanh thu tăng từ 6.100 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng là một thách thức lớn. Do đó Thế Giới Di Động chọn cách sắp xếp lại cửa hàng để thu hút khách hàng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Chuỗi bán lẻ này đã hợp tác với Samsung trong dự án hàng chục tỉ đồng, xây dựng các khu trải nghiệm smartphone ngay trong cửa hàng.

“Tỉ suất sinh lời của cả điện thoại thông thường và smartphone nói chung khoảng 14-16%, nhưng chúng tôi chọn điện thoại thông minh vì đây là cái khách hàng đang cần”, ông Doanh cho biết.

Thế Giới Di Động và bài toán tăng doanh thu

Thế Giới Di Động hợp tác với Samsung xây dựng các khu trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Thế Giới Di Động cũng kỳ vọng vào đối tác mới.

Ngày 20.3.2013, Mekong Capital công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund II đã hoàn tất việc thoái vốn một phần khoản đầu tư vào Thế Giới Di Động. Theo Mekong Capital, thu nhập từ số cổ phần vừa bán (cộng với cổ tức đã nhận) đạt gấp 11 lần so với khoản đầu tư ban đầu của Quỹ vào năm 2007.

Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Quỹ tại Thế Giới Di Động giảm từ 32,5% xuống còn 25,8%. Khi Mekong Capital thoái bớt một phần vốn thì 5 cổ đông sáng lập cũng bán đi hơn 12% cổ phần.

Lượng cổ phần của Mekong Capital được chuyển nhượng cho một nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển chuỗi bán lẻ nổi tiếng trên thế giới là CDH Electric Bee Limited.

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết CDH là quỹ đầu tư lớn và đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy và viễn thông ở châu Á. Ông cho biết CDH sẽ có mặt trong Hội đồng Quản trị để tư vấn chiến lược và kết nối Thế Giới Di Động với các đối tác lớn trong khu vực.

Thế Giới Di Động và bài toán tăng doanh thu

Cơ cấu cổ đông Thế Giới Di Động hiện nay.

Trước đây, một đối thủ của Thế Giới Di Động là Viễn Thông A cũng bán một phần cho TD Mobile, nhà bán lẻ di động hàng đầu của Nhật. Sau khi có sự tham gia của đối tác này, Viễn Thông A xây dựng những trung tâm smartphone và liên tục tăng trưởng doanh số. Đến nay, Viễn Thông A đã có 36 trung tâm smartphone với sự hợp tác của hầu hết các nhà sản xuất điện thoại lớn để phục vụ khách hàng.

Có điều, trong khi đối tác ngoại của Viễn Thông A là doanh nghiệp cùng ngành viễn thông, thì đối tác của Thế Giới Di Động lại chỉ là một nhà đầu tư tài chính. Việc tham gia hoạch định chiến lược có lẽ không phải là sở trường của họ.

Trong lúc này, thị trường điện thoại di động đang đứng trước thách thức lớn. Theo ông William Hamilton-Whyte, Giám đốc Điều hành Văn phòng đại diện Nokia tại Việt Nam, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã bão hòa và chỉ còn tăng trưởng nhờ vào sự thay mới của người dùng. Từ mức tăng trưởng mỗi năm khoảng 15-20% những năm trước, năm 2012, mức tăng trưởng của thị trường điện thoại di động Việt Nam chỉ còn 10%. Dự báo năm 2013, con số sẽ không khá hơn. Đó sẽ là một thách thức nữa cho Thế Giới Di Động trong tham vọng tăng trưởng doanh thu.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư