Masan Group: Lãi bán trái phiếu Techcombank hơn 930 tỷ đồng, cả năm 2017 lãi ròng 3.100 tỷ
CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4/2017. Mảng thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh nhưng mảng khai khoáng lại có sự tăng trưởng cao.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của Masan trong quý này thuộc về hoạt động tài chính. Nếu như trong quý 4 năm trước, doanh thu tài chính chỉ đạt hơn 218 tỷ đồng thì trong quý này, con số lên tới 1.045 tỷ đồng. Qua đó nâng doanh thu tài chính cả năm 2017 lên 1.404 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất chính là 931 tỷ đồng thu nhập từ thanh lý khoản đầu tư.
Đây là khoản lãi từ bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2017, Techcombank đã mua lại 172 triệu cổ phiếu, phát hành mới 70 triệu cổ phiếu và chuyển đổi trái phiếu phát hành bởi Techcombank thành 207,7 triệu cổ phiếu mới.
MSN đã bán 11,7 triệu trái phiếu chuyển đổi phát hành bởi Techcombank, thỏa thuận bán 2,4 triệu trái phiếu chuyển đổi phát hành bởi Techcombank (tương đương hơn 17,5 triệu cổ phiếu Techcombank sau khi chuyển đổi). MSN cũng chuyển đổi 8,2 triệu trái phiếu chuyển đổi nói trên thành 59,8 triệu cổ phiếu.
Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ lợi ích kinh tế của Tập đoàn trong ngân hàng Kỹ thương giảm xuống 25,2% và tỷ lệ sở hữu trên vốn điều lệ của Tập đoàn là 20%.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính đều sụt giảm. Doanh thu thuần giảm 13% còn 37.621 tỷ đồng do doanh thu của Masan Nutri-Science (MNS) giảm mạnh. Thông tin từ MSN cho biết, doanh thu thuần của MNS giảm 23,5% (trong khi quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi cho heo giảm gần 50% trong cùng kỳ) còn 18.690 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 629 tỷ đồng dù MNS đã đầu tư lớn nhằm gia tăng thị phần giữa khủng hoảng.
Hiện thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo của MNS đã tăng lên 35% vào cuối năm 2017 so với 30% vào cuối năm 2016.
Trái ngược với mảng tiêu dùng và thức ăn chăn nuôi thì mảng khai khoáng của Masan có sự tăng trưởng mạnh. Masan Resources (MSR) đạt doanh thu 5.405 tỷ đồng trong năm 2017 so với 4.049 tỷ đồng trong năm 2016, tăng trưởng 33,5% nhờ giá sản phẩm tăng. Lợi nhuận thuần sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng 88,0% lên 206 tỷ đồng mặc dù hàm lượng của nguyên liệu đầu vào giảm.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường việc thanh tra môi trường và siết chặt quota xuất khẩu, giá vonfram được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Ban điều hành MSR dự kiến doanh thu tăng 30% và lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2018.
Mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận ròng thuộc về chủ sở hữu của Masan đã tăng từ 2.791 tỷ đồng lên 3.103 tỷ đồng tương đương mức tăng 11%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2017 đạt 2.727 đồng.
Mai Linh
Nguồn Trí thức trẻ