Niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt bị 'lung lay'
Nhận định đáng buồn trên được đưa ra tại buổi công bố kết quả điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 do Hội DN HVNCLC tổ chức tại TP.HCM vào ngày 30.1.
Kết quả khảo sát HVNCLC 2017 cho thấy sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích chiếm 51% và thường xuyên mua dùng chiếm đến 60%. Tuy nhiên, khảo sát 2018 cho thấy tỷ lệ này đã giảm mạnh, lần lượt chỉ có 27% người tiêu dùng yêu thích và 32% chọn mua.
Hàng Thái, Hàn, Nhật “lên ngôi”
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên kể đến là ưu thế phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối hiện đại ngoại xuất hiện ồ ạt tại VN. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại VN đang nắm lợi thế cạnh tranh trên thị trường cực lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, 4 đại siêu thị có quy mô lớn có thể áp đảo kênh phân phối Việt. Đơn cử, Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim… Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven… Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25… Theo các chuyên gia, hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Nếu như kết quả khảo sát HVNCLC 2017 cho thấy sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3%, thì nay đã tăng lên 8 - 10%, thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, chiếm tỷ lệ mua dùng sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn khá cao, lên đến 12 - 17%.
Sự lơ là, thiếu thận trọng của DN Việt
Hiện tượng hàng Thái, Nhật, Hàn chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của người tiêu dùng theo khảo sát 2018 đã lộ nét hoàn toàn. Các chuyên gia nhận định tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ từ các quốc gia này đã xuất hiện trước đây, trong tâm lý “tẩy chay” hàng Trung Quốc. Song chính cách tiếp cận thị trường một cách căn cơ của họ mới nhanh chóng chiếm được lòng người tiêu dùng Việt đến vậy. “Bỏ qua tâm lý “tẩy chay” hàng Trung Quốc, việc hàng Việt tiếp tục lép vế ngay tại thị trường nội địa ẩn chứa nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của DN Thái, Nhật, Hàn và sự lơ là, thiếu thận trọng của người Việt” khảo sát nhận xét.
Câu chuyện “chiếc khăn lụa gắn 2 xuất xứ” của Khaisilk cũng được các chuyên gia thương hiệu nhắc đến trong lễ công bố khảo sát cho rằng vấn nạn hàng gian, hàng giả không còn là câu chuyện riêng lẻ của mỗi DN nữa mà là niềm tin của người tiêu dùng. Chính người tiêu dùng Việt mới dễ bị tổn thương, bị xáo mòn từ những kiểu làm ăn gian dối.
Nguyên Nga
Nguồn Thanh Niên