Thị trường điện máy sắp bão hòa?
Quyết định “bán mình” của Công ty Cổ phần Thế giới Số Trần Anh và sự dịch chuyển của một số chuỗi siêu thị khác sang cả lĩnh vực bán lẻ dược phẩm là tín hiệu cho thấy thị trường điện máy đã tới điểm bão hòa.
Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2018, Thế giới Di động – chuỗi siêu thị điện tử, điện máy lớn nhất cả nước, đã thông báo hoàn tất quá trình thâu tóm chuỗi siêu thị điện tử, điện máy Trần Anh.
Chỉ vài ngày sau khi Thế giới Di động thông báo hoàn tất thâu tóm Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên - cựu Chủ tịch HĐQT chuỗi siêu thị Trần Anh, đã trả lời báo chí rằng ông và các cổ đông khác của Trần Anh quyết định rút lui khỏi thị trường hàng công nghệ sau 15 năm là vì “tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai.”
Theo ông Kiên, ở các thị trường nước ngoài, mức độ tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa. Thêm vào đó, xu thế phát triển của thương mại điện tử cũng đang thu hẹp dần dư địa tăng trưởng của các chuỗi siêu thị điện máy.
Với những công ty đang nắm giữ miếng bánh thị phần to nhất trên thị trường điện máy thì sao? Theo các chuyên gia, hầu như tất cả cũng đều nhận ra rằng dư địa tăng trưởng ở thị trường này không còn lớn như trước nữa, chính vì vậy các chuỗi siêu thị điện máy như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld hay Nguyễn Kim đều đang mở rộng sang một lĩnh vực kinh doanh mới: dược phẩm.
Cụ thể, Thế giới Di động đã mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang và thậm chí còn thông báo tuyển dụng dược sĩ cho hoạt động kinh doanh mới. FPT Shop cũng đã đàm phán mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP. HCM và Trung Sơn tại Cần Thơ. Trong khi đó, Digiworld và Nguyễn Kim đều đã xúc tiến gia nhập thị trường này.
Theo số liệu thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 khoảng 4,7 tỷ USD. Quy mô thị trường có thể sẽ tăng lên tới 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và đạt 16,1 tỷ USD tới năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.
Thống kê cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi năm 2015, với 37,97 USD. Riêng trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD mỗi người. Như vậy, trong thời gian tới, rất có thể động lực tăng trưởng chính của các nhà bán lẻ hàng công nghệ lại không nằm ở các mặt hàng công nghệ, điện máy.
Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp