Thời trang Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại
Hàng may mặc của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã và chất lượng đối với các hãng thời trang nhanh của nước ngoài.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được hàng tỷ USD các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng may mặc của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang nhanh của nước ngoài khi giới trẻ thường chọn các thương hiệu ngoại ở phân khúc bình dân này.
Cuối năm 2017 với sự đổ bộ của nhiều hãng thời trang ngoại, Việt Nam được xem là thời kỳ bùng nổ xu hướng thời trang nhanh. Sau “cơn sốt Zara”, thương hiệu H&M của Thụy Sĩ cũng gây sự chú ý của người tiêu dùng khi khai trương hai cửa hàng lớn tại Vincom ở Hà Nội và TP HCM vào tháng 9 vừa qua với cảnh nhiều người xếp hàng dài để chờ mua sắm.
Hiện nay, các thương hiệu thời trang nhanh của nước ngoài như Zara, Mango, H&M, Topshop… đang được nhiều người trẻ ở TP HCM yêu thích và lựa chọn. Quần áo của các thương hiệu này có ưu điểm cập nhập nhanh xu hướng thời trang thế giới, chất liệu nhẹ, mềm, thiết kế đẹp, phụ kiện bắt mắt và giá cả phù hợp. Nhiều mặt hàng giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn các thương hiệu trong nước từ 100-200 đồng/sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở quận Bình Thạnh đang mua sắm ở cửa hàng H&M tại Vincom, Đồng Khởi, Quận 1 cho biết, chị lựa chọn hàng hiệu giá rẻ của nước ngoài vì giá không chênh lệnh nhiều so vời hàng trong nước, nhưng chất liệu đẹp, mẫu mã đẹp và được cập nhật liên tục. Trong khi hàng thời trang trong nước tuy cũng được cập nhật nhưng không có độ chất và sang như hàng ngoại.
Việt Nam có nhiều thương hiệu may mặc đã khẳng định được tên tuổi như An Phước, Việt Tiến, May 10... Đến nay, dòng phẩm cao cấp của các thương hiệu là quần tây, áo sơ mi, vest, thời trang công sở có chất lượng chuẩn, đứng vững trên thị trường. Nhưng với những dòng sản phẩm khác như áo kiểu, đầm, áo len, áo thun… của các thương hiệu như Hanagiti, Nimomax, PT 2000... một thời được giới trẻ yêu thích thì lại đang cạnh tranh rất vất vả với các hãng thời trang nhanh nước ngoài.
Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp chưa bắt kịp xu thế thời trang thế giới, mẫu mã không phong phú, chất lượng không ổn định, nên trên tuyến đường Hai Bà Trưng, Quận 1, trước đây các cửa hàng của Hanagiti, Nimomax, PT 2000, NEM… rất đông khách mua sắm, nhưng nay ngày càng thưa khách.
Trong khi đó, các hãng thời trang nhanh với mẫu mã rất phong phú, mỗi năm có hàng trăm mẫu mã mới, thiết kế nhanh kịp thời đưa ra thị trường sớm nên được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Mẫu thời trang mới của họ trình diễn trên sàn từ 5-7 ngày và ngay sau đó đã có mặt ở thị trường. Bên cạnh đó, các hãng thời trang nước ngoài thường chọn vị trí trưng bày khá đắc địa và có diện tích rộng, sắp xếp từng ô mua sắm rất hợp lý và trang trí đẹp nên rất thu hút khách hàng.
Người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng hàng hóa, nhất là thời trang cần phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với người Việt.
Chị Hồ Thị Hòa, người người tiêu dùng nhận xét, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng hàng hóa, nhất là thời trang cần phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với người Việt.
“Riêng mặt hàng thời trang phải thay đổi, không nên làm theo cách cũ. Quần áo phải thay đổi thường xuyên vì thời trang luôn đi theo xu hướng. Cùng với đó, chất lượng hàng thời trang xuất khẩu rất tốt còn mẫu mã trong nước lại không phù hợp”, chị Hòa cho biết.
Trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng thời trang nước ngoài, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng quan tâm đầu tư cho phân khúc này. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - doanh nghiệp có 30 năm giữ thế mạnh thương hiệu áo sơ mi và veston ở thị trường TP HCM và Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đang tập trung 80% năng lực sản xuất vào dòng sản phẩm thế mạnh. 20% còn lại đang đầu tư thị trường thời trang nhanh để cạnh tranh và giữ thị phần, trong bối cảnh giới trẻ đang có xu hướng mua sắm thời trang các thương hiệu nước ngoài.
Theo nhiều chuyên gia dệt may, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong làm hàng gia công cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ nên dư sức làm những sản phẩm như các hãng thời trang nhanh.
Tuy nhiên cái khó và cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam là khâu thiết kế, thiếu đội ngũ thiết giỏi để làm nhanh và nhiều mẫu mã mới như các thương hiệu ngoại. Không những thế, ở khâu tiếp thị, quảng bá, trưng bày sản phẩm doanh nghiệp nội cũng chưa chuyên nghiệp bằng doanh nghiệp ngoại.
Để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có nội lực mạnh và đầu tư dài hơi. Vì vậy doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang và tạo điều kiện quảng bá sản phẩm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP HCM cho biết, Hội đang đề nghị thành lập thành lập Trung tâm Thiết kế thời trang TP HCM. Ở đây sẽ tổ chức thiết kế, giao thương về thời trang, tạo ra bước đột phá trong thiết kế thời trang của Việt Nam.
Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành dệt may nước ngoài. Vì vậy, nếu doanh nghiệp trong nước không thay đổi cách làm như hiện nay, phân khúc thời trang nhanh sẽ nhanh chóng về tay doanh nghiệp ngoại.
Bởi người tiêu dùng hiện nay không còn suy nghĩ “ăn chắc - mặc bền” như xưa mà phải “ăn ngon - mặc đẹp”. Xu hướng thời trang và tâm lý người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh theo gian, nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy, cập nhật và đổi mới sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh này.
Lệ Hằng
Nguồn VOV