Travis Kalanick rời Uber với 1,4 tỷ USD
Một nguồn tin thân cận cho biết, thương vụ Softbank kết thúc vào ngày 18/1 đã giúp đồng sáng lập Uber Travis Kalanick thu về 1,4 tỷ USD.
Softbank vừa hoàn thành thỏa thuận kéo dài từ rất lâu với Uber vào ngày hôm 18/1, đưa họ trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Ngoài ra, thương vụ cũng mang tới một số tiền lớn cho đồng sáng lập công ty Travis Kalanick cùng một số nhà đầu tư khác.
"Chúng tôi tự hào khi có Softbank, Gragoneer và toàn bộ các quỹ đầu tư khác trong đại gia đình Uber. Đây là kết quả tốt đẹp cho cả cổ đông, nhân viên và khách hàng của chúng tôi", người phát ngôn công ty nói.
Một nguồn tin thân cận với vấn đề này nói rằng Kalanick – người đã rời khỏi vị trí CEO vào năm ngoái, sau thỏa thuận với Softbank, sẽ ra đi với số tiền lên tới 1,4 tỷ USD. Tài sản ước tính của ông sẽ đạt 4,74 tỷ USD.
Cũng theo nguồn tin của tờ BI, Travis Kalanick đang lên kế hoạch làm từ thiện với khối tiền mặt khổng lồ vừa có được. Cụ thể, ông đang lên kế hoạch đóng góp 1,5 tỷ USD trong khối tài sản của mình cho một quỹ từ thiện do chính ông thành lập. Hướng tập trung của quỹ này hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Trước đó, Uber nói rằng thỏa thuận với Softbank định giá trị công ty ở mức 48 tỷ USD – con số khá thấp so với định giá trước đó lên tới 68 tỷ USD. Tuy nhiên, khoản đầu tư của Softbank đã một phần nào thanh khoản được cho những nhân viên đóng góp sớm vào công ty này, đồng thời xóa tan sự mất bình tĩnh chờ đợi công ty IPO vào năm 2019.
Softbank đã trở thành nhà đầu tư máu mặt tại thung lũng Silicon và giờ cũng tham gia hội đồng quản trị của Uber nhằm phục hồi lại công ty sau rất nhiều bê bối gặp phải từ kiện tụng tới rò rỉ dữ liệu người dùng… Ngoài Uber, Softbank còn là nhà đầu tư vào nhiều công ty gọi xe gồm Didi Chuxing của Trung Quốc, Grab của Đông Nam Á và Ola của Ấn Độ.
Về phía Uber, sau khi hoàn thành thỏa thuận, startup này cho biết họ sẽ hướng tập trung hoạt động chủ yếu ở 2 thị trường là Mỹ và châu Âu. Một cổ đông của Uber khẳng định việc công ty này rút khỏi những thị trường chưa có lãi không phải là nhằm cắt giảm chi phí mà chỉ là bởi tiềm năng tăng trưởng sẽ lớn hơn ở những thị trường cốt lõi. "Đây là một công ty đang tăng trưởng, ai mà quan tâm chúng tôi thua lỗ 1 tỷ hay nửa tỷ USD chứ".
Phương Linh / CNBC
Nguồn Trí thức trẻ