Leflair "chớp nhoáng" 5 triệu USD
Với 3 triệu USD huy động vòng Series A, Leflair sẽ tồn tại như thế nào ở thị trường thương mại điện tử luôn rất cần nhiều vốn như Việt Nam?
Cuối tuần trước, trang thương mại điện tử theo mô hình flash-sale (bán hàng chớp nhoáng) trong lĩnh vực thời trang ở Việt Nam Leflair vừa công bố mới huy động thêm 3 triệu USD từ Quỹ Capital Management Group (CMG), nâng tổng số vốn đã gọi lên gần 5 triệu USD sau gần 3 năm hoạt động.
3 triệu USD có đủ?
Sáng lập và điều hành Leflair là ông Loic Gautier và Pierrer-Antoine-Brun, cả hai đều có kinh nghiệm vận hành thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á khi còn làm ở Lazada Group. Flash-sale là mô hình bán hàng giảm giá giống với mô hình mua theo nhóm, từng rầm rộ ở Việt Nam giai đoạn 2010-2012. Khác biệt ở chỗ, chương trình bán hàng giảm giá từ các trang mua theo nhóm kết thúc khi hết hàng, flash-sale kết thúc khi hết thời gian quy định.
Thực ra, mô hình hoạt động của Leflair không được quan tâm bằng việc với 3 triệu USD vốn đầu tư mới, Công ty sẽ tồn tại như thế nào trong môi trường cần rất nhiều tiền như thương mại điện tử của Việt Nam? Lấy Tiki làm ví dụ. Sau khi được VNG đầu tư hơn 400 tỉ đồng, đơn vị này vẫn đang gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư để tiếp tục cuộc chơi với Lazada.com và Shopee.vn.
“Mô hình chúng tôi rất khác”, ông Loic Gautier, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Leflair, nói. Theo ông Gautier, Leflair chỉ tập trung vào các khách hàng có thu nhập trung bình khá, với các danh mục sản phẩm có chọn lọc, có thương hiệu với giá cao. Do đó, Leflair ít chi phí tiếp thị hơn so với các nền tảng có độ phổ rộng như Shopee.vn hay Lazada.com.
Minh chứng cho việc này, ông Gautier cho biết sau 2 năm hoạt động, website đã có 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, 700.000 thành viên và hơn 1.000 đối tác là các thương hiệu trong và ngoài nước tham gia. Điều quan trọng là tỉ lệ khách hàng trung thành của Leflair là 30% với mức chi trung bình hơn 100 USD/tháng, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Không chia sẻ cụ thể, ông Gautier cho biết hiện Leflair đứng thứ 5 về doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.
Và để có được sức mua ổn, hàng hóa của Leflair phải khá hiếm và nhập số lượng đủ để có mức giá tốt và độ hút hàng nhất định. Hiện hàng hóa của Công ty đặt ở kho Singapore và được chuyển về Việt Nam khi khách hàng có nhu cầu.
Trong mô hình 4P (price, product, promotion, place), Leflair có lợi thế về giá, sản phẩm và tiếp thị vì mặt hàng có thương hiệu, đã được kiểm chứng. Điểm yếu khi đối chiếu với mô hình 4P là điểm bán chỉ trên internet và thời gian giao hàng chậm. “Hàng có thương hiệu, tỉ lệ giảm giá cao thì không thể giao nhanh hoặc dễ mua bán”, ông Gautier nói.
Khi chi phí vận hành giảm, tỉ lệ khách hàng quay lại và chi tiêu ổn định là điều giúp Leflair có nguồn sống hoặc ít nhất đủ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Chính vì thế, ông Gautier khá tự tin rằng Leflair sẽ tiếp tục phát triển với khoản đầu tư mới.
Trước Leflair, một trang hoạt động theo mô hình tương tự ở Việt Nam là Topmot, được thành lập bởi ông Erik Jonsson, cựu Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam (hiện nay là Robin). Tuy nhiên, đơn vị này đã dừng cuộc chơi sau hơn 1 năm ra mắt mà không rõ nguyên nhân.
Thực tế, trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc đóng cửa phần lớn do vấn đề nguồn vốn. Một số nguồn tin nói với chúng tôi rằng không loại trừ khả năng Topmot chấp nhận bán hàng với lợi nhuận thấp để thu hút người sử dụng, nhưng chiến lược này không phù hợp với mô hình flash-sale nên đã dẫn đến việc cạn vốn.
Ba bài toán khó
Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy nhìn lại mô hình flash-sale ở Trung Quốc. Ở quốc gia đông dân này, flash-sale khá sôi động với nhiều doanh nghiệp tham gia, có thể kể đến như Xiaoher, Vipshop, Dangdang hay 360Buy. Theo nhà phân tích Erica Poon Werkun của UBS, sở dĩ các trang này được ưa chuộng ở Trung Quốc vì giải quyết được bài toán hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất bằng cách giúp họ thâm nhập vào các thành phố cấp thấp hơn.
Như vậy bài toán đầu tiên Leflair giải quyết là phải mở rộng được nhóm khách hàng đến vùng nông thôn. Tuy nhiên, ông Gautier cho rằng đây không phải là điều quá quan trọng. Tốc độ tăng trưởng dân số internet của người Việt Nam đang tăng cao, kéo theo các phương tiện truyền thông xã hội phát triển và Leflair là đơn vị duy nhất tính đến thời điểm hiện tại định vị là hàng hiệu với giá tốt. “Điều thú vị trong ngành này là chúng tôi không cần phải tốn quá nhiều chi phí để có thêm khách hàng mới, phần lớn họ tự tìm đến Leflair”, ông Gautier nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng thời gian giao hàng của Leflair hiện khá lâu, hơn 7 ngày. Chính vì thế, Công ty đã hợp tác với DHL eCommerce để rút ngắn thời gian giao nhận hàng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Leflair sẽ không tham gia vào phân khúc giao hàng trong ngày.
Mặt khác, các công ty như Leflair cũng sẽ chịu sự cạnh tranh đến từ các đối thủ lớn khi thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, điển hình như Lazada Việt Nam. Đơn vị này cũng đang đẩy mạnh các mặt hàng xuyên biên giới.
Ông Gautier cho rằng định vị khách hàng khác nhau sẽ giúp Leflair có những lợi thế khác biệt. Trên thực tế, có thể thấy các công ty như Leflair sẽ được các công ty thương mại điện tử đầu tư để tạo vị thế với các đối thủ cạnh tranh. Điển hình như Vipshop, cả Tencent và JD.com đều đầu tư vào đơn vị này để tạo ra một liên minh chiến lược hòng cạnh tranh với Alibaba. Theo đó, Vipshop sẽ được tích hợp vào Weixin, phiên bản ứng dụng tin nhắn tiếng Trung Quốc của Tencent và JD.com.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư