Zuckerberg đang cố gắng giải cứu Facebook

Đột nhiên, mối đe dọa lớn nhất Zuckerberg không phải là các dịch vụ đối thủ mà là chính Facebook.

"Nếu có một điều Mark Zuckerberg đã luôn luôn xuất sắc khi là CEO của Facebook, thì là đó loại bỏ đối thủ của mình", Seth Fiegerman đã bình luận như thế trong một bài đăng trên CNN.

Khi Google ra mắt Google Plus, một mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Zuckerberg đã đặt facebook vào tình trạng giống như “chiến tranh" và thông báo với nhân viên rằng "Carthage phải bị phá hủy" (hàm ý một cuộc chiến nổi tiếng thời La Mã),một cựu nhân viên của hãng đã kể như vậy trong một cuốn sách tự thuật.

Sau khi Snapchat (SNAP) bắt đầu thu hút sự chú ý vài năm trước, Zuckerberg đã cố gắng mua công ty này và, khi thất bại, Facebook đã biến Instagram - một dịch vụ chia sẻ hình ảnh mà hãng này mua lại vào năm 2012 chỉ với 1 tỷ USD - thành một đối thủ lớn lao của Snapchat.

Google không còn là một mối đe dọa đối với Facebook. Snapchat cũng đang khó khăn trong việc thu hút người dùng. Bây giờ, Zuckerberg đang tập trung vào một kẻ thù mới: là chính Facebook.

Zuckerberg đang cố gắng giải cứu Facebook

Ảnh: Quartz.

Hôm 11.1, Facebook đã công bố một sự thay đổi lớn đối với News Feed, tính năng cốt lõi của nó, nhằm ưu tiên các bài đăng từ bạn bè và gia đình hơn là các bài đăng từ nhà xuất bản và thương hiệu.

Theo Zuckerberg và Facebook, mục tiêu của việc này là tăng cường "sự hạnh phúc" cho hàng nghìn tỷ người sử dụng mạng xã hội bằng cách khuyến khích người dùng có nhiều cuộc trò chuyện và kết nối với bạn bè hơn là suốt ngày phải thấy những tin tức quảng cáo.

Nói tóm lại, Facebook muốn thể hiện thế giới rằng nó vẫn có thể là một lực lượng tích cực trong cuộc sống của người dân - hoặc ít nhất gã khổng lồ mạng xã hội thực sự cố gắng để đạt được điều đó.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ, Facebook đã phải hứng chịu nhiều "búa rìu dư luận" với những câu chuyện về tin tức giả mạo, bong bóng lọc và tình trạng nghiện mạng xã hội…. WhatsApp của Facebook đã được cho là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ đánh đập ở Ấn Độ, sau khi một câu chuyện giả mạo được phát tán.

Zuckerberg buộc phải hành động

Đột nhiên, mối đe dọa lớn nhất Zuckerberg không phải là các dịch vụ đối thủ mà là chính Facebook.

"Kiểm soát nội dung Facebook ở thời điểm này là rất quan trọng, đặc biệt là dưới áp lực truyền thông và các chức trách."

Các phương tiện truyền thông thì ngày càng tập trung vào mặt tối và các tác động ngoài mong muốn của Facebook và các mạng xã hội khác. Các nhà quản lý đang giám sát công ty hơn bao giờ hết. Một số cựu lãnh đạo của Facebook đã công khai để bày tỏ hối tiếc về những gì họ đã xây dựng. Và Zuckerberg cũng thế.

Zuckerberg đã viết trong một bài đăng trên Facebook cho Yom Kippur vào tháng 9 rằng: "Khi công việc của tôi đã bị lợi dụng để tạo ra sự chia rẽ hơn là kết nối chúng ta lại với nhau, tôi cầu xin sự tha thứ và sẽ cố gắng cải thiện việc này".

James Cakmak, một nhà phân tích của Monness, Crespi, Hardt, đã viết trong một bình luận việc thay đổi News Feed rằng: "Kiểm soát nội dung Facebook ở thời điểm này là rất quan trọng, đặc biệt là dưới áp lực truyền thông và các chức trách".

Có thể với mục đích đó, Zuckerberg đã lên kế hoạch đi chu du và lắng nghe khắp nước Mỹ, sửa lại tuyên bố sứ mệnh của công ty và cam kết sẽ không đánh đổi việc bị lạm dụng nội dung để lấy lợi nhuận.

Đầu năm nay, Zuckerberg cho biết mục tiêu cá nhân của ông cho năm 2018 là tập trung vào "khắc phục" nhiều vấn đề của Facebook. Những vấn đề mà ông đề cập đến là "lạm dụng và thù hận hoặc đảm bảo rằng thời gian mà người dùng sử dụng facebook là có ý nghĩa tích cực".

Cập nhật mới về News Feed là mục tiêu đầu tiên, tập trung vào chất lượng thời gian mà người dùng sử dụng trên nền tảng chứ không phải là số lượng.

Ngay cả khi việc này giúp Zuckerberg lấy lại hình ảnh, nó cũng tạo ra một số rủi ro vị tỷ phú này. Thay đổi về News Feed đã ảnh hưởng đến các nhà xuất bản và nhà đầu tư, những người lo ngại rằng bây giờ việc tiếp cận khách hàng trên nền tảng sẽ là khó khăn hơn. Cổ phiếu của Facebook giảm 4% vào đầu phiên giao dịch ngày 12.1, khi Zukerberg đăng lên Facebook ý định của mình.

Zuckerberg đang cố gắng giải cứu Facebook

Ảnh: Washington Post.

Giới chuyên gia cũng đặt ra một số quan ngại về xã hội. Theo CNN, thay đổi này có thể mang lại hậu quả không lường trước được. Bằng cách ưu tiên nội dung như là các cuộc trò chuyện với bạn bè, Facebook có thể gặp rủi ro khi cổ xúy cho những bài đăng đầy tính chia rẽ và cực đoan, điều vốn có thể tạo ra nhiều lời bình luận tiêu cực, và điều này chỉ có thể làm gia tăng cho cái gọi là "bong bóng lọc".

Theo như trải nghiệm của Eli Pariser, tác giả của cuốn sách "Bong bóng lọc", Facebook quan sát những đường link mà ông truy cập và nhận ra rằng ông đã truy cập vào các đường link của những người theo chủ nghĩa tự do nhiều hơn là của những người bảo thủ. Không hề hỏi ý kiến ông về điều này, Facebook đã tự loại bỏ chúng. Và rồi chúng biến mất.

Nhưng Zuckerberg không thể ngồi yên trước những gì đã xảy ra. Ông không chỉ cố gắng bảo vệ hình ảnh của Facebook mà còn là bảo vệ chính mình.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 11.1, Zuckerberg gợi ý rằng điều quan trọng đối với ông là "khi Max và August (hai đứa con của ông) lớn lên, chúng cảm thấy rằng những gì cha chúng đã gầy dựng là tốt cho thế giới".

Bá Ước
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư