Xu hướng tiêu dùng châu Á 2018
Sở thích, sự ưa chuộng của người tiêu dùng châu Á đang thay đổi nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Với một tầng lớp trung lưu đang tiếp tục lớn mạnh và những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, người tiêu dùng châu Á đang tìm kiếm những phương cách để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Hãy cùng nhìn vào các xu hướng đang và sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng ở khu vực này.
Ưu tiên cho di động
Châu Á có số người sử dụng điện thoại di động nhiều hơn các khu vực khác và tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực di động cũng cao nhất thế giới. Tại những thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, nhiều người tiêu dùng trẻ nhìn nhận các doanh nghiệp mang lại giải pháp di động cho khách hàng là “tiên tiến” và thích lựa chọn những thương hiệu này hơn so với các đối thủ “chậm tiến”.
Nhiều chương trình tivi trong khu vực đang dần chuyển sang các nền tảng trực tuyến như YouTube và các trang mạng chuyên về video vì biết rằng đối tượng mục tiêu của họ đang dần xa lánh truyền hình. Người tiêu dùng ở khu vực này cũng đặc biệt thích xem và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ qua mạng xã hội từ điện thoại di động.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử trong khu vực đang tập trung nỗ lực của họ vào nền tảng di động, chẳng hạn như trường hợp của Lazada – trang mua sắm hàng đầu tại Đông Nam Á.
Bao bì hữu ích và vui tươi
Người tiêu dùng châu Á ngày nay nhạy cảm hơn với tính thẩm mỹ của bao bì sản phẩm và thích chọn những món hàng có bao bì “hữu ích, dễ thương”. Bao bì đẹp cũng là một lý do để họ chia sẻ sản phẩm nào đó với bạn bè.
Chúng ta có thể nhìn thấy xu hướng này với sự thành công của thương hiệu toàn cầu Coca-Cola tại châu Á. In tên riêng trên bao bì hay thiết kế những biểu tượng đồ họa đã giúp thương hiệu này chiếm được cảm tình của những khách hàng trẻ.
Tự chăm sóc bản thân và giải tỏa stress
Trong mấy năm gần đây, việc giảm stress và tự chăm sóc bản thân đang dần trở thành một xu hướng tại thị trường châu Á. Xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2018. Áp lực cao hơn trong công việc và học tập làm cho nhiều người tìm cách giải tỏa stress. Nhiều người tiêu dùng trẻ tại khu vực này chủ động tìm kiếm những món hàng, dịch vụ có thể mang lại cho họ niềm vui và sẵn sàng chi tiêu thêm chút ít nếu điều đó làm họ cảm thấy hạnh phúc.
“Sống trong hiện tại”, “là chính mình”
Năm 2018, người tiêu dùng khắp châu Á sẽ tìm kiếm những dịch vụ, không gian để có thể “được là chính họ”, để khám phá đam mê và làm những gì có thể mang lại niềm vui cho họ. Họ “muốn sống trong hiện tại”, “trải nghiệm cuộc sống” và “tìm cách mang lại hạnh phúc cho bản thân”.
Đây có thể là kết quả từ sự phát triển của mạng xã hội. Nhiều người đang dùng các kênh mạng xã hội để thể hiện bản thân, thể hiện cá tính của họ. Theo một kết quả khảo sát, 73% người tiêu dùng Trung Quốc trong lứa tuổi từ 19-25 cho biết họ quan tâm đến hạnh phúc và trải nghiệm cá nhân nhiều hơn là chuyện kiếm tiền.
“Tự tay làm lấy” – một thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh
Khi mà thị trường di động và ứng dụng phát triển hơn, nhu cầu “tự tay làm lấy” (DIY – Do it yourself) của nhiều người tiêu dùng cũng tăng lên. Các ứng dụng dành cho chợ trời và hàng thủ công ở Nhật đang bùng nổ; thị trường tiêu dùng DIY của Đài Loan cũng đang phát triển nhanh.
Một trong những lý do khiến nhiều người tiêu dùng quay sang thích “tự tay làm lấy” là vì tiếp thị hàng tiêu dùng ngày nay thiếu vắng “những sự kết nối mang tính nhân văn”.
Ứng dụng hợp cùng trí tuệ nhân tạo
Nhiều người đang tìm đến những ứng dụng có thể trợ giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Họ cũng sẵn sàng đón nhận các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo và máy học.
Chúng ta có thể nhìn thấy xu hướng này qua sự thành công của các ứng dụng theo dõi giấc ngủ như Sleep Meister (ở Nhật) và Snail Sleep (Trung Quốc). Cả hai ứng dụng này đều phân tích dữ liệu giấc ngủ và đưa ra những đề xuất giúp người dùng cải thiện thói quen liên quan đến giấc ngủ để có được chất lượng sống tốt hơn. Năm 2018 hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các ứng dụng theo dõi và hỗ trợ cải thiện sức khỏe.
Cuộc chiến ví điện tử
Các nhà bán lẻ ngày nay không chỉ nỗ lực xây dựng trải nghiệm mua sắm mà còn muốn sở hữu công cụ thanh toán qua ví điện tử. Cuộc chiến ví điện tử ở châu Á đang nóng lên. Tại Trung Quốc, Alibaba ra mắt siêu thị thực Hema; sản phẩm tại đây được quét trên ứng dụng Hema và được thanh toán qua Alipay. Tại Ấn Độ, Google tung ra Tez, túi di động miễn phí kết nối điện thoại với tài khoản ngân hàng để người dùng có thể thanh toán tại các cửa hàng thực giống như thanh toán trực tuyến. “Bạn có thể chuyển tiền cho gia đình, chia sẻ hóa đơn ăn tối với bạn bè hoặc trả tiền cho người bán trà trên phố”, Google khẳng định trên cổng thông tin của Tez.
Kiểm soát kênh thanh toán sẽ mang lại cho doanh nghiệp dữ liệu khách hàng có giá trị và mở đường cho các chương trình khuyến mãi giúp nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng. Cứ như thế, doanh số sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng.
Xin chào năm 2018, một năm mà người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều hơn nữa sự tích hợp của công nghệ vào đời sống hằng ngày của họ.
Long Hồ
Nguồn Doanh Nhân+