Chuyển động mới trên thị trường cho vay tiêu dùng
Sau làn sóng phát triển ồ ạt của các công ty tài chính và nỗ lực giành lại thị trường của các ngân hàng, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận những thành viên mới - các công ty quản lý ứng dụng cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P).
Tăng trưởng thần tốc, cạnh tranh gay gắt
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 11-2017 ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016, cao hơn nhiều tốc độ tăng của tổng tín dụng là 15,3%. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng năm 2017 tiếp tục đến từ hai nhóm nhà cung cấp là các ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Nếu như các công ty tài chính tham gia mạnh vào sản phẩm cho vay phương tiện đi lại và mua đồ dùng gia đình thì các các ngân hàng thương mại đang chiếm lĩnh mảng cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm và cho vay qua thẻ tín dụng, cho vay thấu chi.
Trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 11-2017, cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%. Thống kê này cho thấy tăng trưởng tuyệt đối dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn đang tập trung tại nhóm các ngân hàng (thông qua cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở). Đối với các mảng khác của cho vay tiêu dùng, sự lấn sân qua lại giữa hai nhóm đang làm mức độ cạnh tranh tăng lên.
Nếu như cách đây vài năm, việc trả góp sau khi thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ phổ biến ở các ngân hàng như ANZ, HSBC, Sacombank... thì hiện nay, ngày càng nhiều ngân hàng thương mại chú trọng phát triển sản phẩm này nhằm tấn công vào các đơn vị bán lẻ. Ngoài lãi suất trả góp, ngân hàng sẽ thu phí chuyển đổi sang trả góp (một lần) và phí quản lý trả góp hàng tháng. Mặc dù vậy, “lãi thực” mà khách hàng phải trả hầu như thấp hơn hình thức vay trả góp qua các công ty tài chính. Nhiều ngân hàng thậm chí còn áp dụng lãi suất trả góp 0% và miễn phí quản lý trả góp nếu thanh toán tại các đối tác liên kết với ngân hàng. Với số lượng thẻ tín dụng và doanh số thanh toán ngày càng tăng, sản phẩm cho vay này đang tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong mảng cho vay mua trang thiết bị gia đình và mua phương tiện đi lại.
Trong khi không nhiều ngân hàng mặn mà phát triển cho vay thấu chi vì ngại rủi ro cao thì các công ty tài chính lại đang tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiền mặt. Mục đích của cho vay tiêu dùng là để người vay mua hàng, còn nếu được giải ngân bằng tiền mặt hoặc thấu chi qua tài khoản thẻ thì không thể biết được mục đích vay. Những người cần vay tiền mặt thường có dòng tiền không ổn định và kẹt tiền cần phải vay gấp nên rủi ro nợ xấu cũng cao hơn bình thường. Bù lại, lãi suất và phí của sản phẩm này rất cao nên nếu quản lý tốt thì vẫn có thể bù đắp cho rủi ro. Đối tượng cho vay tiền mặt đang được các công ty tài chính mở rộng từ các khách hàng đã từng mua hàng trả góp trước đây sang các khách hàng mới hoàn toàn. Tất nhiên các khoản vay này là tín chấp, thậm chí một số công ty tài chính còn không đòi hỏi khách hàng phải chứng minh thu nhập.
Động lực đổi mới từ sự phát triển của công nghệ
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ số lượng đơn vị tham gia. Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu người dùng cũng đang tạo ra không ít thách thức và là động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng.
Bên cạnh việc ứng dụng, phát triển các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, sinh trắc học, tư vấn tự động, chatbot... các ngân hàng và công ty tài chính cũng phải số hóa quy trình cho vay để đáp ứng yêu cầu về tốc độ, sự tiện lợi và chi phí cấp tín dụng.
Trước áp lực tham gia của những thành viên mới và những ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Chuyển động này đem đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý...
Thời gian phê duyệt khoản vay tại các công ty tài chính ngày càng nhanh chóng với việc tích hợp thông tin từ nhiều nguồn như CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước), các danh sách đen, lịch sử mua hàng, thanh toán tín dụng, thậm chí là các nguồn dữ liệu trực tuyến khác như mạng xã hội, dữ liệu GPS, dữ liệu di động, lịch sử thanh toán hóa đơn... Sau khi nhân viên tư vấn tiếp nhận đơn đề nghị vay vốn từ khách hàng, quy trình thẩm định sau đó hầu như là tự động và quyết định cho vay có thể được đưa ra chỉ sau vài phút.
Ngoài ưu điểm về thời gian vay, sự phát triển của công nghệ số trong thời gian qua cũng giúp cho những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng thấp hay chưa có lịch sử tín dụng dễ dàng tiếp cận được vốn vay thông qua các kênh phi truyền thống.
Đối với quy trình cho vay của các ngân hàng, thuật ngữ “thẩm định đục lỗ” ngày càng được phổ biến rộng rãi. Với các khoản vay tiêu dùng hoặc phát hành thẻ tín dụng, thấu chi, việc thẩm định hồ sơ của nhiều ngân hàng đã được tự động hóa thay vì phải tốn nhiều thời gian trình duyệt như trước đây.
Ngân hàng số sẽ là bước tiến tiếp theo của ngân hàng bán lẻ nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới ưu việt và cắt giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam đều đang phải hoạch định và triển khai chiến lược về ngân hàng số. Ngân hàng VPBank thậm chí có đến hai khối liên quan đến công nghệ số là khối dịch vụ ngân hàng công nghệ số (phát triển dịch vụ ngân hàng công nghệ số, cải tiến quy trình thông qua việc tích hợp các công nghệ số) và khối VPDirect (hợp tác với mạng lưới đối tác số bên ngoài và cung cấp các sản phẩm thanh toán công nghệ số).
Cho vay ngang hàng và nhu cầu bức thiết về hành lang pháp lý
Tại Việt Nam hiện có khá nhiều trang web quảng cáo cho vay tiền mặt online với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty trên đều hoạt động theo hình thức cho vay ngang hàng. Hình thức cho vay ngang hàng đúng nghĩa là sự kết nối người vay vốn và nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi thông qua hệ thống công nghệ. Tính ưu việt của hình thức cho vay ngang hàng so với hoạt động cho vay truyền thống là sự tiết giảm chi phí đáng kể cho trung gian tài chính (ngân hàng hoặc công ty tài chính). Mức chênh lệch giữa lãi suất người cho vay nhận được và lãi suất người đi vay phải trả ở mức thấp do chỉ để trả “phí kết nối”. Ngoài ra, ứng dụng cho vay ngang hàng sử dụng công nghệ thẩm định tín dụng và các thuật toán phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp đưa ra quyết định giải ngân nhanh chóng.
Trên thế giới, các mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển bùng nổ. Tại Việt Nam, vấn đề pháp lý đối với hoạt động của Tima.vn hay các công ty khác theo hình thức cho vay ngang hàng vẫn đang là vấn đề bàn cãi do dịch vụ cho vay ngang hàng P2P hoàn toàn chưa có quy định pháp luật.
Vì thiếu hành lang pháp lý, hoạt động của các sàn giao dịch P2P tại Việt Nam đang tạo ra nhiều rủi ro cho tất cả các bên. Đối với công ty quản lý ứng dụng cho vay ngang hàng, rủi ro bị đóng cửa là hoàn toàn có thể xảy ra do theo quy định hiện tại, chỉ có những đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay. Đối với người cho vay, do không có quy định phong tỏa nguồn vốn chưa được giải ngân nên sẽ có tâm lý e ngại các công ty P2P ôm tiền bỏ trốn. Đối với người đi vay, rủi ro đến từ các trang web cho vay trực tuyến lợi dụng P2P để cho vay nặng lãi. Ngoài ra, P2P cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao hoạt động.
Trước áp lực tham gia của những thành viên mới và những ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Chuyển động này đem đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.
Phong Hiếu
Nguồn The Saigon Times