Vì sao Thế Giới Di Động đặt mục tiêu thấp hơn trong năm 2018?
Chưa hết năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố kế hoạch dự kiến cho năm 2018. Tuy nhiên, so với mục tiêu tăng trưởng 50-60% của những năm trước, kế hoạch kinh doanh lần này của MWG đã chững lại.
Cụ thể, mục tiêu doanh thu năm 2018 của MWG là hơn 86.000 tỉ đồng, chỉ tăng 36,5%; lợi nhuận sau thuế là 2.603 tỉ đồng, tăng 18,3% so với kế hoạch năm 2017.
Mục tiêu kinh doanh này, tuy còn đợi Đại hội đồng cổ đông thông qua nhưng dễ khiến thị trường thất vọng, nhất là khi MWG đã luôn duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình 48,8% suốt 3 năm qua.
Dồn lực cho Bách Hóa Xanh
MWG chưa cho biết kế hoạch chi tiết của từng mảng hoạt động nhưng theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG, Bách Hóa Xanh sẽ là yếu tố tạo tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho MWG trong năm 2018.
Chia sẻ này tương đồng với dự đoán cách đây chưa lâu của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Theo đó, VCSC ước tính doanh thu Bách Hóa Xanh trong năm 2018 có thể đạt hơn 10.300 tỉ đồng, gấp 7,2 lần so với hiện tại. VCSC đưa ra nhận định này vì trong năm 2018, MWG ước sẽ dồn lực mở rộng chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. Theo con số công bố cuối tháng 11.2017, MWG đang sở hữu 248 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Sang năm 2018, ông Trần Kinh Doanh xác nhận, chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ mở rộng và tăng lên hơn 1.000 cửa hàng, tức tăng gấp 4 lần.
Ông Doanh cho biết thêm, địa bàn mà MWG mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn là ở TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều khả năng, MWG sẽ nhân rộng chuỗi siêu thị này ra các quận, huyện khác, bên cạnh các quận mà MWG đang tập trung phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh như quận Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, quận 8, quận 12...
Việc phải mở rộng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh lên thêm khoảng 700-750 siêu thị sẽ là thách thức rất lớn cho MWG. Tính ra, MWG cần mở 50-60 cửa hàng Bách Hóa Xanh mỗi tháng. Đây là tốc độ mở cửa hàng chưa đơn vị nào đạt được. Ngay MWG trong năm 2017, dù chạy đua vượt xa các chuỗi bán lẻ khác như Co.op Food và Satrafoods thì cũng chỉ mở mới trung bình 20-25 siêu thị/tháng.
Đây có lẽ là lý do vì sao, ông Trần Kinh Doanh cho biết, trong năm 2018, MWG sẽ tạm dừng mở thêm chuỗi Thế Giới Di Động. Riêng chuỗi Điện Máy Xanh cũng chỉ mở mới khoảng 50-100 siêu thị, tức giảm còn 1/3-1/4 so với số lượng mở mới trong năm 2017. MWG muốn dồn tổng lực cho hoạt động mở chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Nếu dồn sức, MWG cũng có khả năng hoàn thành chỉ tiêu. Vì trong 11 tháng năm 2017, tổng số siêu thị mới mà MWG thiết lập được đã xấp xỉ 670 cửa hàng, tức gần với con số 700-750 mà MWG muốn mở thêm ở chuỗi Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, với chiến lược chỉ nhắm đến khu đông dân, đưa cửa hàng Bách Hóa Xanh len lỏi từng ngóc ngách, ngõ hẻm, đường phố, trong một diện tích nhỏ gọn, chỉ khoảng 100-200 m2/cửa hàng, MWG có thể tính toán được bài toán thuê mặt bằng.
Nhưng MWG sẽ ít nhiều ưu tư về bài toán tài chính cho đầu tư. Theo các con số công bố, mỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, MWG cần đầu tư khoảng 10-20 tỉ đồng. Tính ra, để mở thêm 700-750 siêu thị cho mảng này, MWG ước chi ra hàng ngàn tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, lợi nhuận từ kinh doanh chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ phần nào được sử dụng cho mục đích đầu tư mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, MWG có thể sẽ gia tăng đi vay, tác động lên chi phí tài chính của Công ty. MWG còn phải tốn thêm chi phí khấu hao cho số lượng siêu thị này. Đó là lý do vì sao, trong năm 2018, MWG vẫn chưa đặt kỳ vọng về lợi nhuận cho mảng bán lẻ thực phẩm.
Trước mắt, mảng kỳ vọng đóng góp doanh thu, lợi nhuận đáng kể nhất cho MWG là điện máy. Theo báo cáo tóm tắt kinh doanh của MWG, trong 11 tháng năm 2017, doanh thu từ chuỗi Điện Máy Xanh lại có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất, tăng 124% so với cùng kỳ và chiếm 44,2% tổng doanh thu của MWG.
Sang năm 2018, ông Trần Kinh Doanh cho biết, Điện Máy Xanh sẽ đóng góp chính vào tổng doanh thu của MWG. Với số lượng siêu thị Điện Máy Xanh đã tăng lên 607 và sẽ còn tăng thêm, HSC nhận định, doanh thu, lợi nhuận, thị phần trong mảng điện máy của MWG sẽ còn tăng. Chẳng hạn, thị phần điện máy của MWG năm 2018 ước chiếm 33% từ mức 26% của năm 2017. Riêng mảng bán lẻ điện thoại di động đã ở giai đoạn bão hòa nên sẽ vẫn duy trì ổn định.
Chờ quả ngọt
Các công ty chứng khoán khi dự đoán triển vọng tương lai của MWG đều không đưa hoạt động M&A của công ty này vào trong báo cáo. Bởi giới phân tích còn chờ thêm thông tin về các thương vụ, sau khi thâu tóm hoàn tất. Trước mắt, thị trường ghi nhận MWG đang tích cực triển khai các động thái can thiệp thời hậu M&A ở Trần Anh (TAG). Theo thông tin cập nhật, TAG sẽ miễn nhiệm người cũ để thay thế người mới, do MWG cử sang. Ông Trần Kinh Doanh có thể sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị TAG.
Ngoài ra, TAG còn dự tính bổ sung 18 ngành nghề, trong đó có 15 ngành mới như quảng cáo, sản xuất linh kiện điện tử, lắp đặt hệ thống điện, bán lẻ máy vi tính, thiết bị viễn thông, bán lẻ đồ gia dụng, giường tủ bàn ghế, đồ nội thất, đèn... MWG cũng sẽ biến 40 siêu thị hiện nay của TAG thành những siêu thị tương tự Điện Máy Xanh. Đối với thương vụ thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, MWG cũng mau chóng có những động thái như chuyển tên nhà thuốc Phúc An Khang thành nhà thuốc An Khang.
Sang năm 2018, MWG cho biết, hoạt động tìm kiếm cơ hội từ M&A của Công ty sẽ vẫn tiếp tục, nhưng chưa thể chia sẻ cụ thể kế hoạch vì còn tùy vào diễn biến thực tế. Hiệu quả từ M&A sẽ còn chờ thêm thời gian.
MWG đặt nhiều kỳ vọng ở mảng Bách Hóa Xanh. Trong 5 năm tới, HSC tin rằng, phân khúc siêu thị mini sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng chính cho MWG. Lợi nhuận của MWG sẽ cải thiện đáng kể khi Công ty có thể dựa vào quy mô để đàm phán mua hàng trực tiếp với nhà cung cấp theo giá tốt nhất và nhiều ưu đãi. Chưa kể, MWG cũng đã xây dựng một trung tâm phân phối phục vụ các cửa hàng bách hóa, thử nghiệm tính khả thi về mặt logistics khi mở rộng sang trong năm 2018.
Rõ ràng, MWG đang có những chuyển đổi từ mô hình nhà phân phối sang hình thành mạng lưới tự cung cấp. Nếu thành công, như MWG đã thành công ở mảng bán lẻ điện thoại và điện máy, cách thức này hứa hẹn giúp MWG đạt tỉ suất sinh lời đủ hấp dẫn.
Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư