Qua kỳ tích, nhận diện trở ngại trong năm 2018

Kinh tế năm 2017 đã cán đích với thành tích hơn kỳ vọng, nhưng những thách thức để duy trì mức tăng trưởng GDP năm 2018 là không dễ dàng.

Kỳ tích năm 2017

Đến thời điểm này, có thể khẳng định chắc chắn, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã làm nên điều kỳ diệu. Đặc biệt, các chỉ tiêu về kinh tế cán đích ngoạn mục, quan trọng nhất, tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% đã hoàn thành. GDP năm 2017 tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 ngàn tỉ đồng, tương ứng hơn 220 tỉ USD. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 177 tỉ USD năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 22% giá trị xuất khẩu. Điện thoại di động và các bộ phận chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu.Theo World Bank, xuất khẩu chiếm 90% GDP vào năm 2015, so với mức 64% một thập niên trước.

Sự điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 lên 6,7% của các tổ chức tài chính uy tín như World Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chứng tỏ, kết quả này không phải là chuyện “trong nhà khen nhau”.

Kinh tế năm 2017 đã cán đích với thành tích hơn kỳ vọng, nhưng những thách thức để duy trì mức tăng trưởng GDP năm 2018 là không dễ dàng.

Kết quả trên lại càng đáng ghi nhận khi trong năm vừa qua, Việt Nam phải đối diện với những thách thức cả chủ quan và khách quan. Đặc biệt, nợ xấu vẫn đang là cục máu đông, không chỉ gây nghẽn mạch tín dụng mà còn cản trở nền kinh tế bước sang một sự bình thường mới. Với những thương vụ đình đám ở Sabeco, Vinamilk..., việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt tổng giá trị thực tế lên tới hơn 213.700 tỉ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016, nhưng tiến độ cổ phần hóa mới đạt non nửa kế hoạch đề ra.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét: “Chất lượng tăng trưởng năm 2017 đã có những chuyển biến nhất định. Chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp và chủ trương tái cơ cấu, tập trung cho nông nghiệp đã và sẽ mang tới tăng trưởng có chất lượng, bền vững và có sức lan tỏa tốt hơn. Công nghiệp chế biến đạt được sự thay đổi về chất, rõ rệt nhất là sự giảm phụ thuộc vào khai khoáng... Tất cả những yếu tố trên tạo tiền đề để năm 2018 tiếp tục phát huy, không chỉ đạt được mức tăng trưởng về lượng mà cả về chất”.

“Đây là thập niên đầy cơ hội dành cho Việt Nam khi đất nước này đang dần trở thành một nơi sản xuất của thế giới. Việc đa dạng hóa các sản phẩm và thị trường tạo nên nhiều đầu ra cho xuất khẩu. Chúng tôi rất lạc quan về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, mặc dù vẫn còn chút quan ngại về nợ xấu”, Eugenia Victorino, một nhà kinh tế của Ngân hàng ANZ Singapore, trả lời Bloomberg.

Vượt trở ngại 2018

Kinh tế Việt Nam có tiếp được đà hưng phấn này trong năm 2018 hay không trước những thách thức nội tại của nền kinh tế như nợ công tăng cao, ngân sách eo hẹp nhưng kế hoạch đầu tư phát triển lại cần vốn rất lớn? Như người Việt vẫn thường nói, nhận diện được khó khăn, thách thức nghĩa là rút ngắn được một nửa chặng đường đi tới thành công.

Theo cách tư duy như vậy, về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, dù vẫn còn những tranh luận trái chiều, việc bán cổ phần như thực hiện ở Sabeco vừa qua cần phải làm quyết liệt hơn. Theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, phải kiên quyết thực hiện cổ phần hóa cả nhóm doanh nghiệp làm ăn chưa thực sự hiệu quả. Điều này không phải dễ dàng, không chỉ vì thiếu quyết tâm mà còn vì thiếu cả thị trường, nhưng thời hạn năm 2020 cổ phần hóa xong doanh nghiệp nhà nước không còn xa. Không còn thời gian để trì hoãn.

Qua kỳ tích, nhận diện trở ngại trong năm 2018

Về vấn đề nợ xấu, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội đã hé mở cánh cửa để giải quyết triệt để những món nợ xấu, nợ khó đòi đang làm cho hệ thống tài chính Việt Nam chưa thực sự lành mạnh. Làm rõ những vướng mắc, nhập nhèm trong các khoản vay tại ngân hàng sẽ khiến những con nợ lớn, trong đó có doanh nghiệp nhà nước không thể ẩn mình trong bóng tối. Hiệu quả kinh doanh của những doanh nghiệp này sẽ được bạch hóa, sẽ chẳng còn lý do gì để ngại ngần cổ phần hóa.

Có thể thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ. Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá sẽ không mạnh mẽ như năm 2017. Trong đó, thị trường bất động sản có thể phải đối diện với những biến động nhưng đó sẽ là cái giá phải trả để cơ cấu nền kinh tế hợp lý hơn.

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, nêu rõ, giàu lên bằng đất và bán căn hộ không ích lợi gì lắm cho nền kinh tế quốc gia. Khi nguồn lợi nhuận từ bất động sản giảm sút, dòng đầu tư sẽ chuyển hướng sang những ngành sản xuất vật chất, mở ra hy vọng Việt Nam sẽ làm được máy tính, xe gắn máy... thực sự xứng đáng với danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Những vụ thâu tóm đất vàng, đất kim cương với mức giá thấp hơn giá thị trường sẽ giảm bớt, cùng với đó, nguồn thu ngân sách cũng sẽ dồi dào hơn khi quyết tâm định giá đúng giá trị bất động sản trong cổ phần hóa không chỉ giới hạn ở TP.HCM.

Tuy nhiên, những chuyển động tích cực từ phía các cơ quan quản lý kinh tế, không chỉ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh mà còn ở cả quyết tâm giảm áp lực lên chi ngân sách cho thấy, Chính phủ đã hành động. Để quyết tâm trở thành hành động sẽ gặp nhiều trở ngại nhưng nếu đã nhận thức rõ, mạnh về kinh tế mới duy trì được sự phát triển ổn định và bền vững của cả quốc gia, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cải cách triệt để về thể chế kinh tế cũng như cách thức nó vận hành. Trên nóng, dưới sẽ không lạnh khi các bộ phận trong guồng máy kinh tế đều mơ ước về một Việt Nam đường hoàng đứng cạnh những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hoàng Hạnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư