Khảo sát Gallup International: Việt Nam xếp thứ hạng cao về hy vọng và hạnh phúc
Mặc dù chỉ số lạc quan kinh tế toàn cầu đang giảm trong 12 tháng qua nhưng Việt Nam tỏ ra là lạc quan nhất.
Điều tra cuối năm hằng năm lần thứ 41 của Gallup International cho thấy người dân cảm nhận kinh tế toàn cầu sẽ khó khăn hơn trong năm tới.
Viễn cảnh ngày một bi quan của kinh tế thế giới
Chỉ số lạc quan kinh tế toàn cầu đang giảm trong 12 tháng qua. Điều tra cuối năm của Gallup International cho thấy 28% số người được hỏi tỏ ra lạc quan về viễn cảnh kinh tế trong năm 2018, ít hơn 2 điểm phần trăm so với tỷ lệ những người bi quan. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ người bi quan nhiều hơn người lạc quan trong những năm gần đây, từ mức tỷ lệ số người lạc quan hơn số người bi quan là 23 điểm phần trăm vào cuối năm 2015 xuống 20 điểm phần trăm vào cuối năm 2016 và âm 2 điểm phần trăm vào năm 2017.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực châu Âu tỏ ra đặc biệt lo lắng về viễn cảnh kinh tế của năm tới với chênh lệch lạc quan – bi quan là âm 16 điểm phần trăm. Tương lai không chắc chắn của khối EU và châu Âu sẽ tiếp tục là thách thức, mặc dù kinh tế châu Âu đã có dấu hiệu phục hồi. Lần đầu tiên chênh lệch lạc quan – bi quan kinh tế tại EU thấp hơn Nga, tuy nhiên phần lớn người Nga (49%, cao nhất trong số các nước được tiến hành điều tra) cho rằng kinh tế nước này sẽ trì trệ trong năm tới.
Những nước bi quan nhất về kinh tế là Ý (chênh lệch lạc quan – bi quan là âm 50), Hy Lạp (âm 42), Thổ Nhĩ Kỳ (âm 40). Nigeria và Việt Nam là những nước lạc quan về kinh tế nhất với chêch lệch lạc quan – bi quan lần lượt là 59 và 55.
Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ những người lạc quan về kinh tế trong năm tới với mức tăng 8% so với năm ngoái, bằng với tỷ lệ cuối năm 2015.
Một năm thế giới ít hạnh phúc hơn
Khoảng hơn 1/2 (59%) số người được hỏi cho biết họ hạnh phúc. Tỷ lệ này thấp hơn gần 10 điểm phần trăm so với năm ngoái. 2017 là một năm ảm đạm với các vụ khủng bố xảy ra hầu như mỗi tuần và điều này có thể đã ảnh hưởng tới nhiều người. Mặc dù vậy, phần lớn những người được hỏi tại tất cả các nước đều trả lời là họ hạnh phúc.
Chênh lệch hạnh phúc – không hạnh phúc của toàn thế giới là 49 điểm, giảm so với mức 59 điểm một năm trước. Trong số 55 nước tiến hành điều tra, 8% cho biết họ không hạnh phúc, tương tự như mức 9% năm ngoái và 10% năm 2015.
Việt Nam nằm trong top 5 nước hạnh phúc nhất với điểm số là 77, giảm chút ít trong ba năm vừa qua. Châu Mỹ Latin là lục địa hạnh phúc nhất thế giới với tỷ lệ chênh lệch hạnh phúc – không hạnh phúc là 66 điểm). Fiji là nước hạnh phúc nhất, thứ hai là Colombia với chêch lệch hạnh phúc – không hạnh phúc là 86 điểm. Iran và Iraq đứng cuối bảng với 5 và 7 điểm. Mỹ và Nga có số điểm bằng nhau là 50.
Hy vọng về tương lai
Thế giới vẫn đang hy vọng về tương lai tươi sáng hơn, mặc dù giảm so với năm ngoái… Chưa tới 40% số người được hỏi trên toàn thế giới cho rằng năm 2018 sẽ tối đẹp hơn năm 2017, giảm 13 điểm phần trăm so với 1 năm trước. 23% cho rằng năm tới sẽ tệ hơn. 32% cho rằng năm tới sẽ như năm nay và 6% không có câu trả lời.
Cuối năm 2016, chỉ có 15% cho rằng năm tới sẽ tệ hơn, tỷ lệ này năm cuối năm 2017 là 23%, khiến mức chênh lệch là 16 điểm, giảm tới 1 nửa so với 37 điểm của năm ngoái. Indonesia là nước lạc quan nhất năm nay với 66 điểm và Đông Nam Á là khu vực lạc quan nhất thế giới với 51 điểm. Ngược lại châu Âu là khu vực bi quan nhất với 0 điểm giành cho các nước không thuộc liên minh châu Âu EU và chỉ 5 điểm so với các nước thuộc liên minh.
Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số những nước lạc quan nhất với trên 50 điểm. Hy Lạp và Ý là những nước bi quan nhất với -30 và -41 điểm.
Xét chung toàn cầu, Nhóm các nước phát triển nhanh nhất có chỉ số hy vọng cao hơn. Các nước còn thu nhập thấp cũng có niềm hy vọng bởi vẫn còn đó những triển vọng phát triển kinh tế đất nước. Ở Việt Nam, 58% số người được hỏi cho rằng năm 2018 sẽ tốt đẹp hơn so với 2017, so với mức 8% cho rằng năm tới sẽ tệ hơn. Chỉ số Hy vọng như vậy là 50 điểm.