Người Việt mê đồ Thái, doanh nghiệp nội đi đâu?
Giờ là lúc hàng Việt phải đổi mới, nếu không muốn bị chìm nghỉm trong cơn bão có tên "hội nhập".
Hiện nay, tâm lý người tiêu dùng nước ta đang có sự chuyển biến mạnh. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới xuất xứ của các sản phẩm. Thay vì dùng hàng Trung Quốc, họ chuyển sang những sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan.
Âm thầm nhưng mạnh mẽ
Hàng Thái Lan âm thầm xâm nhập vào thị trường Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường, từng bước lấn lướt hàng Trung Quốc. Với chất lượng tốt, giá cả phải chăng và chấp nhận được với người tiêu dùng Việt, hàng Thái Lan dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, cho dù "toàn chữ loằng ngoằng".
Người Thái rất biết cách quảng bá sản phẩm của họ. Các hội chợ hàng Thái Lan tổ chức hằng năm đều rất thu hút khách. Sự hiếu kỳ chỉ là một lẽ, vì người tiêu dùng chỉ đợi đến dịp này để mua hàng giảm giá.
Điều đó cho thấy, hàng Thái có một điểm khác biệt so với hàng Việt, đó là chất lượng. Người tiêu dùng không cần biết nhà sản xuất nào, mà cũng chẳng có ai tìm hiểu xem công ty nào bên Thái sản xuất. Họ chỉ cần biết rằng, sản phẩm mà họ mua có chất lượng tốt và hợp túi tiền, thế là đủ.
Đi tìm nguyên nhân hàng Thái làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam, chúng ta thấy nguyên nhân đó không chỉ vì mẫu mã, chất lượng và giá thành, đó còn là cả một quá trình, trong đó, có sự giúp sức của chính… người Việt Nam. Tìm hiểu trên thị trường, có rất nhiều loại hàng của Việt Nam có chất lượng tốt không kém gì hàng Thái như bánh kẹo, đồ hộp… nhưng người Việt vẫn chuộng hàng Thái hơn. Đơn giản, vì thương hiệu hàng tiêu dùng "made in Thailand" đã có sức nặng tương đối trong tâm trí người tiêu dùng.
Đơn cử như một sản phẩm rất nhỏ là cá hộp. Độ 7-8 năm về trước, sản phẩm cá hộp của Thái Lan đã tràn vào Việt Nam và được đón nhận rất nhiệt tình. Nhưng khi đó, Việt Nam cũng đã có một thương hiệu cá hộp đang được lòng người tiêu dùng là đồ hộp Hạ Long. Bản thân chất lượng của đồ hộp Hạ Long không hề thua kém hàng Thái, nhưng sau một thời gian vẫn chịu lép về trước đồ hộp Thái
Nguyên nhân không hoàn toàn do chất lượng. Hàng Thái tràn ngập khắp nơi, trong khi đó một số thương hiệu Việt chưa biết cách quảng bá rộng rãi, do vậy sức lan tỏa của các thương hiệu Việt còn hết sức hạn chế. Hàng Thái Lan luôn được sự hậu thuẫn của các nhà phân phối của Thái với những chiến dịch rất bài bản. Những thương vụ mua bán sáp nhập từ các tập đoàn bán lẻ Thái như BJC mua 19 siêu thị Metro hay BJC mua cổ phần của FamilyMart trong liên doanh với Công ty Phú Thái và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart đã cho thấy điều đó.
Sự chuyên nghiệp chính là điểm khác biệt giữa hàng Thái và hàng Việt.
Rõ ràng, sự chuyên nghiệp chính là điểm khác biệt giữa hàng Thái và hàng Việt. Doanh nghiệp Thái ngày càng lấn sâu vào thị trường Việt Nam, gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất trong nước. Viễn cảnh 10 - 20 năm tới, hàng Việt sẽ mất hẳn chỗ đứng đang ngày một hiện hữu, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng
Với thực tế hiện nay, khi người Thái có một lực lượng kênh phân phối hùng hậu thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới từ công nghệ cho đến kênh quảng bá và phân phối, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.
Không thể đỗ lỗi cho người tiêu dùng vì sính ngoại, mà nên nhìn thẳng vào thực tế là hàng Việt hoặc là chất lượng không tốt, hoặc là không đến được tay lượng người tiêu dùng thực sự cần. Xét về mặt thị trường, khi hàng Thái rẻ thêm nhờ thuế nhập khẩu bằng 0 sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng, và cũng là sức ép để các doanh nghiệp Việt tự nhìn lại mình và thay đổi. Nhưng nếu không thay đổi được, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến làn sóng thoái trào của hàng hóa trong nước trên chính thị trường Việt Nam.
Việc trước mắt mà các doanh nghiệp Việt cần làm hiện nay để chiếm lĩnh lại thị trường có sức mua lớn trong nước là nỗ lực đầu tư cho công nghệ để nâng cao chất lượng, đầu tư về mặt hình thức như bao bì, mẫu mã. Một thực tế hiện nay và cũng là điểm yếu lớn của hàng Việt là chất lượng không ổn định. Khi bán được nhiều cũng là lúc chất lượng đi xuống, dù có làm hình thức bắt mắt thế nào nhưng chất lượng không tốt thì cũng sẽ mất dần lượng khách hàng trung thành của một thương hiệu.
Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp để họ đầu tư ban đầu cho việc đổi mới công nghệ. Đó có thể không phải là chính sách hỗ trợ về vốn mà có thể là các ưu đãi trong quá trình tái đầu tư vào một dòng sản phẩm bị lãng quên nào đó bằng cách tổ chức những chương trình quảng bá cho sản phảm Việt. Tiêu biểu, chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" đã tạo ra sức lan tỏa lớn, nhưng để thực sự đi vào đời sống hằng ngày của người tiêu dùng thì cần phải làm hơn thế.
Thứ ba, cần có sự hợp tác tốt hơn giữa các thương hiệu hàng hóa trong nước với các chuỗi phân phối bán lẻ. Hiện nay, không chỉ trong các siêu thị, mà các cửa tiệm tạp hóa cũng tràn ngập hàng Thái. Người bán thì chạy theo lợi nhuận, người mua thì dần chuộng hàng Thái, đó cũng có một phần nguyên nhân do các nhà sản xuất hàng Việt chưa tiếp cận đầy đủ đến tận kênh phân phối cuối cùng trong dân cư.
Điểm mạnh của hàng Việt trên sân nhà chính là sự chủ động trong việc đưa ra các chương trình khuyến mại cũng như quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, thì các doanh nghiệp Việt chưa làm được nhiều, mà lại để hàng Thái, dù có rất ít chương trình khuyến mại với người tiêu dùng Việt, từng bước lấn át.
Vào AEC*, hệ quả tất yếu là hàng hóa các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… sẽ ào ạt đổ vào thị trường nước ta. Nhưng khoảng chục năm gần đây, hàng hóa của các nước này đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt, giờ là lúc hàng Việt phải đổi mới, nếu không muốn bị chìm nghỉm trong cơn bão có tên "hội nhập".
*Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN (AC), cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ACSC). Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN.
Đinh Thành Trung
Nguồn Nhịp sống kinh tế