Phong Vũ vào tay Teko: Phòng game thêm sôi động
Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Phong Vũ vừa công bố sáp nhập cùng Teko Việt Nam.
Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Phong Vũ, đơn vị có gần 20 năm trong lĩnh vực bán lẻ phần cứng, linh kiện công nghệ ở TP.HCM, vừa công bố sáp nhập cùng Teko Việt Nam.
Thành lập năm 2007, Phong Vũ là nhà phân phối các sản phẩm và linh kiện máy tính, thiết bị văn phòng, thông tin liên lạc và giải trí. Thị trường máy tính thời đó rất sôi động, thậm chí giá linh kiện máy tính còn được báo chí cập nhật hằng ngày như giá... vàng. Ngoài Phong Vũ còn có các doanh nghiệp khác như Robo, Hoàng Long, Thành Nhân... Tuy nhiên, do tất cả đều là công ty tư nhân nên không có một báo cáo chính thức về thị phần cũng như doanh thu của các công ty này. Nhưng Phong Vũ là cái tên nổi bật trong nhóm vì thương hiệu lâu năm. Hiện nay, công ty này có 6 cửa hàng và một trung tâm bảo hành ở TP.HCM.
Một số nguồn tin cho rằng, Teko Việt Nam đã mua lại Phong Vũ. Được biết, Teko Việt Nam là doanh nghiệp chuyên cung cấp trang thiết bị phần cứng trong lĩnh vực chơi game được thành lập vào đầu năm nay. Hiện Teko Việt Nam đã có văn phòng đại diện ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tiền thân của Teko Việt Nam là bộ phận thương mại điện tử của Vietnam Esports. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Teko Việt Nam là ông Mai Thanh Bình. Thông tin từ Linkedin ông Bình cho biết ông từng giữ chức Phó Chủ tịch VNPay và Giám đốc Điều hành Vietnam Esports. Cả hai công ty nói trên đều hoạt động khá lâu trong lĩnh vực thể thao điện tử và thanh toán điện tử. Hơn nữa, cả VNPay và Vietnam Esports đều đã thuộc về Sea (tiền thân là Garena).
Sea đã quá quen thuộc với giới công nghệ Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, Sea đã huy động được 884 triệu USD thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn New York và được định giá hơn 4 tỉ USD. Thành lập vào năm 2009, Sea ban đầu kinh doanh game trực tuyến, sau đó mở rộng thêm mảng thanh toán trực tuyến là AirPay vào năm 2014 và thương mại điện tử Shopee vào năm 2015. Mặc dù vậy, game vẫn là mảng đang đem lại doanh thu và lợi nhuận chính cho Sea. Mới đây, trang Fanpage của Tekshop.vn, một website trực thuộc Công ty Teko Việt Nam, đã đổi tên thành Teko-Phong Vũ. Cho đến nay, chưa có một thông tin chính thức nào xác nhận ai sẽ nắm quyền sở hữu, nhưng nếu nhìn vào cuộc chơi kinh doanh phòng game hiện nay, có thể hiểu được vì sao Teko Việt Nam cần Phong Vũ.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Niko Partners, doanh thu thị trường game trực tuyến trên máy tính ở Việt Nam dự kiến đạt 400 triệu USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên 600 triệu USD vào năm 2020. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu tăng trưởng chỉ sau Đài Loan ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cuộc chiến phòng game hiện đang là cuộc đua tay đôi của VNG và Vietnam Esports (Sea). Để chiến thắng thị trường này, các hãng phát hành phải có càng nhiều máy tính cài đặt phần mềm phân phối các dòng game của mình càng tốt.
Các phần mềm này còn đóng vai trò quản lý máy, tính tiền, quản lý người chơi cho các chủ phòng game. Theo đó, nếu như VNG là CSM (Cyber Station Manager) thì Vietnam Esports là Gcafe. Thông qua phần mềm này, các nhà phát hành game có thể khuyến mãi cho người chơi để tăng doanh thu, quảng cáo game mới và quan trọng nhất là giữ chân họ với hệ sinh thái của mình.
Theo thống kê từ VNG hồi cuối năm ngoái, cả nước có khoảng 45.000 phòng máy trên toàn quốc. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội dẫn đầu lượng máy với con số lần lượt là 2.500 phòng và xấp xỉ 1.500 phòng. Hiện CSM của VNG chiếm 50% thị phần phòng máy, giảm từ 25% so với năm 2014. Đại diện truyền thông VNG cho biết mặc dù đầu tư rất lớn cho mảng game di động nhưng VNG sẽ không bỏ lỡ nguồn thu từ mảng game máy tính vì đã có các cộng đồng rất tốt từ các tựa game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Tân Thiên Long 3D, Phong Thần, Kiếm Thế...
Teko Việt Nam muốn tạo vị thế tuyệt đối cho Vietnam Esports trong cuộc chiến phòng game bằng cách trở thành nhà cung cấp các thiết bị phần cứng, mảng mà VNG chưa phát triển. Công ty đã xây dựng theo mô hình trực tuyến kết hợp với cửa hàng. Tekshop hiện được định vị là kênh bán hàng công nghệ chính hãng giá tốt nhất thị trường và cung cấp cả gói cho vay trả góp với đối tác là Công ty Tài chính ACS Việt Nam. Song song đó, Teko Việt Nam còn cung cấp dịch vụ lắp đặt phòng net bao gồm từ tư vấn, lắp đặt, nâng cấp dưới tên gọi là Gcafe. Đơn vị này hiện có khoảng 26.000 phòng máy là khách hàng trên toàn quốc.
Để củng cố thêm sức mạnh cho hệ sinh thái , Teko Việt Nam cần một đơn vị bán lẻ có thương hiệu lâu năm và đó là Phong Vũ. Dù mới đóng cửa hàng lâu đời nhất ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) gần đây nhưng Phong Vũ vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất nước ngoài.
Giám đốc ngành hàng một công ty công nghệ nước ngoài cho biết nhu cầu mua sắm của ngành thiết bị phần cứng ở Việt Nam không thay đổi trong 20 năm qua, Phong Vũ là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Phong Vũ có giá rất tốt vì giá các sản phẩm đơn vị này bán ra chênh lệch không nhiều so với giá của hãng sản xuất đề nghị. Bù lại Công ty có được lợi thế dòng tiền nhờ chính sách trả chậm từ 30-45 ngày...
“Gần như hãng nào cũng chấp nhận các điều kiện nói trên vì thương hiệu Phong Vũ ở Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ linh kiện công nghệ khá phổ biến”, vị này nói.
Tuy nhiên, hệ thống siêu thị máy tính và điện máy nói chung như Phong đang chịu nhiều sức ép. Bởi mô hình này đòi hỏi vốn lớn, phải dựa quá nhiều vào vốn vay lãi suất cao, khi mà biên độ lợi nhuận ròng chỉ ở mức thấp, 4-5% Nhiều siêu thị điện máy đã đổ gục. Những WonderBuy, Best Carings, Ebest, Home One, Topcare... đã phải đóng cửa trong khi hàng loạt siêu thị điện máy khác như Pico, Việt Long, Trần Anh... thường xuyên chịu lỗ hoặc phải thu hẹp kinh doanh. Một siêu thị máy tính mô hình giống Phong Vũ là Hoàn Long cũng đã phải đóng cửa. Do đó, thương vụ Phong Vũ rơi vào tay Teko cũng có thể dễ giải thích trong xu hướng này.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư