Cuộc bành trướng của 2 gã khổng lồ
Cả Amazon và Alibaba đều nhìn thấy tiềm năng to lớn ở thị trường Ấn Độ. Và dường như một cuộc đụng độ tại thị trường này là khó tránh.
Vào tháng 9/2014, Jeff Bezos đã tuyên bố đầu tư 5 tỷ USD đầu tiên của ông vào Ấn Độ. Đó là bước khởi đầu trong một phần kế hoạch của Bezos nhằm đưa Amazon ra thế giới. Hai tháng sau đó, Jack Ma, ông chủ của Alibaba đã xuất hiện ở Delhi và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Ấn Độ”. Với đà này, hai gã khổng lồ Alibaba và Amazon dường như khó tránh khỏi một cuộc đụng độ ồn ào ở Ấn Độ.
Mua bán xuyên biên giới
Nhưng tại thị trường nội địa của họ, cả hai gần như tuân thủ chiến lược phát triển: “Nước sông không phạm nước giếng”. Amazon chỉ có một mảng kinh doanh nhỏ bé ở Trung Quốc. Còn chiến lược của Alibaba tại Mỹ chỉ là hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ bán được hàng ở Trung Quốc và ngược lại.
“Mọi người luôn hỏi tôi khi nào Alibaba mới sang Mỹ”, Daniel Zhang, CEO Alibaba cho biết. Zhang đã trả lời “Tại sao phải là Mỹ? Amazon đã làm quá tuyệt vời ở Mỹ”. Cả hai công ty gần như đầu tư ở các thị trường nước ngoài khác nhau, Alibaba nhắm đến thị trường Đông Nam Á trong khi Amazon lại nhắm đến châu Âu.
Nhưng cuộc đụng độ ồn ào nhất giữa Amazon và Alibaba có lẽ sẽ xảy ra ở các nền kinh tế đang tăng trưởng và trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới. Alibaba mong muốn phục vụ 2 tỷ khách hàng trên khắp thế giới trong vòng 20 năm. Jack Ma muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ sao cho hoạt động kinh doanh của họ vận hành một cách trơn tru, linh hoạt giống như các doanh nghiệp lớn trên thị trường quốc tế. Alibaba giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng ở những thị trường như Brazil, Nga và hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài về marketing, logistics và thủ tục hải quan ở Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng là Alibaba hy vọng sử dụng công nghệ của mình để kết nối các mạng lưới logistics trên khắp thế giới sao cho bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể đến với bất kỳ người mua nào ở bất kỳ nơi đâu trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Mục tiêu này vẫn còn một quãng đường rất dài để đi, nhưng đã cho thấy được tham vọng lớn của doanh nghiệp này.
rong khi đó, Amazon cũng đã kiếm được hơn 1/3 doanh thu từ thương mại điện tử bên ngoài thị trường Bắc Mỹ. Đức là thị trường lớn thứ hai, theo sau là Nhật và Anh. Năm nay Amazon đã mua Souq, một công ty thương mại điện tử ở Trung Đông. Tiêu chí để Amazon chọn lựa thị trường hoạt động là quy mô dân số, quy mô nền kinh tế và mật độ sử dụng internet, theo Russ Grandinetti, người đứng đầu bộ phận quốc tế của Amazon. Ấn Độ là một trong những thị trường thử nghiệm chính của Amazon.
Amazon, giống như Alibaba, cũng muốn hỗ trợ các nhà cung cấp ở bất kỳ quốc gia nào trong việc bán các sản phẩm của họ ra nước ngoài. Chẳng hạn, một người mua hàng Amazon tại Mexico có thể mua hàng từ Mỹ. Grandinetti nhận thấy, những giao dịch mua bán xuyên biên giới như vậy đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong giá trị của Amazon đối với cả người mua lẫn người bán.
Những rủi ro
Cả Amazon lẫn Alibaba đều đối mặt với cùng một rủi ro: các chiến lược đã phát huy tác dụng lớn ở sân nhà của họ có thể không thành công ở những thị trường khác. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, Alipay phát triển là bởi vì hầu như rất ít khách hàng sở hữu thẻ tín dụng. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ lao động giá rẻ và có rất nhiều thành phố lớn – hơn 100 thành phố có dân số hơn 1 triệu người. Điều đó đã tạo ra một nguồn cầu đủ khiến cho các hãng logistics cảm thấy xứng đáng bỏ công xây dựng mạng lưới phân phối.
Cho đến nay, sau một thời gian bành trướng, Alibaba và Amazon đã trở nên khác biệt ở những khía cạnh quan trọng. Amazon trữ hàng tồn kho và sở hữu các kho bãi, Alibaba thì không. Nhưng Alibaba lại có độ phủ rộng hơn Amazon, đặc biệt nhờ bộ phận thanh toán khổng lồ Ant Financial của nó. Tuy nhiên, khi Amazon tăng trưởng, nó có thể trở thành ngày càng giống với Alibaba hơn. Chẳng hạn, tại Ấn Độ các quy định không cho phép công ty này trực tiếp trữ hàng. Và Amazon gần đây đã xin được giấy phép từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ để làm một ví kỹ thuật số. Về phần mình, Alibaba có thể cũng ngày càng trở nên giống với Amazon hơn khi nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Alibaba đã đầu tư vào SingPost, mạng lưới bưu điện nhà nước của Singapore.
Mục tiêu cuối cùng của Alibaba là sử dụng công nghệ để kết nối các mạng lưới logistics trên khắp thế giới.
Mặc dù vậy, những bước tiến của Alibaba và Amazon có thể bị chậm lại bởi các đối thủ khác – các doanh nghiệp nhỏ phát triển tốt ở các thị trường ngách. Flipkart (được hậu thuẫn bởi Naspers và SoftBank) đang cạnh tranh khốc liệt với Amazon ở Ấn Độ, so kè từng tấc đất thị phần. Yoox Net-a-Porter, một nhà kinh doanh hàng xa xỉ trực tuyến, cũng đang bành trướng rất nhanh.
Một vấn đề mà hai gã khổng lồ đang đối mặt là liệu các hãng công nghệ khác có đổ thêm nhiều vốn hơn vào thương mại điện tử và những cái bắt tay nào sẽ được thực hiện. WeChat Pay của Tencent đang thách thức Alipay ở Trung Quốc. Khoảng 1/3 người sử dụng WeChat ở Trung Quốc đang mua sắm trên nền tảng này. Tencent cũng đang ra sức chiêu dụ các cửa hàng chấp nhận ứng dụng thanh toán của họ ở các nước khác và gần đây đã mua cổ phần trong Flipkart. Trong chiến lược triển khai các dịch vụ ở nước ngoài, Tencent có thể nhờ đến sự giúp đỡ của Naspers. Công ty Nam Phi này sở hữu khoảng 1/3 cổ phần trong Tencent và đang hỗ trợ các công ty thương mại trực tuyến ở nhiều nơi trên thế giới. Facebook hiện đang nỗ lực công phá ở mảng kinh doanh này bằng cách giúp cho người sử dụng dễ dàng hơn khi mua hàng hóa qua dịch vụ nhắn tin của mình cũng như các nền tảng khác của nó là WhatsApp và Instagram.
Điều đó có nghĩa là Amazon và Alibaba sẽ khó để thống trị mọi thị trường trên khắp thế giới. Bob Van Dijk, CEO của Naspers cho rằng, vẫn có chỗ cho nhiều người chơi cùng tham gia.
Thành Lộc
Nguồn Doanh Nhân Online