Tỷ phú Charoen: Từ cậu bé nhặt nắp chai thành người chinh phục Đông Nam Á

Theo Andy Mukherjee và Nisha Gopalan của Bloomberg, những thương vụ mua sắm của tỷ phú Thái cuối cùng cũng sẽ dẫn tới ngành kinh doanh cốt lõi của ông là logistic và đóng chai.

Sau 5 năm mua sắm điên cuồng, giỏ hàng của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có vẻ đã khá đầy đủ. Nhưng với một người đã bỏ học giữa chừng, và có công việc kinh doanh đầu tiên là thu gom nắp chai quanh cửa hàng hàu ốp lết của cha mình, người ta sẽ không biết là tham vọng sẽ đưa vị tỷ phú này tới đâu.

Đích đến gần nhất của ông Charoen là Việt Nam, nơi mà đứa con cưng của ông là hãng bia Thai Beverage vừa mua lại cổ phần đa số tại Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB).

Đây là một cột mốc mới trong một cuộc hành trình bắt đầu vào năm 2012, khi ngân hàng Singapore là OCBC và một công ty con của ngân hàng này bán lại cổ phần tại Fraser & Neave (F&N) cho Thai Bev, đem lại một điểm tựa cần thiết cho Charoen để ông cạnh tranh với tỷ phú người Indonesia, Mochtar Riady và kiểm soát hãng đồ uống khổng lồ này.

Tỷ phú Charoen: Từ cậu bé nhặt nắp chai thành người chinh phục Đông Nam Á

Như là một hiệu ứng, động thái của tỷ phú Charoen khiến Heineken phải vội vã mua lại Asia Pacific Breweries, hãng vốn hợp tác với F&N để sản xuất thương hiệu bia Tiger, với giá cao. Heineken lo ngại rằng Charoen có thể kết hợp với các hãng bia do mình kiểm soát đe doa vị thế của hãng bia Hà Lan tại châu Á.

Vào năm 2015, Charoen đã mở rộng đế chế của mình trong khu vực bằng cách thôn tính Metro Cash & Carry Việt Nam thông qua Berli Jucker* trong một thương vụ trị giá 876 triệu USD.

Giới phân tích còn sửng sốt hơn khi vào năm 2016, cũng chính Berli Jucker đã vay mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Thái Lan với giá 3,5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn thứ nhì tại Đông Nam Á trong vòng 5 năm qua.

Và bây giờ là thương vụ của năm 2017 là Sabeco. Ngoài việc sở hữu Metro Cash&Carry (hiện giờ có tên gọi là Mega Market), tỷ phú Charoen đã sở hữu cổ phần lớn tại Vinamilk (gần 19%) thông qua F&N.

Tỷ phú Thái đã ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam bằng việc mua lại gần 54% cổ phần của Sabeco giá 4,8 tỷ USD. Vietnam Beverage là công ty đã thực hiện giao dịch trên, đây là một công ty Việt Nam và không bị ràng buộc bởi trần sở hữu dành cho nhà đầu tư ngoại tại Sabeco là 49%.

Tỷ phú Charoen: Từ cậu bé nhặt nắp chai thành người chinh phục Đông Nam Á

Như Bloomberg có đề cập từ trước, mức giá hiện tại của Sabeco đã làm nản lòng nhiều hãng bia lớn của thế giới như Anheuser – Busch InBev và Asahi.

Ý tưởng về một thị trường Đông Nam Á hội nhập - Cộng đồng Kinh tế ASEAN - đã không thực sự là nguồn cảm hứng cho các doanh nhân hay các ngân hàng. Dù vậy, Charoen có vẻ như thấy được tiềm năng từ 600 triệu khách hàng trong khu vực.

Khi đặt những thỏa thuận gần đây của tỷ phú này như thương vụ mua lại 75% thương hiệu whisky hàng đầu của Myanmar từ TPG Capital của Mỹ, cũng như việc mua 240 cửa hàng KFC ở Thái Lan từ Yum! Brands, người ta sẽ thấy rõ mục tiêu cuối cùng của Charoen. Đó là xây dựng một đế chế thực phẩm và đồ uống ở Đông Nam Á, với đích đến là thị trường bán lẻ sau đó là dịch vụ hậu cần, và cuối cùng sẽ là... đóng gói và đóng chai.

Ẩn sau khối tài sản 17,3 tỷ USD của Charoen chính là những chiếc nắp chai.

* Ngoài Thai Bev, Charoen còn có 2 công ty khác là Berli Jucker hoạt động đa ngành (sản xuất đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi…) và TCC Land hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cả 2 công ty này cũng đã đặt dấu ấn của mình tại Việt Nam với nhiều thương vụ thâu tóm khác.

Mạnh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư