Samsung: Đầu tư lớn sức lan tỏa cao
Dự án Khu tổ hợp công nghệ cao của Samsung (SEVT) vừa được khởi công xây dựng ở Khu Công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên) đã được kỳ vọng sẽ trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu của Samsung. Quan trọng hơn nữa dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và của cả Việt Nam nói chung.
Một trong những dự án đầu tư FDI lớn nhất trong 25 năm qua
Ngày 25.3.2013, dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức được khởi công xây dựng tại Thái Nguyên với số vốn đầu tư ban đầu lên đến 2 tỉ USD. Theo kế hoạch, sau 9 tháng xây dựng SEVT sẽ chính thức đi vào sản xuất và có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên vào cuối năm nay. Khi hoạt động ổn định, SEVT sẽ đạt công suất tối đa 100.000 sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD/năm. Tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những thành công của Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh (SEV), về con số xuất khẩu điện thoại 12,6 tỉ USD trong năm 2012 và 5,2 tỉ USD riêng trong quý I/2013. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Samsung xác định Việt Nam là “cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu” của mình và quyết định tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, sau khi đã đầu tư 1,5 tỉ USD ở Bắc Ninh. Điều này cũng được Thủ tướng khẳng định thêm một lần nữa tại Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27.3.
Năm ngoái, khi Việt Nam, sau 20 năm mới lại có được mức thặng dư cán cân thương mại 780 triệu USD - tất nhiên còn do yếu tố trì trệ của sản xuất trong nước, nhiều người đã khẳng định thành công này là nhờ sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, mà Samsung là cái tên được nhắc tới đầu tiên.
Khi được đặt câu hỏi Việt Nam sẽ được gì ở những dự án như của Samsung, khi Chính phủ Việt Nam đã dành cho rất nhiều ưu đãi cho các dự án này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định: “Cứ nhìn theo góc độ là trên một diện tích 100 ha, Samsung đã tạo ra được giá trị hơn chục tỉ USD, và gần 100% sản phẩm được xuất khẩu, giúp cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư, thì rõ ràng là rất tốt. Dự án của Samsung cũng đã tạo ra 30.000 việc làm, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề... Có nhìn tổng thể như vậy thì mới thấy hết những đóng góp và tầm quan trọng của các dự án FDI lớn như thế”.
Quy mô lớn, sức lan tỏa cao
Thực tế, sau 25 năm thu hút FDI, Việt Nam không thiếu những dự án tỉ USD. Nhưng có quy mô lớn, lại trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như những dự án của Samsung tại Việt Nam, thì có thể nói là hiếm. Thậm chí, đây còn có thể xem là một trong những điển hình về thành công trong hành trình 25 năm thu hút FDI của Việt Nam.
Vào thời điểm 2008, khi SEV được khởi công xây dựng, dự án này đã được xem như là một hình mẫu lý tưởng cho thu hút FDI vào Việt Nam. Không giống một dự án FDI đơn lẻ, SEV như một “máy cái” góp phần thu hút các nhà sản xuất vệ tinh của công ty đầu tư vào Việt Nam. Thực tế đã và đang diễn ra đúng như vậy.
Gần như cùng thời điểm SEVT khởi công, Bujeon, một công ty của Hàn Quốc, cũng đã khởi công xây dựng nhà máy linh kiện điện tử GLONICS Việt Nam ở Thái Nguyên. Trong khi đó, ở Bắc Giang, liên tiếp các dự án tương tự như vậy cũng đã được cấp chứng nhận đầu tư. Trung tuần tháng 3.2013 là Dongjin Việt Nam và Shina Tech Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện nhựa và dây cáp USB cho điện thoại di động. Trước đó là Shinsung Vina, Dae Kwang Vina, HeasungTech...
Tất cả các nhà sản xuất linh phụ kiện này đều có đích ngắm là phục vụ nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh hiện nay và Thái Nguyên sắp tới. Ông Yoo Young-Bok, Tổng Giám đốc SEV, cho biết đến nay, SEV đã thu hút được 80 nhà đầu tư vệ tinh, hiện có mặt ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên... và góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động.
Một con số tương tự cũng đã được nhắc đến với SEVT. Thậm chí, con số trong tương lai có thể còn lớn hơn rất nhiều, khi mà SEV vẫn đang trong quá trình nâng vốn đầu tư lên 1,5 tỉ USD, còn SEVT, vốn dĩ đã có vốn đầu tư cao hơn thế (2 tỉ USD) ngay từ đầu, và lại còn đang có kế hoạch đầu tư tiếp một nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, vốn đầu tư và việc làm chỉ là hai trong số rất nhiều những đóng góp của Samsung tại Việt Nam. Điều quan trọng, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những dự án FDI lớn, những tập đoàn lớn vào Việt Nam, sẽ kéo theo các nhà đầu tư vệ tinh, tạo sức lan tỏa đến hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D)...
SEV hiện đã có một bộ phận R&D ở ngay trong nhà máy. Nhưng một kế hoạch khác lớn hơn - thành lập một trung tâm R&D ở Hà Nội, với mục tiêu thu hút được khoảng 2.000 kỹ sư - vẫn đang được thúc đẩy. SEVT cũng đã có những cam kết về việc dành một tỉ lệ doanh thu nhất định cho công tác R&D.
Và còn một điều quan trọng, mà chỉ các lãnh đạo và nhân dân địa phương, nơi các nhà máy của Samsung dừng chân, mới cảm nhận được rõ ràng nhất. Đó là, những nhà máy này đi vào hoạt động đã biến cả một vùng đất rộng lớn thành một khu tổ hợp công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần khẳng định điều này. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Đình Phách đã gọi buổi lễ khởi công xây dựng SEVT là sự kiện kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh nhà.