Tăng sáng tạo trong công việc nhàm chán

Có những phương pháp tạo ra những ý tưởng sáng tạo, đã được các chuyên gia tâm lý ghi nhận. Sau đây là hai phương pháp mà doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng.

Giới phân tích đều cho rằng, để hành trình startup (khởi nghiệp) thành công, một trong những điểm quan trọng nhất mà nhà khởi nghiệp cần chính là sự sáng tạo. Bởi giống như cuộc chiến giữa gã khổng lồ Goliath và chàng tí hon David, cách để chàng David chiến thắng chính là chàng ta phải chơi theo cách của mình.

Cụ thể, trong câu chuyện nổi tiếng về Goliath và David, khi đối đầu với kẻ địch hùng mạnh, David đã không dùng khiên, kiếm hay áo giáp như những chiến binh thông thường, mà chàng tí hon gan dạ sử dụng chiếc dây ném gạch – sling và một con dao găm. Toàn bộ trận đấu sau đó được mô tả là: David vung sling và phi một viên gạch vào giữa trán Goliath. Goliath gục xuống. David chạy như bay đến, dùng con dao găm kết liễu gã khổng lồ.

Sự sáng tạo giúp những doanh nghiệp khởi nghiệp phản ứng nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với biến đổi của thị trường. Sự sáng tạo còn giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tìm ra những phân khúc khách hàng mới, phát triển dòng sản phẩm mới, tìm ra nhu cầu khách hàng mới, qua đó đi trước các gã khổng lồ, tạo ra xu thế riêng cho thương hiệu của mình.

Tăng sáng tạo trong công việc nhàm chán

Tuy nhiên, sự sáng tạo lại là một thứ rất khó để đào tạo. Bởi sáng tạo không phải là những công thức, phép tính để doanh nghiệp có thể dễ dàng hướng dẫn cho nhân viên. Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp tạo ra những ý tưởng sáng tạo, đã được các chuyên gia tâm lý ghi nhận và sau đây là hai phương pháp mà doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng.

Đôi khi cũng nên làm những công việc buồn chán

Sandi Mann, Tiến sĩ tâm lý thuộc University of Central Lancashire (Anh) đã thực hiện một loạt thí nghiệm nhằm đánh giá mức độ sáng tạo của con người trong công việc. Ban đầu, Sandi Mann cho các đối tượng tiến hành thí nghiệm liệt kê những cách khác nhau để sử dụng các vật dụng hằng ngày như gạch, ly, giấy hoặc ghế. Sau đó, Sandi Mann để nhóm đối tượng thực hiện một công việc vô cùng nhàm chán là sao chép số điện thoại ra khỏi danh bạ điện thoại trong 20 phút.

Sau quá trình này, Sandi Mann đề nghị nhóm đối tượng liệt kê các cách khác nhau để sử dụng một chiếc ly giấy. Kết quả, nhóm người bắt đầu đưa ra được những ý tưởng sáng tạo khá bất ngờ, như tạo ra chậu cây hay xây dựng những ngôi nhà đồ hộp.

Chưa dừng lại ở đây, Sandi Mann tiếp tục nâng cao khả năng sáng tạo của nhóm người bằng cách yêu cầu họ đọc to các số điện thoại suốt 20 phút. Kết quả, các đối tượng bắt đầu có những ý tưởng độc đáo hơn rất nhiều, như tạo ra bông tai, điện thoại, nhạc cụ, thậm chí là tạo ra những chiếc… áo ngực giống Madonna.

Thực hiện những hành động buồn chán thực sự là chìa khóa cho những suy nghĩ sáng tạo ra đời.

Manoush Zomorodi, chuyên gia tâm lý học người Mỹ sau đó đã tiến hành thực nghiệm diện rộng trên 20.000 người và nhận ra rằng, sự buồn chán thực sự có một mối liên hệ với khả năng sáng tạo.

Manoush Zomorodi đã cho 20.000 người tham gia thí nghiệm thực hiện lần lượt hai việc đơn giản, gồm: Không sử dụng các thiết bị điện tử khi đi đường (ví dụ: điện thoại thông minh, máy nghe nhạc, radio…) và xóa các ứng dụng thú vị mà họ thường sử dụng nhất trên điện thoại (ví dụ: Facebook, Twitter, Pokemon Go…). Kết quả, chỉ sau một tuần rời xa những công cụ và ứng dụng dễ tạo sức hút trên, 88% số người thử nghiệm đã bắt đầu cảm nhận được sự sáng tạo, tươi mới trong ý tưởng của họ.

“Chỉ sau một tuần, họ đã có thể nghĩ ra một cách khác để bắt đầu một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, khách hàng. Một số người còn có thể đưa ra kế hoạch kinh doanh mới, hoặc đơn giản chỉ là quyết định dành nhiều thời gian hơn nhằm suy nghĩ cho công việc. Thực hiện những hành động buồn chán thực sự là chìa khóa cho những suy nghĩ sáng tạo ra đời” – Manoush Zomorodi kết luận trên trang Fast Company.

Hãy mạnh dạn nói ra những điều xấu hổ

Thảo luận ý tưởng (brainstorming) là một thuật ngữ được Alex Osborn, một nhà quảng cáo, nghĩ ra vào năm 1960 (theo Harvard Business Review). Alex Osborn khi đó đã tin tưởng rằng các thành viên trong một đội có thể tạo ra những ý tưởng tuyệt vời nếu tuân theo bốn quy tắc: các thành viên chia sẻ ý tưởng với nhau, các ý tưởng khác biệt, không có sự chỉ trích và chất lượng người thảo luận quan trọng hơn số lượng người thảo luận.

Một nghiên cứu với tên gọi Effects of Quantity and Quality Instructions on Brainstorming (tạm dịch: Ảnh hưởng của số lượng và chất lượng đến kết quả của những cuộc thảo luận ý tưởng), được giáo sư tâm lý Paul B. Paulus thực hiện, đã nhận ra rằng số lượng ý tưởng mà một nhóm người có thể tạo ra trung bình vào khoảng 29,88, trong đó số ý tưởng có chất lượng cao là 20,35, cao hơn nhiều so với một người làm việc độc lập (con số tương ứng là 14,24 và 10,5).

Tăng sáng tạo trong công việc nhàm chán

Và để đi sâu hơn nhằm tìm ra cách thức giúp các nhóm có thể có được những buổi thảo luận ý tưởng thật thành công, giáo sư tâm lý học Leigh Thompson (hiện giảng dạy tại Northwestern University) đã tiến hành thực nghiệm trên 93 nhà quản trị cấp cao, những người có năng lực thực sự (theo yêu cầu của Alex Osborn) đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau khi chia những nhà quản trị này thành nhiều nhóm nhỏ, Leigh Thompson đã cho một số nhóm chia sẻ về những câu chuyện khiến họ thấy xấu hổ, còn một số nhóm chia sẻ về những điều họ cảm thấy tự hào.

Sau 10 phút, Leigh Thompson đã cho các nhóm tiến hành lên ý tưởng nhằm giải quyết một vấn đề hóc búa. Sử dụng các tiêu chí đánh giá giống nhau, Leigh Thompson nhận thấy rằng, trung bình, các nhóm “xấu hổ” tạo ra nhiều ý tưởng hơn so với nhóm “tự hào” (gấp 1,4 lần) và số lượng các ý tưởng độc đáo cũng cao hơn (gấp 1,2 lần).

“Tất cả chúng ta đều có những bức tường cảm xúc. Dù cuộc trò chuyện là với bạn bè hay người lạ, bức tường đó vẫn luôn tồn tại. Bằng cách kể một câu chuyện xấu hổ, thậm chí một câu chuyện phản cảm trước khi bắt đầu buổi thảo luận, các bức tường sẽ lần lượt bị phá vỡ. Mọi người sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, qua đó kết quả cuộc thảo luận cũng tốt hơn. Tất nhiên, điều gì cũng có giới hạn. Hãy tránh xa những vấn đề như chính trị, tôn giáo, sắc tộc… để tránh làm tổn thương người khác trong buổi thảo luận của mình”, Leigh Thompson kết luận.

Thái Bình / Harvard Business Review
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư