TGĐ Vinamilk Mai Kiều Liên: Muốn thành công, không được "ăn đong"
Vừa được Forbes tiếp tục bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất Châu Á, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk cho rằng bí quyết thành công chính là yếu tố con người.
Lần thứ hai được Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á, chia sẻ cảm xúc với VTC News, bà Mai Kiều Liên đã nói rằng trong bối cảnh của nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, việc Vinamilk được Forbes đánh giá cao đã làm bà rất vui, hạnh phúc.
Thành công nhờ biết dụng người
* Được bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc giúp doanh nghiệp của mình vượt qua cơn ‘bão’ kinh tế thành công trong năm 2012, đạt doanh thu và lợi nhuận cao trong khi nền kinh tế của châu lục vẫn còn gặp khó khăn. Bà có thể chia sẻ những bí quyết thành công của Vinamilk?
Tôi cho rằng bí quyết chính ở đây là yếu tố con người.
Tại Vinamilk, chúng tôi có một đội ngũ nhân lực mà tôi cho rằng sẽ ít cho doanh nghiệp nào có được. Họ gắn bó với Vinamilk từ hàng chục năm nay, kể từ công nhân, kỹ sư, quản lý, lãnh đạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ về làm với Vinamilk từ vị trí thấp, sau đó thăng tiến dần dần lên vị trí cao hơn.
* Châm ngôn trong kinh doanh mà bà áp dụng tại Vinamilk là gì?
Kinh doanh là phục vụ. Tôi nghĩ rằng việc kinh doanh thì phải có lãi là chuyện đương nhiên, nhưng trước hết cũng phải đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trước tiên.
* Bà có thể chia sẻ bí quyết thành công khi điều hành Vinamilk trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, áp lực đồng tiền đang đè nặng lên các doanh nghiệp?
Tôi cho rằng sẽ chẳng doanh nghiệp nào có thể thành công được ngay, mà cần phải có quá trình phấn đấu, vươn lên. Tôi nghĩ nếu thành công trong mặt quản trị, áp dụng theo mô hình quản trị quốc tế mà các doanh nghiệp ở những nước tiên tiến đã áp dụng thành công hàng trăm năm nay, mình là người đi sau thì phải "đi tắt, đón đầu", tận dụng những công nghệ đó áp dụng thành công vào doanh nghiệp của mình, nếu áp dụng khôn ngoan và hợp lí thì tôi đoán chắc là sẽ thành công.
Muốn thành công, không được "ăn đong"
* Với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam, Vinamilk sẽ thể hiện như thế nào trong vai trò dẫn dắt giá cả thị trường sữa?
Doanh nghiệp khi không thể đứng một mình phát triển được, nhưng kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài lại ăn lên làm ra thì cũng nên làm lắm chứ.
Hiện sữa đặc của Vinamilk chiếm 75% thị phần cả nước, sữa chua là 90% và sữa tươi là 50% thị phần. Bấy nhiêu con số đó cũng đủ để thể hiện rằng vai trò của Vinamilk.
Thế nhưng, Vinamilk chưa từng suy nghĩ đó là lợi thế để cho chúng tôi đưa giá sữa của mình lên cao, mà cần phải hợp lí để kinh doanh. Chúng tôi đã từng phát biểu rất nhiều lần, Vinamilk thành công chủ yếu là nhờ chất lượng.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ: Một hũ sữa chua tại Singapore được bán với giá khoảng 12.000 đồng, mà Vinamilk chỉ bán với giá trên dưới 5.000 đồng. Cũng dễ hiểu thôi, do nguyên liệu của họ là nhập hoàn toàn, điều kiện, mức sống của họ cũng cao hơn Việt Nam.
Còn đối với chúng tôi, toàn bộ nguyên liệu chúng tôi đều thực hiện hoàn toàn ở trong nước. Nếu phải nhập thì cũng phải tăng giá cao giống nước ngoài thôi.
Vấn đề ở đây là gì, các doanh nghiệp sản xuất cần phải chuẩn bị trước cho mình nguyên liệu để tránh trường hợp giá nguyên liệu tăng cao. Nếu chỉ "ăn đong", đi mua hàng tháng thì khi giá nguyên liệu tăng cao doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá thành sản phẩm.
Từ nhiều năm nay, Vinamilk đã tham gia vào chương trình bình ổn giá, không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước. Khi cần thiết phải tăng giá, Vinamilk cần phải giải trình hẳn với một hội đồng thẩm định bao gồm đầy đủ đại diện các cơ quan chức năng. Nếu họ đồng ý thì chúng tôi mới được phép tăng giá sản phẩm.
* Gần đây, chúng ta được chứng kiến hàng loạt các thương hiệu nội lần lượt rơi vào tay các nhà tư bản nước ngoài. Có người nói, đó là do doanh nghiệp Việt đang gặp "nạn đói" về bản sắc. Đã đến lúc Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp hơn nữa dám thoát ra khỏi mô típ làm bản sao của phương Tây và bắt đầu xây dựng những thương hiệu đậm đà bản sắc Việt thông qua các ý tưởng kinh doanh, bà có nghĩ như vậy?
Tôi đánh giá đó cũng là việc bình thường thôi. Hiện Việt Nam, mà nhất là các doanh nghiệp đã hội nhập gần hơn với thế giới. Các nhà máy thế giới, mà tổ chức sản xuất tại Việt Nam thì cũng được gọi là doanh nghiệp Việt.
Còn việc giữ được thương hiệu Việt hay không thì đó còn là do khả năng của họ. Ví dụ, doanh nghiệp khi không thể đứng một mình phát triển được, nhưng kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài lại ăn lên làm ra thì cũng nên làm lắm chứ.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng đây hoàn toàn là chuyện rất bình thường.