FMCG Monitor 11/2017: Thị trường FMCG đang đi đúng hướng cho một năm 2017 tốt hơn
FMCG Monitor: 12 tuần kết thúc vào 05/11/2017
Điểm tin chính trong Báo cáo tháng 11 năm 2017:
Các chỉ số chính
Kinh tế Việt Nam tiến triển tích cực từ Quý 3. Cả tổng cung và cầu đều được dự đoán tiếp tục cải thiện trong quý cuối năm với sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng duy trì ổn định, tuy nhiên trong tháng 12 dự đoán có thể tăng nhẹ do nhu cầu nhiều hơn trong dịp lễ.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG
Thị trường FMCG ở Thành thị 4 TP tăng trưởng tốt. Trong khi đó, ở Nông thôn thị trường cải hiện nhẹ dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong 2 tháng vừa qua. Kinh tế nhiều triển vọng và nhu cầu trong nước gia tăng được mong đợi sẽ thúc đẩy tăng trưởng FMCG vào cuối năm 2017.
Các ngành hàng Phi Thực phẩm giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt là các sản phẩm Chăm sóc cá nhân. Ngành hàng Thức uống trở lại dẫn đầu tăng trưởng ở Thành thị. Sữa, và các sản phẩm từ Sữa tăng nhẹ tại Nông thôn một phần nhờ tăng trưởng của các ngành hàng như Sữa chua ăn hay Váng sữa. Dù vậy, lượng tiêu dùng của ngành hàng này ở khu vực Thành thị và Thực phẩm đóng gói ở Nông thôn vẫn còn chưa phục hồi.
Ngành hàng tiêu biểu
Tại Thành thị, Nước ngọt có ga và Nước tăng lực bắt đầu thu hút lại người mua từ đầu năm 2017, chủ yếu là nhờ các thương hiệu dẫn đầu ngành hàng. Thức uống lúa mạch dạng nước phát triển tốt tại thị trường Nông thôn, không chỉ mở rộng mạng lưới người mua mà còn gia tăng sản lượng tiêu dùng. Thành công của ngành hàng này được cho là nhờ đẩy mạnh hệ thống phân phối, gần như có mặt ở khắp các cửa hàng tạp hóa tại Nông thôn.
Kênh mua sắm
Kênh hiện đại giữ vững tăng trưởng từ loại hình quy mô nhỏ đến lớn và cả kênh mua sắm trực tuyến. Trong đó, kênh siêu thị mini / cửa hàng tiện lợi và mua sắm online đang ngày càng quen thuộc với người mua và gia tăng thị phần ở Thành thị. Trong khi đó, cứ 5 người ở Nông thôn thì đã có 1 người mua sắm tại kênh cửa hàng bách hóa vì chủng loại sản phẩm đa dạng hơn, nhiều lựa chọn hơn. Đây dường như là tín hiệu tốt cho sự phát triển hơn nữa của kênh mua sắm này tại Nông thôn.
Tiêu điểm của tháng – Tiềm năng cho Hàng Nhãn Riêng?
Trong khi Hàng nhãn riêng (HNR) chiếm khoảng 20-30% thị phần tại các nước Âu, Mỹ, thì tại Việt Nam sự phát triển của HNR vẫn còn bị giới hạn. Nguyên nhân chủ yếu là do kênh bán lẻ hiện đại chưa phát triển mạnh, các sản phẩm HNR còn thiếu đa dạng và truyền thông chưa hiệu quả. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của những kênh hiện đại quy mô nhỏ và tăng cường đầu tư từ các đại gia bán lẻ, liệu HNR có hứa hẹn phát triển trong tương lai?
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel