Vinamilk - Câu chuyện từ 2 siêu nhà máy
Cả người lẫn robot đang ngày đêm không ngừng nghỉ để có thể hoàn thành 2 siêu nhà máy và bắt đầu thực hiện những tham vọng mới của Công ty Cổ phần Sữa việt nam (Vinamilk). Hành trình hơn 50 cây số từ TP.HCM đi Bình Dương của đoàn tham quan đã kết thúc trong không gian rộng lớn, hồ hởi của Khu Công nghiệp VSIP, nơi mà siêu nhà máy sản xuất sữa bột trẻ em của Vinamilk sẽ khánh thành vào cuối tháng 4 sắp tới. Trước đó không lâu, Tổng Giám đốc Công ty, bà Mai Kiều Liên cũng đã lần thứ hai được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong những nữ doanh nhân xuất sắc nhất của Châu Á.
Sản lượng tiêu thụ năm 2012 của Vinamilk đạt kỷ lục 4 tỉ sản phẩm, bất chấp Việt Nam đang đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn và hệ lụy hàng ngàn doanh nghiệp phá sản. Việc triển khai thêm siêu nhà máy sữa bột trẻ em sắp tới là quyết định của bà Liên và cổ đông Công ty nhằm giải quyết lượng cầu đang cao hơn cung. Vinamilk từng tiếp nhận nhà máy sữa bột trẻ em Dielac và phát triển nó để đạt năng lực xuất khẩu 1 tỉ USD và đến thời điểm này, siêu nhà máy mới với quy mô gấp 4 lần nhà máy Dielac sẽ thỏa mãn được cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là cách giúp Công ty dẫn đầu ngành sữa này thực thi quyền lực bình ổn giá, trước thực trạng leo thang giá sữa.
Chúng tôi tiếp tục xuôi theo con đường quốc lộ vài chục cây số nữa để đến một siêu nhà máy khác của Vinamilk cũng sẽ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 4. Đây là nhà máy sản xuất sữa nước với công suất bằng 9 nhà máy của Công ty. Nói thêm, Vinamilk đang sở hữu một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất sữa hiện đại trên toàn Việt Nam. Các nhà máy này đã chạy hết công suất.
Siêu nhà máy thứ hai này chuyên sản xuất sữa nước với máy móc được xây dựng đồng bộ từ khâu nạp-chế biến-chiết rót cho đến đóng gói thành phẩm. Và nhà máy còn sử dụng một chương trình quản lý tối ưu từ Thụy Điển để kiểm soát toàn bộ khu vực chế biến, chiết rót, kết nối liên thông đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Bà Mai Kiều Liên là một trong những doanh nhân tiếp nhận tư duy cổ phần hóa và thị trường từ khá sớm. Từ thời kỳ hàng loạt nhà máy sữa thuộc Vinamilk được dựng lên với quy mô nhỏ, đến nay, việc xây thêm hai siêu nhà máy mới đang thể hiện rõ nét quan điểm cạnh tranh quyết liệt của bà. Bà chia sẻ quan điểm kinh doanh thắng bằng sản lượng và lúc này, thay vì xây dựng các nhà máy nhỏ thì thay bằng các nhà máy rất lớn và hiện đại nhất.
Tham vọng của các nhà quản trị Vinamilk là đạt đến doanh số 3 tỉ USD vào năm 2017. Sản lượng kỳ vọng để đạt được doanh thu lớn chắc chắn có sự góp phần không nhỏ của hai siêu nhà máy được xem là hiện đại bậc nhất Châu Á. Lượng công nhân ít đi, chứng kiến bên trong hai nhà máy siêu hiện đại này là một lực lượng robot tự động hóa cao với dây chuyền khép kín đang vận động tự động, bên cạnh đó là 2 tháp sấy sữa lớn nhất châu Á, và đặc biệt là các bồn chứa dung tích sữa cao chót vót. Xét đến yếu tố hiệu quả kinh doanh và quản trị nhân sự, việc tự động hóa cao sẽ giúp Công ty giảm thiểu chi phí hoạt động, vận hành suôn sẻ và góp phần gia tăng lợi nhuận.
Hai siêu nhà máy này được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn của Công ty, với giá trị hơn 4.000 tỉ đồng.
Trong lịch sử phát triển của Vinamilk, bà Liên thường quan tâm đến nguồn vốn, người nông dân và người tiêu dùng. Bà chia sẻ: “Không chỉ đảm bảo sản lượng cho sự phát triển của Vinamilk trong thời gian tới, 2 nhà máy này sẽ góp phần giúp nông dân an tâm chăn nuôi bò sữa và người tiêu dùng được thụ hưởng các sản phẩm được sản xuất trên những dây chuyền hiện đại”.
Trong buổi trò chuyện thân mật cùng bà Liên tại siêu nhà máy sữa bột trẻ em, bà chia sẻ: “Sữa và cà phê là hai thứ Việt Nam có thể xuất khẩu tốt. Hiện nay, Vinamilk đang thu mua của nông dân 460 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, cùng với các trang trại bò sữa của Vinamilk cung cấp 90 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, tổng cộng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày và sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm trang trại bên cạnh 5 trang trại hiện thời và tiếp tục sát cánh cùng nông dân”.