Tìm kiếm bằng giọng nói và tối ưu hóa nội dung

Xu hướng tìm kiếm trực tuyến bằng giọng nói đang phát triển nhanh. Theo thông tin của Google, tìm kiếm bằng giọng nói đang tăng với tỷ lệ cao hơn tìm kiếm theo kiểu cũ (nhập văn bản).

Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner dự đoán rằng đến năm 2020, 30% lượng tìm kiếm trực tuyến sẽ diễn ra mà không cần màn hình, còn theo dự đoán của ComScore (công ty chuyên về đo lường và đánh giá hiệu quả tiếp thị trực tuyến), tìm kiếm bằng giọng nói có thể chiếm đến 50% vào thời điểm đó. Đặc biệt là mức độ đón nhận công cụ tìm kiếm bằng giọng nói của nhóm người dùng ở độ tuổi “teen” rất ấn tượng. Theo một kết quả khảo sát ở thị trường Mỹ, có đến hơn phân nửa người dùng ở độ tuổi từ 13-18 sử dụng cách tìm kiếm bằng giọng nói thường xuyên mỗi ngày.

Giới chuyên môn nhận định rằng các nhà tiếp thị sẽ sớm nghĩ đến việc tối ưu hóa nội dung để thích ứng với xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói, cũng như họ đã và đang tối ưu hóa nội dung cho web 2.0 và di động.

Mọi người thường dùng từ khóa hay những cụm từ để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mà họ cần. Còn khi sử dụng giọng nói, người tìm kiếm có xu hướng dùng ngôn ngữ tự nhiên để đặt câu hỏi trực tiếp. Trong thực tế, việc sử dụng những câu hỏi dùng ngôn ngữ như trong đời thường đang gia tăng nhanh khi tìm kiếm trực tuyến.

Tìm kiếm bằng giọng nói và tối ưu hóa nội dung

Tìm kiếm bằng giọng nói cũng đang trở nên phổ biến hơn ở các thị trường châu Á. Với nhiều ngôn ngữ trong khu vực này, việc tìm kiếm bằng cách nhập văn bản lên màn hình điện thoại là khá bất tiện so với nói trực tiếp. Chẳng hạn, tiếng Việt có nhiều dấu và mọi người thường lười gõ dấu lên bàn phím. “Ok Google, cách thay bugi xe máy? Ok Google, khoảng cách từ Sài Gòn đến Đà Nẵng? Ok Google, cảnh đẹp Đà Nẵng…?” – Đó là những câu hỏi của các nhân vật trong phim quảng cáo đầu tiên của Google tại thị trường Việt Nam vào năm 2015 mà “tìm kiếm bằng giọng nói” là nội dung chính được đề cập đến.

Với xu hướng này, thương hiệu cần đón nhận những từ khóa và cụm từ tự nhiên, gần gũi hơn với cách nói chuyện trong đời thường. Các nhà tiếp thị không chỉ cập nhật danh sách từ khóa mà còn cần phải tối ưu hóa nội dung để trả lời những câu hỏi thường gặp liên quan đến công ty của họ. Cụ thể, các doanh nghiệp cần làm gì khi xây dựng chiến lược kỹ thuật số để “đón đầu” xu hướng?

Khảo sát những câu hỏi thường gặp nhất từ đối tượng khách hàng mục tiêu. Những câu hỏi này có thể xuất hiện trên những diễn đàn, trang bán hàng hay đánh giá sản phẩm, trên mạng xã hội, v.v… Hơn nữa, chính “đội ngũ tiên phong”, các nhân viên bán hàng của doanh nghiệp là người biết rõ nhất những câu hỏi thường gặp từ khách hàng.

Vận dụng công cụ tìm kiếm bằng giọng nói để tìm và xem những kết quả giải đáp cho những câu hỏi thường gặp đó. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện bối cảnh cạnh tranh hiện tại và cấu trúc những câu trả lời của chính doanh nghiệp. Cũng cần tự hỏi “còn có những lời đáp nào vẫn chưa được nêu ra?”.

Gartner dự đoán rằng đến năm 2020, tìm kiếm bằng giọng nói có thể chiếm đến 50% lượng tìm kiếm trực tuyến.

Xây dựng nội dung trang web và mạng xã hội để trả lời trực tiếp các câu hỏi thường gặp bằng những lời đáp rõ ràng và đơn giản. Trả lời trực diện và rõ ràng nhưng cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin xung quanh các câu trả lời này. Và đừng quên xây dựng nội dung dựa trên những “biến thể” của cùng một thắc mắc: “Làm sao để…?”, “Ai có thể…?”, “Ở đâu có…?”…

Lưu ý đến tìm kiếm địa điểm bằng giọng nói. Mọi người có thể hỏi những câu liên quan đến xác định vị trí chẳng hạn như “Nhà hàng BBQ gần nhất ở đâu?”, “Tôi có thể mua đồ sạc iPhone ở đâu?”… Đừng quên đưa địa chỉ kinh doanh của doanh nghiệp vào Google và các trang mạng xã hội khác có định vị vị trí.

Với nội dung trang web, blog hay trang thông tin dành cho truyền thông, việc tối ưu nội dung được cấu trúc đúng nhu cầu tìm kiếm tự nhiên này sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều người xem đúng đối tượng hơn. Còn nội dung mạng xã hội sẽ tạo được nhiều tương tác hơn khi doanh nghiệp có thể giải đáp cụ thể những câu hỏi thường gặp nhất của khách hàng mục tiêu. Hơn nữa, tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi của đối tượng mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhiều nội dung trực tuyến phù hợp và có giá trị hơn, nâng cao số lượt xem và chia sẻ có chủ đích của khách hàng.

Điều chỉnh cho phù hợp với “ngôn ngữ đời thường” trong tìm kiếm cũng sẽ giúp doanh nghiệp tư duy như một người tiêu dùng, chứ không “quá áp đặt” cách nghĩ từ phía người làm tiếp thị. Thấu hiểu được nhu cầu tìm kiếm hiện tại của khách hàng cũng có thể dẫn đến những ý tưởng mới về dịch vụ và sản phẩm, giúp cải thiện năng lực phục vụ của doanh nghiệp.

Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên của xu hướng này. Nhưng, việc sớm bắt đầu điều chỉnh chiến lược có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với “những người bạn chậm thích nghi”.

Long Hồ
Nguồn Doanh Nhân+