Thế hệ Z chi mạnh cho dịch vụ ăn uống
Mức thu nhập không cao, còn phụ thuộc vào gia đình nhưng người tiêu dùng ở thế hệ Z (15-23 tuổi) vẫn được đánh giá là nhóm khách hàng đầy tiềm năng và đang tạo ra nhiều sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng ẩm thực tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu vừa được Decision Lab công bố, tại Việt Nam, thế hệ Z - những người sinh năm 1995-2002 - đang chiếm 14,4 triệu dân. Trong năm 2017, 56,1% số người được hỏi ở độ tuổi này không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3.000.000 đồng/tháng; chỉ 35,1% dân số nhóm này có thu nhập từ 3.000.000 đồng tới 7.500.000 đồng/tháng. Mức chi tiêu cho ăn uống ở bên ngoài của nhóm này lên đến 892.443 đồng/tháng.
Cuộc nghiên cứu thường niên này được thực hiện trên 16.000 người tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, cho thấy, thói quen ăn uống của thế hệ Z sẽ tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh ăn uống tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Không giống như các thế hệ trước thường dùng các bữa chính tại nhà và ăn vào những giờ cố định, thế hệ Z thường sử dụng các dịch vụ ăn uống ở ngoài và bất kể thời gian. Họ thích nghi nhanh với các loại thức ăn nhanh, nhất là các sản phẩm đến từ phương Tây. Tuy nhiên, những món này không thể đánh bại các món ăn truyền thống Việt Nam vào buổi đêm. Thế hệ Z thường dùng những món truyền thống như mì, hủ tiếu khi ăn ngoài vào đêm khuya. Về thức uống, trong khi người tiêu dùng ở các độ tuổi khác vẫn duy trì thói quen uống cà phê hoặc chuộng thức uống có cồn, thì trà sữa lại trở thành lựa chọn hàng đầu của thế hệ Z. Có đến 15,6% người được hỏi cho biết họ dùng trà sữa vào bữa sáng, 12,5% dùng sữa tươi, 12,1% dùng cà phê sữa. Decision Lab nhận định, trà sữa vẫn sẽ tiếp tục là sản phẩm thu hút nhóm khách hàng này trong thời gian tới.
Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển, dễ dàng tiếp cận thông tin; điện thoại thông minh gần như đã trở thành vật bất ly thân của thế hệ Z. Hầu hết các hoạt động giải trí qua mạng Internet như nghe nhạc, Facebook, lướt web… đều được họ thực hiện qua thiết bị này. Decision Lab cũng cho hay, tuy cuộc sống gắn liền với Internet nhưng không phải lúc nào thế hệ Z cũng tin tưởng tuyệt đối vào những thông tin trên mạng. Để tránh bị lừa hay mua phải hàng kém chất lượng, họ sẽ xác minh lại thông tin qua gia đình, người thân. Nói cách khác, thế hệ Z có khả năng tìm hiểu và xác minh thông tin một cách hiệu quả từ mạng internet.
Vì vậy, theo Decision Lab, trên các quảng cáo trực tuyến, các thương hiệu nên đưa ra những thông điệp quảng cáo đúng với thực tế để gây dựng lòng tin với nhóm khách hàng này. Hơn nữa, thế hệ Z thường xuyên tương tác với mạng xã hội. Họ bị hấp dẫn bởi những món ăn uống, nhà hàng có thiết kế lạ mắt và thường sẽ chụp hình chia sẻ những địa điểm, sản phẩm này lên trang cá nhân như Facebook, Instagram... Vì vậy, mạng xã hội trở thành kênh quảng cáo hiệu quả cho các thương hiệu. “Nhưng họ cũng không ngần ngại chia sẻ lên trang cá nhân những lời phàn nàn nếu gặp phải những sản phẩm có chất lượng tồi hoặc có dịch vụ chăm sóc khách hàng kém. Vì vậy, để chiếm được cảm tình của thị trường đầy tiềm năng này, ngoài chất lượng dịch vụ tốt, các thương hiệu phải biết lắng nghe phản hồi của họ để xử lý kịp thời”, bà Nghiêm Vũ Hương Linh, tư vấn cấp cao của Decision Lab chia sẻ với chúng tôi.
Thanh Uyên
Nguồn The Saigon Times