McDonalds: Ưu thế cho kẻ đến sau?

Từ khoảng giữa năm 2012, đại diện của tập đoàn thức ăn nhanh McDonalds đến Việt Nam và gây chú ý bởi thông tin "tìm kiếm đối tác nhượng quyền thương mại".

Theo sau đó là những tin đồn như McDonalds sẽ chính thức vào Việt Nam thông qua đối tác nhượng quyền 100% vốn; rồi họ sẽ mở hai cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM; đồng thời có kế hoạch mở 100 cửa hàng trong tương lai...".

McDonalds: Ưu thế cho kẻ đến sau?

Voi bao giờ cũng đi chậm, nhưng khi đến nơi sẽ dẫm chiếm khoảnh đất rộng hơn.

Tin ngoài lề thì nhiều nhưng những thông tin chính thức thì vẫn chưa thấy đâu. Chỉ biết một điều, McDonalds sẽ có mặt tại Việt Nam trong thơi gian gần, nhiều khả năng là năm nay hoặc năm sau.

Đến đây người ta lại đặt ra một câu hỏi: Liệu McDonalds có quá “chậm chân” trong việc bước chân vào Việt Nam, khi mà những KFC, Lotteria, Jollibee đã có mặt từ hơn chục năm trước?

Thuận thời

Có thể nói, với dân số gần 90 triệu người, với kết cấu dân số trẻ, xu hướng đô thị hóa nhanh chóng và sức tiêu dùng tăng cao, thị trường fastfood của Việt Nam đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng khốc liệt.

Sự khốc liệt đấy được thể hiện ngay khi McDonalds chưa bước chân vào. Các thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới như Lotteria, KFC và PizzaHut (cùng thuộc Yum!) đang liên tục mở rộng.

Hiện tại dẫn đầu về số lượng cửa hàng đang là Lotteria với 146 cửa hàng, tiếp theo là KFC (134 cửa hàng) và Jollibee (30 cửa hàng).

Các thương hiệu khác không kém phần nổi tiếng như Subways, Burger King, cũng đã từng bước tiến vào thị trường và tìm cho mình những vị trí đẹp.

Cạnh tranh "nảy lửa" như vậy cũng đã khiến một số thương hiệu yếu hơn dần “hụt hơi”. Có thể kể tới BBQ Chickens của Hàn Quốc trong nhóm này.

Dù đã có hàng chục thương hiệu tấn công vào thị trường Việt Nam nhưng số lượng tham gia vẫn không ngừng tăng lên. Gần đây nhất là cà phê Starbucks và bánh Dunkin Donuts.

Việc McDonalds tham gia thị trường vào thời điểm này chưa chắc đã là chậm mà có thể lại rất thích hợp

Có hai lý do chính cho nhận định này: GDP bình quân đầu người tăng và sự phát triển đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Đầu tiên là GDP bình quân đầu người của Việt Nam.

McDonalds: Ưu thế cho kẻ đến sau?

Với mức GDP bình quân đầu người hiện tại vào khoảng 1500 USD/năm, còn thấp so với khu vực nhưng nếu xem xét mức GDP bình quân đầu người tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai địa điểm chắc chắn sẽ được triển khai đầu tiên, có thể thấy mức GDP/đầu người ở hai thành phố này cao hơn mức bình quân cả nước khá nhiều. (Năm 2012, Hà Nội vào khoảng 2.200 USD/người còn TP. Hồ Chí Minh là 3.600 USD/người).

Mức thu nhập này đủ để người tiêu dùng sẵn sàng bỏ từ từ 4 – 6 USD cho một bữa ăn tại McDonalds mà không phải suy nghĩ quá nhiều.

GDP tăng kết hợp với một dân số trẻ sẵn sàng bỏ tiền ra để thử nghiệm những điều mới lạ là một ưu thế không thể bỏ qua của thị trường Việt Nam. Tất cả các thương hiệu F&B và hàng tiêu dùng nhanh đều cân nhắc đến yếu tố này khi quyết định gia nhập một thị trường nào đó.

Yếu tố thứ hai là sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng. Một điều dễ nhận thấy là dù đã có mặt ở Việt Nam từ hơn chục năm nay nhưng những KFC, Lotteria hay Jollibee mới chỉ thực sự bùng nổ và mở rộng mạnh mẽ trong vài ba năm gần đây.

Sự mở rộng các chuỗi cửa hàng ăn của KFC hay Lotteria liên quan mật thiết với sự phát triển của các hệ thống đường xá, các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khu vui chơi đang mọc lên tại Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam đã nhanh chóng làm quen với các nhãn hiệu F&B khác như Pizza Hut, Coffee Bean, Gloria Jean, Domino, Cokasuki, Seul garden, Sumo BBQ,… Sự phổ biến này lớn đến nỗi, trong những quảng cáo của mình, KFC sẵn sàng “thách thức” cả những quán ăn vỉa hè, vốn không được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp theo chiến lược kinh doanh của hãng.

McDonalds: Ưu thế cho kẻ đến sau?

Nếu đi qua các con phố lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy ở hầu hết những ngã tư lớn của thành phố đều có sự hiện diện một cửa hàng fastfood.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn khá nhiều "đất" cho McDonalds. Khi Burger King tuyên bố vào Việt Nam, hãng này tuyên bố sẽ "phủ" khắp Việt Nam với mật độ 160.000 dân/cửa hàng.

Nếu lấy con số này làm chuẩn khi nói về độ phủ lớn thì có thể thấy sân chơi cho McDonalds vẫn còn rất thoải mái khi KFC và Lotteria mới đạt mật độ khoảng hơn 600.000 dân/cửa hàng. Các công trình cơ sở hạ tầng ngày một phát triển càng mở ra thêm nhiều vị trí đẹp cho McDonalds phát triển.

Và sức mạnh riêng của số 1

Không chỉ như các thương hiệu fastfood khác, McDonalds còn có những lợi thế đặc biệt của riêng mình. Đó là lợi thế của kẻ số giữ vị trí số một.

Nó cũng tương tự như việc Starbucks - kẻ đang dẫn đầu thế giới về cà phê vào Việt Nam vậy. Trước khi Starbucks tiến vào Việt Nam, đã có những thương hiệu nổi tiếng khác có mặt tại đây như Gloria Jeans hay The Coffee Bean.

Nhưng đến khi Starbucks nhảy vào, một làn sóng truyền thông chưa từng có đã giúp Starbucks đánh bật mọi đối thủ đi trước.

McDonalds: Ưu thế cho kẻ đến sau?

Hàng trăm người xếp thành hàng dài trước cửa hàng trong ngày khai trương là minh chứng cho một thành công đang đợi Starbucks tại Việt Nam.

Nguyên nhân của cơn sốt truyền thông này một phần đến từ những đối thủ trong nước, khi cà phê được xem là loại đồ uống đặc biệt tại Việt Nam, nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là sức ảnh hưởng khổng lồ từ danh hiệu "số 1".

McDonalds cũng là số 1. Nếu so với KFC hay Starbucks, thương hiệu này còn lớn hơn nhiều lần. Trong bảng xếp hạng top 100 thương hiệu lớn nhất của Interbrand, McDonald xếp vị trí thứ 7 với giá trị thương hiệu đạt 40 tỉ USD. KFC chỉ đứng thứ 66 với giá trị thương hiệu khoảng 6 tỉ USD, Starbucks đứng thứ 88 với khoảng 4 tỉ USD.

Giá trị thương hiệu cho thấy sức ảnh hưởng của McDonalds lớn tới cỡ nào. Thậm chí việc các thương hiệu fastfood tìm đến trước lại giúp McDonalds cảm thấy… yên tâm hơn vì những thương hiệu này đã vượt khó và giúp McDonalds hình thành một nhu cầu mới nơi người tiêu dùng Việt Nam cũng như minh chứng việc fastfood có thể trụ vững và phát triển được tại đây.

Tất nhiên, khác với Starbucks, cuộc chơi lần của McDonalds tại Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi đối đầu với họ không phải là doanh nghiệp trong nước mà là những tập đoàn đa quốc gia. Bản thân KFC cũng đang gây khó khăn cho McDonalds tại Trung Quốc hay Jollibee đánh gục gã khổng lồ này ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, voi bao giờ cũng đi chậm, nhưng khi đến nơi sẽ dẫm chiếm khoảnh đất rộng hơn, và McDonalds cũng giống như một chú voi khổng lồ vậy.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn