Lợi thế 'nước đi sau', cơ hội Việt Nam thay đổi vị thế

Việt Nam đi sau các nước mạnh về công nghiệp hàng trăm năm. Nhưng với cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi vận mệnh đi sau của mình bởi không khác nhau nhiều về vạch xuất phát. Vấn đề là thái độ của chúng ta với cuộc cách mạng này như thế nào: Dấn thân hay chần chừ.

Việt Nam ở đâu trong cách mạng 4.0?

Vào năm 2003, hai sinh viên ở đại học Estonia - quốc gia nhỏ bé vùng Baltic là Niklas Zennstrom và Janus Friis đã phát triển công nghệ mới để gọi điện qua Internet. Họ đã tạo ra một công ty khởi nghiệp nhỏ có tên là Skype. Năm 2005, eBay mua Skype với giá 2,6 tỉ USD và hai sinh viên Estonia nhanh chóng trở thành tỷ phú. Giờ đây, Skype đã trở thành ứng dụng liên lạc nổi tiếng thế giới.

Những người trẻ như thế đã giúp Estonia củng cố vững chắc vị trí đi đầu về công nghệ. Ít ai biết rằng, cách đây hơn 20 năm, Estonia - quốc gia nhỏ bé vùng biển Baltic - vẫn là dấu chấm nhỏ trên bản đồ thế giới, cũng chẳng là gì khi so sánh với các cường quốc tại châu Âu như Đức, Pháp... Nhưng đến nay, đất nước vỏn vẹn 1,3 triệu dân ấy lại trở thành hình mẫu của một quốc gia giàu có nhờ đi đầu về công nghệ.

“Công nghệ thông tin” chính là chìa khóa để Estonia ngẩng cao đầu với thế giới khi chẳng có lợi thế khác về tài nguyên, công nghiệp.

Lợi thế nước đi sau, cơ hội Việt Nam thay đổi vị thế

Trong câu chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cũng không quên nhắc đến hình mẫu Estonia. Và một trong những điều khiến vị chủ tịch tập đoàn công nghệ này nể nhất ở Estonia là họ đã triển khai hình thức công dân điện tử.

Theo đó, một cá nhân hay tổ chức hoàn toàn có thể kinh doanh tại Estonia mà không cần băng qua biên giới Estonia. Bởi thành lập một công ty ở quốc gia này khá dễ nhờ dịch vụ cư trú kỹ thuật số (e-residency) dành cho bất cứ ai trên thế giới. Một cư dân kỹ thuật số (e-resident) không chỉ có thể thành lập doanh nghiệp ở Estonia mà còn có quyền truy cập vào các dịch vụ trực tuyến khác đã có sẵn cho các cư dân Estonia hàng thập kỷ qua. Chúng bao gồm dịch vụ ngân hàng điện tử và chuyển tiền từ xa, khai báo thuế trực tuyến, ký văn bản và xác minh các hợp đồng, tài liệu trực tuyến và nhiều hơn nữa...

Việt Nam có làm được như Estonia hay không? Theo ông Trương Gia Bình, đó hoàn toàn là lựa chọn của Việt Nam.

Nếu trước chúng ta muốn theo công nghiệp thì chúng ta sau họ hàng trăm năm nhưng nếu về cách mạng công nghiệp 4.0 thì ta và họ cùng vạch xuất phát. Quốc gia nào cũng mới bắt đầu, đó là lợi thế.

“Vấn đề là thái độ của chúng ta với cuộc cách mạng này như thế nào. Hoặc là chúng ta dấn thân, hoặc là chúng ta chần chừ, chúng ta có sẵn sàng trả giá hay không. Nếu chúng ta không trả giá chúng ta sẽ ở lại nhóm các dân tộc lạc hậu. Còn nếu chúng ta dám trả giá và dấn thân như lời Bác Hồ đã nói chúng ta sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Cạnh tranh giữa cái mới với cái cũ

“Nếu chúng ta không chuyển từ cái cũ sang cái mới thì ai cũng gặp vấn đề.”

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra như vũ bão. Với Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức vô cùng lớn, nhưng cơ hội còn lớn hơn nhiều. Vấn đề là chúng ta có vượt qua thách thức để khai thác những cơ hội hay không.

Đơn cử như câu chuyện về cuộc chiến giữa Uber, Grab với taxi truyền thống. Quay lưng với Uber, Grab chẳng khác gì nói không với cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề là phải chấp nhận, và chấp nhận thay đổi, giống như những gì taxi truyền thống đang cố gắng làm.

Sự ra đời của cái mới bao giờ cũng xung đột với cái cũ, có cái được lợi, có cái chịu thiệt.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo rằng, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động kỹ năng thấp, một số công việc hành chính, văn phòng tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot.

“Robot cướp việc” con người đã đến Việt Nam: 90% công nhân ở một nhà máy Bình Dương đã phải nghỉ việc vì robot.

Theo ILO, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may - da giày và 3/4 lao động trong ngành điện - điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Ở Đài Loan, Foxconn - doanh nghiệp đã giàu lên từ việc chuyên “dùng sức người” để gia công phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia - vừa qua đã cắt giảm 60.000 công nhân (hơn một nửa lượng lao động hiện có) để thay thế bằng robot. Và câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Samsung, với hơn 100.000 công nhân hiện tại ở Việt Nam.

Tuy nhiên, như lời ông Trương Gia Bình đúc kết: “Nếu chúng ta không chuyển từ cái cũ sang cái mới thì ai cũng gặp vấn đề”.

Rõ ràng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rầm rộ ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhận diện cơ hội và quyết tâm chuyển đổi là mong muốn của nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia khi tham dự chuỗi hội thảo lớn về Phát triển Công nghiệp thông minh do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm đón đầu xu thế của Cách mạng 4.0. Qua đó, cùng nhìn nhận vị thế của Việt Nam, lựa chọn của Việt Nam trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng từ đây, những đề xuất chính sách công nghiệp mới sẽ được hình thành để người Việt Nam đột phá trên bản đồ công nghiệp thế giới trong kỷ nguyên 4.0.

H. Duy
Nguồn Vietnamnet