Sony phải làm gì để quay trở lại sân chơi smartphone?
Sau hàng loạt nỗ lực tái cấu trúc, mới đây Sony đã thông cáo rằng tình hình tài chính đã phục hồi trở lại, rằng công ty đang trên lộ trình thiết lập một kỷ lục mới về lợi nhuận trong năm.
Song mảng di động của họ vẫn đang bấp bênh ở mức không sinh lợi, doanh số bán hàng đã giảm từ 33 triệu đơn vị trong năm 2012 xuống còn 14,6 triệu vào năm ngoái.
Mảng điện thoại thông minh không phải là một phần tích cực trên bảng cân đối tài chính của Sony. Trước điểm yếu ấy, Sony có 2 lựa chọn: tái tạo lại chiến lược để tạo ra sức ảnh hưởng lớn trên thị trường điện thoại hoặc đơn giản là cắt bỏ nó. Dưới đây là bài viết từ Androidauthority do VnReview lược dịch, nhằm tìm hiểu xem liệu Sony có thể làm gì để quay lại với cuộc đua smartphone:
Kiếm tiền từ di động
Mặc dù những chiếc Sony Xperia có thể không tạo ra phần lớn lợi nhuận cho gã khổng lồ công nghệ này nhưng chúng vẫn là một phân khúc quan trọng của họ. Việc kinh doanh cảm biến camera của Sony cung cấp một lượng linh kiện khổng lồ cho các nhà sản xuất OEM, mang lại doanh thu 5,9 tỷ USD. Các cảm biến của Sony được ước tính chiếm khoảng một nửa thị trường, kể cả khi họ đã cắt giảm doanh số bán xuống 2,9% trong năm.
Linh kiện camera cho smartphone là một mảng kinh doanh lớn của Sony. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu Sony có thực sự phải tham gia vào việc thiết kế và bán điện thoại để có thể kiếm lời từ chúng khi mà những khách hàng lớn nhất của họ còn bao gồm cả Apple và Samsung, những công ti với số lượng sản phẩm bán ra chót vót.
Dù cho thiết lập camera và linh kiện của họ được nhiều người xếp hạng cao nhưng sản phẩm của Sony không tạo ra được quá nhiều sự ảnh hưởng trên thị trường điện thoại. Thực tế, có rất nhiều chỉ trích cho rằng Sony là một trong những công ty smartphone ít đổi mới nhất.
Dùng hoài thiết kế cũ
Việc gần như không thay đổi thiết kế trên dòng sản phẩm Xperia của Sony chính là điều khiến nhiều người chỉ trích công ty này. Họ hoàn toàn có thể thu lợi từ việc đổi mới thiết kế để thu hút sự chú ý của những người dùng chú trọng vào phong cách. Không những vậy, nếu bạn muốn đưa ra mức giá cao cấp thì ít nhất chiếc điện thoại của bạn cũng phải trông và mang lại cảm giác cao cấp giống những thiết kế tối tân nhất trên chiếc LG G6 và Galaxy S8.
Vấn đề lớn nhất là việc sử dụng lại ngoại hình cũ đã giấu đi những đổi mới và sức mạnh của công ty, làm yếu đi hình ảnh marketing vốn đã rất tồi tệ của họ.
Những tính năng mờ nhạt như phần mềm 3D Creator, stream từ WiFi PlayStation 4 hay công nghệ HDR playback trên màn hình 4K sẽ dễ dàng bị bỏ qua bởi người dùng nếu chiếc điện thoại của bạn trông giống hệt như thế hệ trước hoặc những mẫu mã rẻ tiền hơn. Những tính năng mới cần phải đi kèm với một thiết kế tối tân nhất để làm chúng trở nên nổi bật.
Cuối cùng, Sony cần phải có cùng suy nghĩ với người dùng, cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta muốn thay vì cố gắng hoạch định tầm nhìn tuyệt đối của họ đối với smartphone cho chúng ta. Viền benzel siêu mỏng, hình ảnh đẹp nhất, và những phần mềm thông minh (AI) đều vô cùng hấp dẫn nhưng thiết kế lỗi thời của Sony thì không.
Tận dụng phương tiện truyền thông của mình
Sức mạnh của Sony nằm ở trải nghiệm đa phương tiện và công nghệ của họ, tuy nhiên họ vẫn chưa xoay sở để tận dụng chúng cho chiếc smartphone của mình. Chúng ta đã thấy Sony đưa ra màn hình hiển thị HDR 4K, chế độ quay slow motion ở 960fps và khả năng truyền Bluetooth chất lượng cao với công nghệ LDAC trong chiếc flagship của mình, nhưng những tính năng ấy vẫn chưa phải điểm mấu chốt khiến người dùng thay đổi suy nghĩ.
Một phần là vì những tính năng nay có sự giới hạn khi sử dụng. Không dễ tìm được những nội dung có chất lượng 4K HDR, và cũng chẳng thể đạt được hiệu quả như đang xem trên TV màn hình 64 inch. Quay phim slow motion cũng là một chức năng đặc biệt mà nhiều người sẽ sử dụng một lần và quên béng nó đi. LDAC là một tiêu chuẩn độc quyền, và thị trường vẫn chưa có nhu cầu về sản phẩm của bên thứ ba để biến nó thành một tính năng đáng giá cho phần lớn người dùng.
Hệ thống phần mềm của những chiếc Xperia cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Sony đã cố gắng để tận dụng thương hiệu Walkman cho ứng dụng audio trên Android nhưng thực tế là nó chẳng làm được gì khác biệt so với các ứng dụng nghe nhạc khác. Thậm chí, nó còn thiếu nhiều tính năng nếu đem so với một vài ứng dụng phổ biến của bên thứ ba trên Play Store.
Tuy nhiên, điều này chưa thể phản ánh rõ việc Sony chưa thể khai thác năng lực truyền thông của mình để đạt được lợi thế so với các đối thủ. LG V30 được nhiều người khen ngợi bởi camera và khả năng quay phim ấn tượng, cũng như tính năng DAC tuyệt vời. Công ty này có thể dùng thương hiệu Walkman để xây dựng và quảng bá phần cứng audio vượt trội hơn so với mức trung bình, các tính năng, phần mềm và gói gọn nó vào một chỗ hoặc một thương hiệu để giành chiến thắng với đám đông audiophile. Kết hợp với LDAC, thứ mà Sony đang tạo điều kiện để các nhà phát triển bên thứ 3 có thể tiếp cận, đây có thể là một sự kết hợp âm thanh đầy mạnh mẽ.
Về khía cạnh hình ảnh và video, cảm biến hình ảnh của Sony được rất nhiều nhà sản xuất smartphone hàng đầu sử dụng nhưng công ty đã bỏ bê sở thích của người tiêu dùng. Hiệu ứng bokeh chuyên nghiệp, zoom quang học và ống kính góc rộng đã được nhiều nhà sản xuất OEM đưa ra cùng với camera kép. Giống như Google, Sony có thể cũng thấy camera kép không mang lại quá nhiều lợi ích cho chất lượng hình ảnh, nhưng lần này họ cần phải đi một bước xa hơn với tính năng phần mềm để biến chính mình trở thành một người chơi nổi bật trong giới nhiếp ảnh.
Sony cũng có một đế chế truyền thông khổng lồ có thể giúp kết hợp tất cả lại với nhau. Với chiếc Xperia XZ Premium, bạn có thể tận dụng PlayStation Video, stream game, hoặc sử dụng điện thoại như là remote cho chiếc TV BRAVIA, nhưng Sony cần phải làm hơn thế nữa. Tại sao lại không bán kèm chiếc điện thoại với gói nhạc chất lượng cao và chức năng stream video HDR miễn phí để nâng khả năng giải trí lên tầm trung tâm trong trải nghiệm Xperia trong khi công ty này hoàn toàn có thể?
Đã đến lúc phải nghiêm túc
Các quyết định chiến lược trước đây của Sony đã không thể giúp tình hình trở nên dễ thở hơn. Hình thức tiếp thị nghèo nàn và sự thiếu hụt trong việc hợp tác với các nhà cung cấp mạng đã khiến họ bị cô lập tại một số thị trường quan trọng. Họ hoàn toàn vắng bóng trong cửa hàng của các nhà cung cấp mạng ở Mỹ, điều này không chỉ làm tổn hại cho công ty về sự hiện diện mà còn làm họ gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá cả nếu so với hợp đồng có trợ cấp dành cho flagship của các đối thủ.
Ở thị trường Mỹ, những chiếc Xperia bán ra đều bị vô hiệu quá cảm biến vân tay và bị loại bỏ đi những tính năng thường dùng mà ngay cả những chiếc điện thoại giá rẻ khác cũng được trang bị. Điều này là do những vấn đề liên quan tới bản quyền, điều mà chỉ cần muốn thì Sony hoàn toàn có thể giải quyết được. Và cũng không may rằng với doanh số bán ra thấp như vậy, Sony chẳng thể là một đối tác tiềm năng để những nhà cung cấp tin cậy.
Không chỉ là thiết kế lại một ngoại hình hấp dẫn hơn cho những chiếc điện thoại của mình, Sony cũng phải có cách tiếp cận nghiêm túc hơn để mở rộng tầm kinh doanh. Kết hợp với nhiều nhà cung cấp và đưa sản phẩm của mình lên kệ, chiếm lấy vị trí nằm ngay bên cạnh những chiếc Galaxy và iPhone và đồng thời là đẩy mạnh hơn hoạt động marketing. Để đạt được điều này, Sony cần phải thay đổi lại đội ngũ cấp cao để mang lại sự mới mẻ. Rõ ràng là các bộ phận khác của công ty đang hoạt động rất tốt và tự mình tổ chức một cách hợp lý để mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Sony Mobile có thể đạt được những thành quả tương tự.
Trung Nguyễn
Nguồn VnReview