Grab khép kín hệ sinh thái
Mới đây, trước thông tin Grab đã vay 700 triệu USD, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng hãng xe công nghệ này sẽ tiếp tục làm gì tại Việt Nam?
Trong khi những cuộc tranh cãi về chủ đề xe truyền thống và xe công nghệ diễn ra thì những khách hàng của cả Grab và Uber vẫn liên tục nhận được ưu đãi từ những chuyến xe giá rẻ hoặc miễn phí. Mặc dù còn lỗ cả ngàn tỉ đồng nhưng cả hai dịch vụ xe này vẫn đẩy mạnh nhiều hoạt động mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Viettel tuyên bố hợp tác với Gonow gia nhập thị trường gọi xe trực tuyến. Hãng taxi Mai Linh ra mắt dịch vụ xe ôm. Sự gia nhập mới này khiến thị trường gọi xe tiếp tục cạnh tranh căng thẳng hơn. Tuy nhiên, trận chiến lớn giữa Grab và Uber thì kết quả đã rõ với phần thắng nghiêng về Grab.
Như đại diện của Grab từng cho biết, thị trường này đang được bơm tiền rất mạnh từ các nhà đầu tư và ngốn rất nhiều tiền, chứ không chỉ đơn giản là chuyện công nghệ. Đây là một mô hình kinh doanh và công nghệ chỉ là một phần, ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác: marketing, quản lý tài xế, nuôi thị trường...
Như vậy có thể thấy, cuộc chiến trong thị trường này đang nghiêng về tiềm lực tài chính. Trong lĩnh vực này, Grab vẫn đang có ưu thế.
Ngoại trừ khoản đóng thuế trong 10 tháng đầu năm 2017 là gần 140 tỉ đồng, các con số về tình hình kinh doanh của Grab vẫn rất khó tiếp cận. Ngay cả con số thuế này cũng còn tranh cãi khiến Grab phải ra thông cáo báo chí khẳng định đã đóng 140 tỉ đồng tiền thuế 10 tháng năm 2017.
Tuy nhiên, từ số thuế Grab đóng là 140 tỉ đồng, giả định thuế VAT 2%, thuế thu nhập doanh nghiệp 3%, thì thu nhập chịu thuế mỗi tháng của Grab là 28 tỉ đồng. Đây cũng chính là doanh thu trước thuế của Grab sau khi đã chia theo tỉ lệ 20% và 80% với đối tác.
Tại Việt Nam, Grab vẫn chi nhiều tiền để giành thị phần. Tháng 7 vừa rồi, Grab đã huy động được 2,5 tỉ USD từ SoftBank và Didi Chuxing. Mới đây, trước thông tin Grab đã vay 700 triệu USD, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng hãng xe công nghệ này sẽ tiếp tục làm gì tại Việt Nam? Những động thái gần đây của Grab cho thấy tham vọng xây dựng một hệ sinh thái của công ty này rõ ràng hơn.
Trong tháng 11, Grab đã cho phép người dùng thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng bằng tính năng GrabPay. Tính năng mới này đã đưa GrabPay trở thành một loại ví điện tử đúng nghĩa, chứ không còn chỉ dùng để thanh toán cước phí cho các chuyến đi như trước đây. Trả lời báo chí Việt Nam, bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập của Grab, cho biết, “muốn đưa tiện lợi này vào thị trường Việt Nam”.
Với GrabPay, Grab cho thấy không đơn thuần sẽ dừng chân là một doanh nghiệp đặt xe. Như người sáng lập Anthony Tan từng cho rằng “bị quyến rũ bởi Tencent (Trung Quốc)”. Grab muốn mô phỏng sự thành công của WeChat trong việc phổ biến thanh toán thông qua điện thoại thông minh. Tham vọng này được thể hiện khi trong thời gian qua, Grab gấp rút đặt thêm các trung tâm kỹ thuật tại Jakarta, Bangalore và TP.HCM để hỗ trợ các trung tâm khác ở Singapore, Bắc Kinh và Seattle.
Thực tế, hệ sinh thái của Grab đang được khép kín. Bên cạnh một số sản phẩm của Grab hiện tại trong ứng dụng, Grab còn các sản phẩm khác như GrabHitch, Grab For Work, Grab Pay Credits, GrabCoach, GrabShuttle và JustGrab. Trong đó, GrabShuttle (bus mini) đã từng được thí điểm tại một số khu vực ở TP.HCM vào tháng 10.2016. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt một số dịch vụ mới như JustGrab, GrabFood, GrabShuttle tại Việt Nam. Đồng thời tiếp tục đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)”, bà Tan Hooi Ling cho biết.
Theo Grab công bố, hãng này đang nhắm đến chiếc bánh thị trường vận chuyển 25 tỉ USD và 500 tỉ USD phương thức thanh toán trên toàn Đông Nam Á. Theo phân tích của Grab, trên toàn thế giới, các giao dịch phi tiền mặt đã đạt 433 tỉ USD trong năm 2016. Lượng giao dịch này tại các thị trường mới nổi ở châu Á đã tăng 43,4% trong giai đoạn 2014-2015.
“Công ty đã triển khai giải pháp thanh toán di động tại Singapore và đã làm việc với một số ngân hàng trong nước và quốc tế hiện đang chờ đợi sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam”, bà Tan Hooi Ling cho biết.
Grab có 68 triệu lượt tải ứng dụng, có hơn 2 triệu đối tác tài xế trong hệ thống và chiếm 95% thị phần ứng dụng đặt taxi truyền thống cho cả thị trường Đông Nam Á. Grab đang có mặt tại 87 thành phố trên thế giới và dự kiến đạt con số 100 thành phố vào cuối năm nay.
Những con số này cho thấy, Grab đang hoàn thành mục tiêu thống lĩnh thị phần vận chuyển hành khách. Bây giờ, công ty đầy tham vọng và dư dả tiền mặt này sẽ đánh chiếm các thị trường khác như thương mại điện tử, fintech. Sẽ sớm thôi!
Đức Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư