Nam giới đang trở thành xu hướng mới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm

Ngày càng nhiều chàng trai trẻ trên thế giới thích trang điểm và các thương hiệu lớn cũng đang tìm cách bắt kịp xu thế này. Nhưng sự kỳ thị xoay quanh các món đồ mỹ phẩm cho nam giới liệu có biến mất?

Gianni Casagrande, 22 tuổi, là chuyên gia truyền thông kiêm blogger làm đẹp đến từ thành phố Middlesbrough vùng Đông Bắc nước Anh. Chàng trai này bắt đầu trang điểm 3 năm trước đây, khi sử dụng kem che khuyết điểm để giấu đi những “vết mụn trứng cá xấu xí”.

Quá ấn tượng với kết quả mà kem che khuyết điểm đem lại, sau này, Casagrande còn chuyển sang sử dụng một lớp kem lót và một loại gel để định hình hàng lông mày “lộn xộn” của mình trước khi ra ngoài vào buổi tối.

“Mọi người vẫn còn kỳ thị với việc nam giới trang điểm, nhưng tôi nghĩ hiện tại điều này đang trở nên bình thường hơn", anh cho biết.

“Rất nhiều bạn bè nam của tôi, dù đồng tính hay dị tính, cũng trang điểm. Nhờ có nó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn”.

Phát biểu hồi tháng 8 năm nay, ông Vivesay Sharma, người đứng đầu chi nhánh L'Oreal tại Anh cho rằng với thế hệ thích selfie hiện tại, nam giới sử dụng mỹ phẩm không có gì là xấu hổ. Trong vòng 5-7 năm tới, chúng ta có thể thấy nhiều quầy trang điểm nhắm vào đối tượng khách hàng nam tại các trung tâm thương mại.

Gianni Casagrande

Chuyên gia truyền thông kiêm blogger làm đẹp, Gianni Casagrande.

Tháng 1 năm nay, Maybelline, một thương hiệu của L'Oreal, lần đầu tiên đã sử dụng đại sứ nam để quảng cáo cho sản phẩm mascara. Các thương hiệu khác mỹ phẩm khác như Yves Saint Laurent và Tom Ford cũng đã bắt đầu có dòng sản phẩm riêng dành cho nam giới, bao gồm bút chì kẻ mắt, kem tạo khối và kem che khuyết điểm.

Charlotte Libby, chuyên gia phân tích sắc đẹp thuộc công ty nghiên cứu Mintel khẳng định không phải tất cả nam giới sẽ sử dụng mỹ phẩm nhưng "số lượng này đang tăng lên từng ngày".

“Sự kỳ thị của cộng đồng đối với nam giới thích dùng mỹ phẩm đã giảm bớt và rõ ràng nhiều hãng mỹ phẩm đang hưởng lợi từ đó”.

Mùa hè năm nay, thương hiệu thời trang Asos đã cho ra mắt dòng mỹ phẩm đầu tiên tập trung vào đối tượng khách hàng nam, có tên gọi MMUK. Hãng này nói rằng họ đã nhận thấy nhiều nam giới “bỏ túi” kem che khuyết điểm và kem nền khi ra đường; tuy nhiên phần lớn những sản phẩm này được mượn từ chị, bạn gái hay vợ.

“Chúng tôi muốn thách thức các định kiến và sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp khách hàng cảm thấy thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân, dù đó là cách nào đi nữa”, ông Alex Scolding, người đứng đầu bộ phận thu mua của thương hiệu Asos cho biết.

Trên thực tế, dòng mỹ phẩm cho nam giới đã được Asos tung ra thị trường dưới dạng sản phẩm riêng lẻ vào năm 2011. Từ 12 loại ban đầu, con số này đã tăng lên 40, bao gồm các loại kem che khuyết điểm, kem nền dạng lỏng cho đến mascara.

Nam giới đang trở thành xu hướng mới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm

Thương hiệu thời trang Asos đã cho ra mắt dòng mỹ phẩm đầu tiên tập trung vào đối tượng khách hàng nam, có tên gọi MMUK. Ảnh: Number Helpline.

Phát ngôn viên Lucy Atkinson nói rằng công ty ban đầu nhắm tới đối tượng khách hàng là người đồng tính nam, nhưng sau đó họ nhận ra nhóm này chỉ là một phần của thị trường.

"Khoảng 25% khách hàng đến với chúng tôi là những quý ông ‘chuẩn men’. Họ mong muốn sở hữu làn da khỏe mạnh và trẻ trung để giúp ích trong công việc. 25% tiếp theo là những nam thanh niên tuổi từ 15-21, những người sử dụng mỹ phẩm để che các khuyết điểm trên da như mụn trứng cá. Phần còn lại là những người cần trang điểm để phục vụ công việc truyền hình hoặc sân khấu”.

Casagrande, chàng trai 22 tuổi được nhắc đến ở đầu bài cho biết, anh mong đợi sẽ ngày càng có nhiều loại mỹ phẩm dành riêng cho nam giới được bán ra. Anh đã sử dụng nhiều sản phẩm dành cho phụ nữ nhưng rõ ràng làn da của hai giới là khác nhau, và các loại sản phẩm cho phụ nữ thì không tính đến điều này.

“Thật vui khi biết đã có thương hiệu mỹ phẩm tập trung vào nhu cầu và đặc điểm của nam giới. Tôi tin rằng trong vòng 5 năm tới, các sản phẩm cho nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng”.

Hồng Lam / BBC
Nguồn Trí thức trẻ