Điện thoại thông minh tiếp tục trên đà phát triển ở cả khu vực thành thị và nông thôn
Điện thoại thông minh không còn là một hiện tượng mới lạ đối với thị trường Việt Nam, điều này có thể thấy rõ thông qua tỉ lệ sở hữu thiết bị di động thông minh đã tăng lên rõ rệt trên khắp đất nước trong suốt 5 năm qua.
Bên cạnh đó, điện thoại thông minh đang trên đà phát triển với tỷ lệ người sử dụng ngày càng tăng và quyền sở hữu thể hiện ở cả khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam, theo báo cáo Hành Vi Người Dùng Điện Thoại Thông Minh được công bố ngày hôm nay bởi Nielsen - công ty thông tin và đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu.
Theo báo cáo Hành Vi Người Dùng Điện Thoại Thông Minh 2017 của Nielsen Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh so với số lượng những người sử dụng điện thoại thông thường chiếm 84% vào năm 2017, tăng 6% so với một năm trước (78%). Ở các thành phố thứ cấp, 71% người dân sử dụng điện thoại thông minh trong số 93% người sử dụng điện thoại di động. Đáng chú ý hơn, ở khu vực nông thôn, trong khi 89% dân số sử dụng điện thoại di động, thì đã có 68% trong số đó sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh.
“Sự tăng trưởng nhanh chóng của các thiết bị kết nối, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng đang trở thành điều hiển nhiên ở nước ta. Điều này có thể phản ánh thực tế là các thương hiệu điện thoại thông minh đang cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với giá cả phải chăng và hợp lý. Một lý do khác cần được đề cập đến là người tiêu dùng đang nâng cao mức sống hằng ngày và bày tỏ mong muốn kết nối mọi lúc mọi nơi ", ông Đoàn Duy Khoa - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Hành vi người tiêu dùng - Nielsen Việt Nam cho biết.
Đầu năm nay, Nielsen cũng đã tiến hành thực hiện một nghiên cứu khác với sự hợp tác cùng Younet Media để làm rõ hơn xu hướng phát triển của người tiêu dùng nông thôn. Kết quả cho thấy các phương tiện truyền thông xã hội đã xuất hiện như một trong những nền tảng chính cho việc thu thập thông tin, giải trí và giữ liên lạc với người thân, bạn bè và con cái khi có 22.5 triệu người sử dụng Facebook ở nông thôn so với 23.5 triệu người dùng Facebook đến từ các khu vực thành thị.
“Điều này đóng một vai trò quan trọng trong phương thức mang đến nội dung số cho người tiêu dùng. Thay vì chỉ tập trung vào các kênh truyền thống như truyền hình và truyền hình cáp, các doanh nghiệp sở hữu phương tiện truyền thông và các nhà quảng cáo nên tận dụng các kênh trực tuyến và mạng xã hội để bắt kịp thói quen tiêu thụ nội dung số của người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn để đưa ra đúng nội dung đúng lúc và tức thì” - anh Khoa cho biết.