Coi vậy không phải vậy

Coi vậy không phải vậy

Chuyện xì căng đan về các nhãn hiệu là chuyện không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Tuy nhiên, có chuyện thì báo chí làm ầm ĩ lên, có chuyện âm thầm chỉ có người trong nghề mới biết, có chuyện đúng, cũng có chuyện chỉ là lời đồn đãi hại đời nhau. Rồi câu chuyện cũng rơi vào quên lãng với tính hay tha thứ của người tiêu dùng Việt Nam.

Nhập nhằng thật giả với xì căng đan

Chuyện xì căng đan về các nhãn hiệu là chuyện không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Tuy nhiên, có chuyện thì báo chí làm ầm ĩ lên, có chuyện âm thầm chỉ có người trong nghề mới biết, có chuyện đúng, cũng có chuyện chỉ là lời đồn đãi hại đời nhau. Do đó huyền thoại về xì căng đan cho đến nay cũng chỉ phục vụ mục đích “tám” của bàn dân thiên hạ. Rồi câu chuyện cũng rơi vào quên lãng với tính hay tha thứ của người tiêu dùng Việt Nam.

Trước hết có lẽ chúng ta nên đề cập đến những loại xì căng đan “có thật”. Đúng là có rất nhiều đất cho xì căng đan phát triển từ những kiểu làm ăn kém đạo đức kinh doanh mà chúng đã đề cập trong những chủ đề trước. Từ chuyện chất độc hại trong sản phẩm có khả năng gây bệnh, nguyên liệu và thành phẩm kém chất lượng, quảng cáo không đúng sự thật để bán hàng, cho đến những vụ án gấy sốc kiểu chết người hay nằm viện hàng loạt được cơ quan chức năng điều tra có dính dáng đến một hai công ty nào đó…Chỉ có một phần vài ngàn của các kiểu làm ăn này bị khui ra thành xì căng đan vì một lý do khách quan nào đó. Ví dụ như do người tiêu tùng (NTD) phản ánh với báo chí hoặc xảy ra một trường hợp bất thường được loan tin trên báo chí và cũng không trừ trường hợp do đối thủ chơi nhau để tranh giành thị trường.

Đằng sau mỗi vụ xì căng đan là dấu ấn của một trận chiến về thị phần và doanh số. Tất cả đều bắt đầu từ đồng tiền và lợi nhuận trong kinh doanh.

Gần đây nhất có lẽ phải kể đến xì căng đan Knorr thông tin không chính xác trên bao bì sản phẩm về công dụng “tự nhiên hơn bột ngọt”, trong khi thành phần của Knorr có chứa 30% bột ngọt được trình bày dưới tên khoa học “chất điều vị 621”. Việc nhãn hàng này bị xì căng đan cũng là hoàn toàn hợp lý do cách trình bày thông tin có thể gây hiểu lầm. Tuy nhiên, ai là người đứng sau vụ xì căng đan này và liệu mục đích của việc gây xì căng đan có phải là để bảo vệ NTD Việt Nam? Trong giới chuyên môn chỉ cười xõa bảo nhau “lại là công ty bột ngọt khui công ty ít bột ngọt hơn chứ có gì là lạ”.

Có những trường hợp xì căng đan xảy ra do báo chí đặt vấn đề nghi vấn từ những nguồn tin sẵn có để qua đó tìm ra sự thật mà bằng chứng là xì căng đan về nước tương Chinsu chứa độc tố gây ung thư 3-MCPD.

Từ một nguồn tin từ báo Nước Bỉ Tự Do, báo chí đã đưa tin buộc các cơ quan chức năng tìm hiểu và thẩm định nguồn tin này. Có nhiều cách phân tích và đưa tin khác nhau từ các kênh thông tin khác nhau nhưng sự việc được xếp lại với nhiều câu hỏi không có lời giải đáp. Có điều sau một thời gian gây ầm ĩ trên thị trường, chủ đề này cũng không thể tồn tại “nóng bỏng” lâu cho được nên báo chí thôi không đưa tin nữa và NTD cũng thờ ơ vì có nhiều chuyện mới để kháo hơn.

Vấn đề tồn đọng là hàm lượng 3-MCPD trong các sản phẩm nước tương nội địa có đạt tiêu chuẩn cho phép? Và liệu mẫu thử do các cơ quan chức năng cấp phép an toàn thực phẩm có thật sự là bằng chứng thật cho những lô hàng được sản xuất hàng loạt trên thị trường? Xì căng đan này chỉ dừng lại ở mức thỏa mãn độ tò mò của bạn đọc trong một thời điểm nhất định chứ không giải quyết được vấn đề gì về sức khỏe và sự an toàn cho NTD.

Coi vậy không phải vậy

Đâu là lợi ích cho người tiêu dùng?

Xì căng đan được sử dụng như một công cụ để “đánh nhau” trên thương trường là chủ yếu

Tuy nhiên sự thật thì sớm muộn gì cũng được đưa ra ánh sáng. Mọi việc không dừng lại ở mức độ nghi vấn nữa mà đã có thực tế không thể chối cãi với xác nhận của Sở Y tế Thành phố, sốc hơn hết là việc công bố hơn 25 cơ sở sản xuất nước tương vi phạm được yêu cầu ngưng sản xuất và thu hồi hàng hóa.

Câu hỏi tất yếu cần phải đặt ra là tại sao đến giờ phút này, hai năm sau những vụ bê bối rình rang của nước tương Chinsu, mọi việc mới được đưa ra ánh sáng. Nhà sản xuất đã thủ lợi bao nhiêu từ những sản phẩm đọc hại bán ra trên thị trường trước đây? Có hay không chuyện nhà sản xuất ăn chia đẹp mắt với ai đó để ém nhẹm chuyện xì căng đan đã xảy ra trong quá khứ.

Cái mà chúng ta – những người tiêu dùng – phẫn nộ hơn hết là sức khỏe của NTD quả là không có nghĩa ý gì so với những đồng tiền lời kia. Ngay sau khi xì căng đan làm nổ tung cả một thị trường tiêu dùng vốn rất ngây thơ và dễ bị dụ thì thị trường đã xuất hiện ngay những nhãn hiệu mới để thay thế. Cái hay là những nhãn hiệu này, ví dụ như nhãn hiệu Tam Thái Tử, cũng là do một nhà sản xuất đang vi phạm trung ra trên thị trường. Nhãn hiệu mới đã được kiểm tra và cấp phép chưa, cấp phép như thế nào mà thoáng đó đã có mặt khắp nơi và được quảng cáo hoành tráng trên TV vậy?

Thế mới biết việc khai sinh và khai tử một nhãn hiệu thật dễ dàng. Đồng tiền lời không vào túi này thì đã có cách đưa vào túi nọ. Đã đến lúc cần phải có những tổ chức chuyên nghiệp để kiểm tra và cấp phép lưu hành hàng tiêu dùng tại Việt Nam, một tổ chức được trang bị chuyên nghiệp để có thể ngăn ngừa việc NTD phải sử dụng độc tố cả nửa đời người mới biết, một tổ chức liêm chính, một tổ chức phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép của mình với những NTD vô tội. Nếu một tổ chức như vậy mà được thành lập, chắc chắn bạn và tôi còn được xem những xì căng đan kiểu này dài dài để người kinh doanh bắt đầu có trách nhiệm hơn với sản phẩm mà mình bán ra.

Nếu mục tiêu kinh doanh nhằm duy trì và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần phải lấy lợi ích của NTD làm gốc.

Xì căng đan của Nutifood năm 2005 là một kiểu xì căng đan "truyền thống" hơn trong giới kinh doanh với vấn đề đặt ra, được giải quyết và có sự can thiệp mạnh mẽ của truyền thông.

Từ một nguồn tin không rõ nguồn gốc, báo chí đưa tin Nutifood nhập nguyên liệu đầu vào kém chất lượng. Sự việc được thanh tra và Nutifood đã đăng tải tin tức PR cũng như quảng cáo hàng loạt về kết quả giám định để đính chính cho những thông tin ban đầu trên báo. Có thể nói phản ứng của Nutifood là cách phản ứng bài bản được dạy trong phần quản trị rủi ro cũng như quan hệ công chúng trong các khóa học về kinh doanh. Sự việc được xếp lại với sự thỏa mãn của NTD và danh dự được phục hồi cho Nutifood.

Tuy nhiên, đằng sau sự việc là những vấn đề về kinh doanh khó khăn, doanh số sút giảm của công ty này và ngược lại kinh doanh thuận lợi, doanh số tăng vọt của một công ty khác. NTD, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của một vấn đề. Đằng sau mỗi vụ xì căng đan là dấu ấn của một trận chiến về thị phần và doanh số. Tất cả đều bắt đầu từ đồng tiền và lợi nhuận trong kinh doanh.

Thậm chí còn có những xì căng đan thầm lặng hơn mà NTD không hề được biết, chỉ loan truyền nội bộ dân trong nghề với nhau. Đơn cử như chuyện một số lô hàng bánh qui xuất khẩu hết đát được thu hồi về Việt Nam, in bao bì mới để bày bán cho thị trường nội địa, hay chuyện một kho hàng bị cháy rụi vì bên trong chỉ toàn là hàng hết hạn sử dụng không thu hồi doanh số được.

Có cả những chuyện mang tính chiến đấu hơn như chuyện công ty nọ thuê người đợi trời tối tháo băng rôn của đối thủ xuống, chuyện một công ty kia cho nhân viên xuống tận các cửa hàng cho tiền để chủ cửa hàng ngưng không tiến hành chương trình khuyến mãi của đối thủ.

Xì căng đan thật ra xuất hiện hàng ngày xung quanh ta. Có những chuyện được thổi phồng lên trên bề mặt. Có những chuyện chỉ âm ĩ bên trong không mấy ai biết đến. Vấn đề đặt ra là xì căng đan được sử dụng như một công cụ để “đánh nhau” trên thương trường là chủ yếu. Có mấy vụ xì căng đan xảy ra để cuối cùng là phục vụ việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho NTD đâu?

NTD cần phải trấn tĩnh và xem xét thật kỹ càng khi tiếp cận với những thông tin xì căng đan để bản thân mình không trở thành nạn nhân của những ván cờ buôn bán.

Đối với những xì căng đan có thật do sản phẩm gây nguy hại đến sức khoẻ NTD, những doanh nghiệp kiểu này đang và sẽ bị loại khỏi thị trường. Nếu mục tiêu kinh doanh nhằm duy trì và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần phải lấy lợi ích của NTD làm gốc.

Brands Vietnam