Thị trường bán lẻ Việt Nam: Ngoại tấn công, nội chuyển hướng
Song hành với tiềm năng là sự cạnh tranh bán lẻ ngày càng khốc liệt khi có thêm nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoại tấn công
Khi thị trường càng trở nên hấp dẫn thì ngành bán lẻ phải đối mặt với sức ép của tiến trình hội nhập, xu hướng tiêu dùng thay đổi và sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài.
Thương hiệu 7-Eleven đã có mặt tại Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua. Tính đến ngày 12/11, sau 5 tháng ra mắt, 7-Eleven đã mở 7 cửa hàng tại TP.HCM. Sức hấp dẫn của 7-Eleven là bên cạnh những sản phẩm thiết yếu, đơn vị này đã giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu riêng và suất ăn trưa. Chiến lược của thương hiệu này là mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.
Ở kênh cửa hàng tiện lợi, thị trường sắp có thêm thương hiệu GS25 Hàn Quốc, đầu tiên sẽ xuất hiện tại TP.HCM. Đây là thương hiệu được đánh giá là ngoài năng lực đầu tư còn có chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp với khách hàng trẻ.
Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), 49% người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua smartphone.
Hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí.
Cùng với các "tân binh", những thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã có mặt cũng làm mới mình và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, hồi tháng 9 vừa qua, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school), tập trung vào nhóm mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam trong 5 năm tới, và những điểm kinh doanh của B2S sẽ được đặt tại trung tâm các thành phố.
Trong khi đó, Big C đã thay đổi diện mạo, trở thành các trung tâm bán lẻ cao cấp sau khi về tay người Thái. Trong kế hoạch chuyển đổi, doanh nghiệp Thái sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê của tập đoàn này lên gấp đôi so với diện tích cho thuê hiện có là 470.000m2.
Metro Cash & Carry Việt Nam đã thay đổi hình ảnh, thương hiệu thành MM Mega Market và phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. TCC Group mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tận dụng 2 hệ thống phân phối ở Việt Nam và Thái Lan để đưa sản phẩm Việt vào thị trường Thái Lan và ngược lại.
Các nhà bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet (Đức) để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. Chiến lược này còn nhằm kết hợp sức mạnh của bán hàng qua mạng (online) và bán hàng trực tiếp (offline) trong lĩnh vực bán lẻ mà tập đoàn này đang đầu tư mấy năm gần đây.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.
Nội chuyển hướng
Trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chuyển đổi cách kinh doanh để tồn tại và phát triển.
Không chỉ bán hàng, chuỗi siêu thị Vinmart+ của Vingroup đón đầu nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh. Với mô hình "2 trong 1", kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi, cung cấp thực phẩm sạch và hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng có thể chọn mua thực đơn đã được chuẩn bị sẵn.
Một thương hiệu bán lẻ khác của Vingroup là Vincom Retail dùng chính sách đồng hành cùng khách thuê và nhà sản xuất.
Tính đến ngày 15/10/2017, Vincom đang sở hữu 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh - thành với 4 loại hình: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+. Mỗi loại hình có vị trí, diện tích, cách bố trí mặt bằng khác nhau, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng của từng vùng miền.
Hiện Vincom Retail có 1,1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ và 74 dự án đang và sắp triển khai. Dự kiến đến năm 2021, Vincom Retail sẽ vận hành khoảng 200 trung tâm thương mại.
Bà Trần Mai Hoa - Tổng giám đốc Công ty CP Vincom Retail cho biết, với chính sách này, khách thuê của Vincom có nhiều ưu đãi đặc biệt, trong đó có cơ hội bán hàng online trên trang thương mại điện tử Adayroi.
Trong khi đó, Saigon Co.op cùng với việc phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart đã tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để chuyển đổi thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile.
Saigon Co.op hiện nay sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại gồm 90 siêu thị Co.opmart, 170 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 65 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, 3 trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op.
Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9/2017, trong nhóm siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, Big C, Vinmart, Co.opmart là 3 nhà bán lẻ được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng. Trong khi Co.opmart được biết đến là hệ thống bán lẻ có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam, tập trung ở phía Nam, Big C phủ rộng thương hiệu ở một số tỉnh - thành cả 3 miền. Chuỗi Vinmart đang mở hàng loạt siêu thị và cửa hàng tiện ích sau hơn 2 năm gia nhập thị trường.
Top 5 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh được khách hàng nhắc đến nhiều nhất lần lượt là Big C, VinMart, Co.opmart, Lotte Mart, Aeon Mall.
Cũng theo khảo sát này, hàng hóa đa dạng, chất lượng đảm bảo là nguyên nhân chính đưa người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong năm 2017, Co.op Smile sẽ có từ 200 - 300 cửa hàng. Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online, dự tính đến năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động.
Một thương hiệu bán lẻ khác của Việt Nam là Satra cũng đang xoay chuyển theo hướng mở rộng mô hình cửa hàng tiện lợi. Từ đầu năm đến nay, Satra đã đưa vào hoạt động thêm 50 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM và Cần Thơ.
Ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó tổng giám đốc Satra cho biết: "Chúng tôi rất tự tin trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ khi chọn lối đi riêng thiên về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Lối đi này phù hợp với thế mạnh của Satra khi Satra đang sở hữu các doanh nghiệp thành viên, các công ty con có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực thực phẩm như Vissan, CJ Cầu Tre, Cofidec, Heineken Việt Nam... và chợ đầu mối nông thủy hải sản Bình Điền có khả năng cung ứng hàng ngàn tấn hàng hóa mỗi ngày".
Cũng theo ông Khoa, Satra đang triển khai các chương trình liên kết mới, chú trọng hỗ trợ nông dân hoàn thiện chất lượng sản phẩm mới để có thêm nhiều sản phẩm ngon phục vụ người tiêu dùng.
"Tân binh" của ngành bán lẻ là Bách Hóa Xanh đến ngày 12/11 đã có 226 cửa hàng. Nghĩa là chỉ trong gần 11 tháng qua, Bách Hóa Xanh đã mở 176 cửa hàng tại TP.HCM với mục tiêu đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng. Điều hấp dẫn trong phương thức kinh doanh của đơn vị này là ngoài việc trực tiếp đến cửa hàng, khách hàng có thể mua sắm thông qua website hoặc gọi điện đến tổng đài đặt mua, được giao hàng tận nhà miễn phí dưới 4 tiếng đồng hồ đến các địa chỉ trong bán kính 20km tính từ siêu thị gần nhất.
Hồng Nga - Thanh Ngân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn