Mobile Payment: Rào cản chấp nhận công nghệ mới
Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Xu hướng bùng nổ Mobile Payment trên thế giới đã lan rộng tới Việt Nam, phổ biến nhất là phương thức thanh toán bằng mã QR code.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đã có 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh.
Số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt 423.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ trên 19% năm 2005 xuống 11,5% vào cuối năm 2016.
Việt Nam đang chuyển mình, hướng tới một xã hội thanh toán di động không tiền mặt. Nhưng để vào được Việt Nam, Samsung đã phải bắt tay với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) từ hơn một năm trước và việc đầu tiên phải làm là chuẩn bị hạ tầng chuyển mạch tài chính.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Napas, Samsung Pay, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động Samsung hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của Napas.
“Hợp tác với Samsung nằm trong chiến lược tìm kiếm các giải pháp thanh toán mới của công ty”, bà Tú Anh nói. Theo bà, việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong thanh toán thẻ đóng vai trò quan trọng đối với Napas và cả các ngân hàng.
Dù vậy, vẫn rất khó để ứng dụng Samsung Pay ở Việt Nam nếu thiếu sự đầu tư thời gian, công sức vào kế hoạch này của Napas và các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Sacombank, ABBank, Shinhan Bank, Vietcombank và Citibank, ông Thomas Ko, Phó TGĐ Samsung Global, nhận xét một cách khiêm tốn.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Theo ông Thomas Ko, việc Việt Nam đặt ra mục tiêu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để hoàn toàn loại bỏ tiền mặt, ông Thomas Ko nói, “Chính phủ phải hành động” vì có rất nhiều việc phải làm.
Việt Nam có thể tham khảo cách làm các quốc gia khác trên thế giới để thực hiện mục tiêu của mình. Tại 18 quốc gia áp dụng Samsung Pay, một vòng tròn với những kết quả khả quan đã diễn ra khi Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động xóa sổ tiền mặt.
Doanh nghiệp dần chấp nhận và cho đây là điều nên làm thay vì đắn đo về kinh phí áp dụng hình thức này. Người tiêu dùng cũng lựa chọn giải pháp an toàn hơn thay vì phải mang tiền mặt theo người.
Hiện nay, 50% tiền tệ của Kenya đã được giao dịch với hình thức thanh toán di động. Nhưng trước đó, người dân phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền với mức phí 20% do chưa có thanh toán di động.
Vấn đề của Kenya đã được giải quyết bằng công nghệ và M-PESA. Thậm chí, rất nhiều thanh niên nước này đi làm ăn ở Nairobi đã mua điện thoại di động cho cha mẹ sử dụng như một cách nhận tiền tiện lợi nhất.
Ông Thomas Ko nói rằng đây cũng là cách Ấn Độ bắt đầu một xã hội phi tiền mặt. Ấn Độ vào năm ngoái cũng đã quyết định ngưng sử dụng tiền mặt cho các hoạt động giao thương, tạo nên một bước ngoặt lớn cho nền kinh tế nước này.
Theo thống kê của Chính phủ, hiện Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G.
Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử trên cả nước.
Một điểm nữa, năm 2016 doanh số trên ATM gấp 40 lần doanh số trên POS, theo Hiệp Hội Thẻ Việt Nam. Điều này có nghĩa là người dùng vẫn chủ yếu sử dụng thẻ Napas để rút tiền, không sử dụng như một công cụ thanh toán.
Thêm nữa, các ngân hàng đã thay đổi cách nhìn nhận về lợi nhuận khi các giao dịch bằng tiền mặt dần bị thay thế bởi các giao dịch điện tử. Bản thân các ngân hàng cũng đã thử đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng, nhưng tỉ lệ chấp nhận không cao do chuyển tiền qua điện thoại di động đang là giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ trên 19% năm 2005 xuống 11,5% vào cuối năm 2016.
Ông Thomas Ko cho đây là những lý do Samsung chọn Việt Nam là quốc gia thứ 19 để triển khai Samsung Pay. Mobile Payment đang bùng nổ tại Việt Nam, Samsung Pay sẽ trở thành nền tảng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những gì Samsung đang làm tại Việt Nam là giúp các ngân hàng lựa chọn công nghệ đạt chuẩn, an toàn, để các giao dịch diễn ra an toàn và minh bạch. “Chúng tôi không phải là những chuyên gia về tài chính, không hưởng lợi từ các giao dịch”, ông Thomas Ko nói.
Dù vậy, sẽ rất khó để thay đổi một thói quen sử dụng tiền mặt đã trở thành một văn. Đã có sự khác biệt khá lớn giữa Hàn Quốc và Mỹ về thói quen, sự chấp nhận thay đổi công nghệ mới.
Các ngân hàng ở Mỹ suốt 20 năm qua đã rất khó khăn để loại bỏ “cheque”, một loại séc cá nhân, vì lý do an toàn. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, người dân chấp nhận rất nhanh sự đổi mới về công nghệ, trở thành quốc gia có số lượng người sử dụng Samsung Pay nhiều nhất.
Tại Việt Nam, Samsung hy vọng đạt mốc 1 triệu người sử dụng song độ nhận biết của người tiêu dùng về Samsung Pay đến nay chưa cao, bất chấp con số 100.000 người sử dụng ứng dụng Samsung Pay chỉ trong 2 tháng là không nhỏ.
Hải Vân
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư