Hấp lực mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở lại "thời hoàng kim" khi vượt qua nhiều nước để lọt vào top 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.
Nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ, buộc các nhà bán lẻ nội địa phải xoay chuyển để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Cơ hội từ vị trí thứ 6
Thị trường bán lẻ đang trở lại "thời hoàng kim" đồng nghĩa với việc Việt Nam đang gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hồi tháng 6/2017, Việt Nam đã leo lên vị trí cao nhất trong 16 năm xếp hạng GRDI, giữ vị trí thứ 6 trong 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Điều này cho thấy thị trường bán lẻ đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi Việt Nam đã rời khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2012.
Cũng theo A.T. Kearney, Việt Nam đã đứng đầu danh sách này vào năm 2008 nhưng liên tiếp trong các năm sau đó (xếp vị trí thứ 6 trong năm 2009, thứ 14 trong năm 2010, thứ 23 trong năm 2011 và rời khỏi top năm 2012) đã không còn hấp dẫn. Lý do để ngành bán lẻ quay trở lại "thời hoàng kim" là vì Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với dân đô thị và dân số trẻ tăng nhanh.
Theo nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo Asean connect 2016, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ đạt 33 triệu người vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng do nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.
Nhờ vậy mà Việt Nam đã thu hút hầu hết các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới, trong đó có các tập đoàn lớn châu Á như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan).
Theo đại diện của AT Kearney khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng sang doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GPD) ước đạt 6,6% trong năm 2017, vì thế các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan khi kinh doanh tại đây.
Giai đoạn năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam dự đoán sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, doanh số bán lẻ tăng 10,2%, nhanh hơn mức tăng 9,8% vào năm 2015, ước đạt 2.670.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 118 tỷ USD).
Dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại (thuộc Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020.
Nhận định thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối trong nước phát triển.
Đánh giá về sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng Phòng Truyền thông và Sự kiện Lotte Việt Nam chia sẻ: "Kênh phân phối hiện đại vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực, dù Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 trong GRDI. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam là rất lớn, đó là lý do mà Tập đoàn Lotte và Lotte Mart chú trọng đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, kênh bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục phát triển, từng bước định hình thị trường. Việc hình thành các khu dân cư mới, lớp người tiêu dùng trẻ quan tâm đến bảo vệ sức khỏe, ưa chuộng cửa hàng hiện đại sẽ thúc đẩy kênh bán lẻ phát triển nhanh trong vài năm tới. Hơn nữa, xu hướng phát triển bán lẻ hiện đại không đơn thuần là tiếp tục mở rộng siêu thị hay trung tâm thương mại mà quan trọng hơn là phải hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, sản phẩm, phong cách trưng bày, dịch vụ khách hàng.
Hồng Nga - Thanh Ngân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn