Tương lai của ngành kinh doanh dịch vụ đi chung xe sẽ phụ thuộc vào 2 tỷ phú
Tương lai của ngành công nghiệp dịch vụ chia sẻ xe cá nhân đang nằm trong tay hai tỷ phú Internet có những quan điểm đối lập nhau và cũng nằm ở 2 nửa khác nhau của thế giới.
Alphabet của Larry Page hậu thuẫn Lyft, trong khi Uber vừa có quyết định gần như là “bán mình” cho SoftBank của Masayoshi Son.
Tháng trước, CapitalG của Alphabet dẫn đầu thương vụ đầu tư 1 tỷ USD vào Lyft, định giá công ty đi chung xe lớn thứ 2 ở Mỹ trị giá khoảng 11 tỷ USD. Còn SoftBank cũng vừa công bố sẽ cùng vài công ty khác đầu tư tới 1 tỷ USD vào Uber, cộng với chào mua một lượng cổ phần trị giá 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại của ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới.
Không phải lúc nào câu chuyện cũng diễn ra theo cách này. Thật sự, đó là một sự đảo ngược vai trò.
Cách đây 4 năm, bộ phận đầu tư mạo hiểm của Alphabet đầu tư một khoản trị giá 258 triệu USD vào Uber khi công ty này mới có giá khoảng 4% so với mức định giá 70 tỷ USD như bây giờ. David Drummond, trưởng phòng pháp chế của Alphabet, có mặt trong hội đồng quản trị của Uber.
Ở thời điểm 2013, đó là 1 cú sốc lớn khi Uber mới chỉ bắt đầu phát triển từ kinh doanh dịch vụ vận tải trên những chiếc limo màu đen sang mạng lưới vận tải trên toàn cầu như hiện nay. Alphabet dường như đã đoán trước và chiếm lĩnh được một thị trường lớn hay có quá ít sự cạnh tranh. Uber đã thuê các nhà điều hành hàng đầu từ Alphabet bao gồm Brian McClendon, Amit Singhal và Rachel Whetstone.
Nhưng cái bắt tay này đã trở nên xấu đi từ câu chuyện xoay quanh 1 công nghệ có thể biến đổi ngành dịch vụ chia sẻ xe nói riêng và cả ngành vận tải nói chung một cách rộng rãi hơn. Page đã phớt lờ Uber khi người đồng sáng lập Travis Kalanick cố gắng hợp tác trên khía cạnh những chiếc xe tự lái. Vì thế Uber đã tự phát triển dự án xe tự lái của riêng mình.
Sự thân thiện còn sót lại cũng biến mất vào tháng 8/2016 khi Uber thông báo mua Otto, công ty xe tải tự lái được điều hành bởi 1 cựu nhân viên trong bộ phận xe tự lái của Alphabet. Tháng đó, Drummond chính thức rời khỏi hội đồng quản trị của Uber mặc dù ông đã ngừng tham dự các cuộc họp nhiều tháng trước. Tháng 2 năm 2017, Alphabet đã kiện Uber vì ăn cắp bí mật thương mại.
Ở thời điểm hiện tại, Lyft không đơn thuần chỉ là 1 phần trong tầm nhìn về dịch vụ chia sẻ xe tự lái của Larry Page. Khi Sidewalk Labs của Alphabet đề xuất xây dựng một khu kỹ thuật số mới ở Toronto, tên của Lyft được đề cập đến 3 lần trong bản báo cáo trong khi Uber chỉ được nhắc đến 1 lần. Waymo của Alphabet và các công ty công nghệ xe hơi độc lập khác sẽ giúp triển khai đội xe “taxibot” và “vanbot”, và các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe cá nhân chẳng hạn như Lyft sẽ được hoan nghênh, Sidewalk Labs cho biết.
Chuyển đổi của Masayoshi Son được cho là thậm chí còn kịch tính hơn. Trước khi lôi kéo Uber trong thời gian gần đây, SoftBank đã đầu tư hàng tỷ đô la vào những công ty khởi nghiệp về dịch vụ chia sẻ xe như: Didi ở Trung Quốc, Ola ở Ấn Độ và Grab ở Đông Nam Á.
Năm 2015, SoftBank đã thành lập liên minh chống lại Uber với tên gọi là DKGLO (viết tắt của Didi Kuaidi, Grab, Lyft, và Ola). Trong liên minh này có quan hệ đối tác và đầu tư chéo. Didi đã đầu tư 100 triệu đô la vào Lyft trong năm đó. Lyft và Didi đã trở thành những đối tác của nhau. Và dường như SoftBank sẽ gia nhập đội Lyft, và Son thậm chí còn gợi ý rằng ông ấy đang quan tâm đến điều này.
Tháng 8/2016, Uber đã nắm 17,5% cổ phần của Didi và rời bỏ thị trường Trung Quốc. Kẻ thù của đối tác không còn là kẻ thù trong mắt SoftBank. Trong khi đó, Uber và SoftBank đã có sự kết hợp hoàn hảo với một người bạn giàu có mới – quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia. Quỹ này chính là người hậu thuẫn lớn nhất đứng sau quỹ 93 tỷ USD chuyên đầu tư vào công nghệ và là bên rót nhiều tiền nhất cho Uber từ trước đến nay.
Bây giờ, SoftBank có hai ghế trong hội đồng quản trị của Uber, giả sử là vụ hợp tác này “xuôi chèo mát mái”. Ron Fisher của SoftBank và Marcelo Claure của Sprint đã được thảo luận với tư cách là hai thành viên hội đồng quản trị. David Lawee của CapitalG đã tham gia vào ban giám đốc của Lyft.
Nhưng bạn có thể chắc chắn Larry Page và Masayoshi Son là những người “giật dây”.
Diệu Nguyễn / Bloomberg
Nguồn Trí thức trẻ