Thanh toán trực tuyến: Cá lớn lộ diện
Thị trường Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân và nền kinh tế internet dự báo đạt 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 đang là mảnh đất của các “tay chơi lớn” quốc tế trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến nhắm đến. Điều này gây ra lo ngại cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực.
Nguyễn Thùy Dương, nhân viên marketing của một công ty tuyển dụng ở TP.HCM có cuộc gặp với khách hàng lúc 10 giờ rưỡi sáng ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Đó là giờ cao điểm trên trục đường từ quận 1 dẫn ra sân bay, cô ngẫm nghĩ rồi lấy điện thoại ra đặt một chuyến mô tô của GrabBike, thay vì di chuyển bằng dịch vụ xe hơi GrabCar hay Uber X. Tới điểm hẹn, Dương xuống xe và đi thẳng vào gặp khách hàng mà không cần phải trả tiền mặt như mọi khi. Tiền đã được trừ thẳng vào tài khoản của cô.
Từ tháng 6.2016, người dùng dịch vụ Grab tại Việt Nam như Dương có thể thanh toán cước chuyến đi bằng tài khoản ngân hàng thông qua ứng dụng thanh toán GrabPay, thay vì chỉ bằng tiền mặt như trước đây. Với người chưa có tài khoản ngân hàng, họ có thể sử dụng GrabPay Credits, giải pháp tương tự ví điện tử của Grab, cho phép người dùng nạp tiền vào và thanh toán cho những chuyến đi tiếp theo. Không chỉ thanh toán cước vận chuyển, Grab đang muốn tấn công vào cả những lĩnh vực thanh toán khác ở thị trường Đông Nam Á.
Sau khi nhận được 2,5 tỉ đô la Mỹ từ hai nhà đầu tư chính là ứng dụng gọi xe Didi Chuxing (Trung Quốc) và tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản), Jerry Lim, giám đốc điều hành của Grab Việt Nam cho rằng: “Grab đã đủ tài chính để hỗ trợ việc nhảy vào mảng thanh toán, lĩnh vực được coi là ưu tiên chính.” Không công bố lượng tiền sẽ đầu tư vào lĩnh vực thanh toán, Jerry Lim nhận định: “Nhu cầu về thanh toán trong khu vực là rất lớn, và chưa có tay chơi nào thống trị thị trường.” Lim cho biết thêm, “bằng việc cung cấp nền tảng thanh toán đáp ứng xu hướng ưu tiên di động (mobile - first) và nhu cầu về cơ sở hạ tầng, chúng tôi giúp những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được phục vụ làm quen với phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt”.
Không công bố số lượng người dùng cụ thể ở từng quốc gia, nhưng Jerry Lim cho biết Grab có “60 triệu lượt tải, 1,3 triệu tài xế cùng ba triệu lượt gọi xe mỗi ngày ở bảy quốc gia trong khu vực”. Lãnh đạo Grab nhìn thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam, nơi “90% người dân quen dùng tiền mặt và loại bỏ rất nhiều lợi ích của hệ thống ngân hàng”. Và Grab không phải công ty nước ngoài duy nhất nhận thấy điều này.
Sau hơn hai năm ra mắt ở thị trường quốc tế, tháng 9.2017 hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm dịch vụ thanh toán Samsung Pay ở Việt Nam. Lý do, theo ông Nguyễn Quang Hiền Huy, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc ngành hàng thiết bị di động của Samsung Vina: “Trước đây tỉ lệ thanh toán thẻ ở Việt Nam chưa nhiều và cơ sở hạ tầng của ngành tài chính chưa thích hợp với Samsung Pay. Chưa kể đây là hệ sinh thái mở, đòi hỏi sự liên quan của nhiều bên như ngân hàng, các nhà sản xuất, bản lẻ và các tổ chức tài chính, để kết nối những tổ chức này lại với nhau đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực”. Cài đặt sẵn ứng dụng vào những dòng điện thoại cao cấp từ Galaxy S6 tới Galaxy Note8, và dòng cận cao cấp Galaxy A, Samsung liên kết với công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) cùng bảy ngân hàng trong nước, giúp người dùng thanh toán các dịch vụ tại hơn 270 ngàn điểm chấp nhận thanh toán POS trên toàn quốc chỉ bằng “một chạm” trên điện thoại.
Không có số lượng cụ thể những dòng điện thoại được hỗ trợ Samsung Pay đã bán ra, nhưng theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC, năm 2016 có 14 triệu điện thoại thông minh được bán ra ở thị trường Việt Nam, trong đó Samsung chiếm 28% với gần bốn triệu chiếc. Đến tháng 5.2017, thị phần điện thoại thông minh của Samsung ở Việt Nam là 47%. Số lượng người dùng như vậy, cùng với 270 ngàn điểm POS, Samsung Pay đang trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường công nghệ tài chính Việt Nam. “Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, bên cạnh xu thế thị trường thanh toán điện tử đang phát triển, vì Việt Nam là thị trường lao động trẻ, người tiêu dùng trẻ nhiều, cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử ngày càng phát triển hơn,” ông Huy nói.
Thị trường tiềm năng xét về nhu cầu và số lượng người sử dụng, lại được sự hỗ trợ từ thị trường thương mại điện tử đang phát triển, hạ tầng thanh toán cơ bản đáp ứng được các dịch vụ, đó là những dấu hiệu mà các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nhìn thấy ở Việt Nam. Người trong cuộc có cách nhìn khác. “Chúng ta nói quá nhiều về tiềm năng thị trường, nhưng theo tôi, mọi thứ vẫn chưa sẵn sàng,” bà Trương Cẩm Thanh, giám đốc công ty ZION, thành viên của công ty cổ phần VNG và sở hữu ứng dụng thanh toán Zalo Pay cho biết. Theo bà Thanh, vấn đề đầu tiên người dùng gặp phải khi tích hợp thẻ ngân hàng vào ứng dụng Zalo Pay là phía ngân hàng chưa kích hoạt thẻ để thanh toán trực tuyến, mà người dùng phải yêu cầu thì ngân hàng mới chấp nhận. “Mỗi tháng cứ 1.000 người dùng cài đặt thì đến hơn 800 người chưa được kích hoạt thanh toán trực tuyến,” bà Thanh kể. Với tỉ lệ như vậy, con số cài sẵn ứng dụng thanh toán vào máy mới là điều kiện cần để duy trì và phát triển dịch vụ thanh toán điện tử.
Thị trường Việt Nam còn có vấn đề khác mà doanh nghiệp thanh toán có khi không gặp phải ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, theo bà Thanh, “phía ngân hàng khoảng tám năm lại đổi ngân hàng lõi (core-banking) một lần,” buộc doanh nghiệp “không chờ thì cũng không làm gì được”.
Nhìn nhận công nghệ tài chính là “một cuộc chơi dài hơi của dân nhà giàu”, bà Thanh quan niệm các công ty trong nước là “bạn đồng hành” chứ không phải đối thủ của Zalo Pay. “Đối thủ trong ngành công nghệ tài chính Việt Nam là những doanh nghiệp ở bên ngoài, nơi mình không có đủ hành lang pháp lý và quy định để quản lý”, bà Thanh nói.
Trong khi thị trường vẫn đang dừng ở mức tiềm năng, thì Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc đang có những động thái chuẩn bị nhảy vào thị trường công nghệ tài chính Việt Nam với giải pháp thanh toán AliPay. Tháng 6.2017, Alibaba thông báo rót thêm một tỉ đô la Mỹ cho nền tảng thương mại điện tử Lazada, sau khi bỏ một tỉ đô la Mỹ mua lại nền tảng này từ Rocket Internet năm 2016. Lúc này, Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á với 23 triệu người dùng thường xuyên (theo báo cáo thường niên 2016 của Alibaba). Alibaba đang chứng minh họ rất “nghiêm túc” trong việc đầu tư vào thị trường hơn 600 triệu dân, với nền kinh tế Internet được Google dự báo đạt 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm 44%.
Thành lập năm 1999 với trang alibaba.com, một cổng thông tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua trong và ngoài nước. Đến năm 2003, Jack Ma, người sáng lập Alibaba thành lập trang thương mại điện tử taobao.com, nền tảng bán lẻ cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân mở các gian hàng trực tuyến, nhắm đến khách hàng ở những khu vực nói tiếng Hoa trên toàn thế giới.
Một năm sau, Alibaba ra mắt công cụ thanh toán trực tuyến AliPay nhằm hỗ trợ việc thanh toán cho Taobao. Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán New York năm 2014, với giá trị vốn hóa 231 tỉ đô la Mỹ. Cùng với tập đoàn Tencent, Alibaba là cái tên đến từ Trung Quốc lọt vào danh sách 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới (trên 400 tỉ đô la Mỹ), cùng với những tên tuổi như Apple, Google, Facebook hay Amazon.
Mặc dù công bố có 500 triệu người dùng, nhưng ngay tại Trung Quốc, lĩnh vực thanh toán của Alibaba đang bị Wechat, nền tảng mạng xã hội và thanh toán của Tencent qua mặt, với 960 triệu người dùng hằng tháng. Và Đông Nam Á là “mảnh đất” mà cả Alibaba và Tencent đang cùng nhắm đến. Sau lĩnh vực game và thương mại điện tử, mảng thanh toán đang được hai “ông lớn” này để mắt.
Mặc dù chưa xác nhận AliPay đã kết nối thanh toán với Lazada Việt Nam, nhưng Phạm Thông, giám đốc marketing của Lazada Việt Nam cho biết: “AliPay đã liên hệ với một số ngân hàng và đối tác doanh nghiệp trong nước để chuẩn bị cho việc có thể ra mắt vào đầu năm sau”. Và điều này khiến một số doanh nghiệp công nghệ tài chính Việt Nam lo ngại. Khi Forbes Việt Nam thực hiện danh sách những giải pháp thanh toán của Việt Nam năm 2016, MoMo là doanh nghiệp duy nhất không công bố số liệu, mặc dù con số này năm 2015 của MoMo là 150 triệu đô la Mỹ. “MoMo không cung cấp số liệu vì không muốn kích thích trí tưởng tượng và tham vọng của các doanh nghiệp thanh toán Trung Quốc đã và đang có mặt trên thị trường,” ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch hội đồng quản trị M_Service, công ty chủ quản MoMo nói.
Tuy nhiên, mặc cho những khó khăn và lo ngại của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam, đất nước với hơn 90 triệu dân và chi phí đi lại chiếm gần 20% cơ cấu chi tiêu hằng tháng của mỗi người (theo số liệu của trang chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo), đó vẫn là thị trường thanh toán trực tuyến chủ yếu mà Grab nhắm đến bên cạnh ứng dụng đặt xe. Nhưng doanh nghiệp đến từ Malaysia này vẫn chưa muốn dừng lại. “Ngoài nhà ở, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á chi tiêu chủ yếu vào ba ngành hàng, thực phẩm - đồ uống, giải trí và du lịch. GrabPay sẽ mở rộng mảng thanh toán ra cả ba nhóm ngành đó trong tương lai,” Jerry Lim nói.