Thị trường trà sữa và khoảng trống cho người đến sau
Thị trường trà sữa Việt Nam đang lên “cơn sốt”. Mới đây nhất, một tân binh từ thị trường Malaysia, Tealive đã gia nhập sân chơi này bằng việc mở liên tiếp 2 cửa hàng trong vòng nửa tháng.
Gia nhập thị trường trà sữa Việt Nam khá trễ so với các đối thủ khác, nhưng thương hiệu trà sữa Tealive tuyên bố sẽ mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm tới và không giấu tham vọng sẽ nằm trong top 3 thương hiệu trà sữa được yêu thích nhất tại Việt Nam. Đây cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên hãng nhắm tới sau khi đã đứng vững tại thị trường Malaysia. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bryan Loo, sáng lập viên của Tealive khẳng định, Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm của hãng.
3 năm mở 100 cửa hàng
* Tại sao Tealive quyết định gia nhập thị trường trà sữa tại Việt Nam, thưa ông?
Trước tiên, tôi rất thích Việt Nam và tôi nghĩ rằng, văn hóa Việt Nam cũng khá gần với Malaysia. Tôi thường xuyên đi du lịch Việt Nam trước khi chúng tôi quyết định đầu tư tại đây. Cách đây 4 năm khi tôi đến Việt Nam, thị trường còn quá mới, chưa phải là thời điểm đúng để chúng tôi tiến hành đầu tư. Cuối cùng thì chúng tôi cho rằng, năm nay là thời điểm chín muồi cho việc xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tôi cũng là một người rất yêu trà. Tôi biết trà là một thị trường lớn, tiềm năng. Tôi luôn cảm thấy là chúng tôi cần hướng tới phong cách uống trà hiện đại cho tất cả mọi nơi trên thế giới, nhưng tôi thấy đất nước đầu tiên chúng tôi nên đầu tư, bên cạnh Malaysia, là Việt Nam. Bởi Việt Nam là một đất nước có văn hóa thưởng thức đồ uống, trà và cà phê khá gần với Malaysia.
* Thị trường trà sữa Việt Nam hiện có khá nhiều thương hiệu và cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt. Mục tiêu mở 100 cửa hàng Tealive trong vòng 3 năm tới có quá tham vọng không, thưa ông?
Vào năm 2011, khi chúng tôi xâm nhập thị trường ở Malaysia, chúng tôi là những người tiên phong. Sau khi chúng tôi đạt được những kết quả ấn tượng, chín tháng sau, thị trường có thêm 50 thương hiệu đến từ Đài Loan. Nhưng bạn thử đoán xem hiện tại còn bao nhiêu thương hiệu tồn tại ở thị trường này? Chỉ còn chúng tôi và Gong Cha. Tealive hiện có 165 tiệm và Gong Cha chỉ có 12 tiệm, đó là một sự khác biệt rất lớn. Giữ vững tốc độ phát triển như vậy thì đến năm sau chúng tôi sẽ thuộc top 3 thương hiệu được yêu thích tại Việt Nam và đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến.
Malaysia có 30 triệu dân, mục tiêu của chúng tôi tại đây là đạt được 400 cửa hàng. Với dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam thì việc mở ra 100 cửa hàng trong 3 năm tới là trong tầm tay.
* Hiện có nhiều start-up bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài chọn kinh doanh trà sữa. Cơ sở nào khiến ông tin tưởng Tealive sẽ thành công ở Việt Nam?
Tại Đài Loan, trà sữa đã có mặt khoảng 60 - 70 năm nay với gần 500 thương hiệu và đã trở thành văn hóa uống trà, do vậy xu hướng sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe như trà sẽ tiếp tục phát triển. Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ tập trung phát triển tại các thị trường lớn như TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Tại Malaysia hiện Tealive có 165 cửa hàng, trong số này 80% được quản lý trực tiếp và 20% là nhượng quyền thương hiệu.
Chúng tôi luôn nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới và chúng tôi đưa ra 5 hương vị mới đặc biệt phù hợp cho người Việt, dành riêng cho thị trường Việt Nam. Chính sự am hiểu khẩu vị của người tiêu dùng, nhanh chóng đáp ứng được những thay đổi và nhất là xu hướng tiêu dùng của giới trẻ trong việc thưởng thức trà sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu 100 cửa hàng trong vòng 3 năm tới và sẽ mở rộng lên 300 cửa hàng trong vòng 5 năm.
Dùng công nghệ để bán trà sữa
* Gia nhập thị trường Việt Nam khi rất nhiều đối thủ đã có mặt, đâu sẽ là những lợi thế cạnh tranh của Tealive, thưa ông?
Tôi nghĩ điều khác biệt mà chúng tôi tạo ra ở Việt Nam là sự đảm bảo rằng, tất cả các loại trà mà chúng tôi lựa chọn phải là loại trà ngon nhất ở Đài Loan, Sri Lanka hay Nepal. Chúng tôi muốn chọn những lá trà ngon nhất. Khi nhập về Việt Nam, nó sẽ cho ra những mùi vị mới, tạo ra sự khác biệt giữa chúng tôi và các đối thủ cạnh tranh còn lại. Đây là điều khác biệt thứ nhất mà tôi muốn nói đến.
Điều khác biệt thứ hai là chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ vào quy trình bán hàng. Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ cho ra đời máy pha chế tự động. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tự động hóa quy trình, tất cả các đơn hàng sẽ được làm tự động thay vì dùng nhiều nhân công như hiện nay. Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên, cửa hàng thứ hai của chúng tôi sẽ được mở trong vòng một tuần sau đó và tiếp tục cho tiệm thứ 3, tức là mở 3 cửa hàng trong vòng 1 tháng.
Tại các tiệm sắp tới, chúng tôi sẽ dùng máy móc tự động và điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Chúng tôi muốn đảm bảo các đơn hàng sẽ được phục vụ một cách nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, điều này sẽ đảm bảo tốt nhất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong tương lai chúng tôi sẽ có cả máy bán hàng tự động thay vì mọi người phải xếp hàng mua. Chúng tôi dự kiến mở từ 2-3 đến quầy bán hàng tự động. Tại đó khách hàng có thể tự chọn đồ uống theo khẩu vị rồi thanh toán thông qua thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt.
Điều chúng tôi luôn mong muốn tập trung phát triển là áp dụng công nghệ vào vận hành cửa hàng. Chúng tôi sẽ mang thêm nhiều công nghệ tiên tiến vào các cửa hàng Tealive, điều này sẽ tạo ra điểm khác biệt giữa chúng tôi và các đối thủ. Chúng tôi muốn mang trải nghiệm mới đến cho khách hàng. Và công nghệ đang là một xu hướng tuy còn mới, nhưng đang được ủng hộ và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Khi bạn mua Tealive ở Malaysia, bạn không cần phải trả tiền mặt vì chúng tôi có cung cấp thẻ Tealive đã được nạp tiền sẵn hoặc bạn có thể thanh toán thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại. Hiện tại Malaysia, những giao dịch tại Tealive gần như không sử dùng tiền mặt. Đó là thế mạnh và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay. Do đó, chúng tôi tập trung vào việc trang bị các thiết bị, vận dụng công nghệ vì chúng tôi muốn khách hàng có những trải nghiệm tuyệt vời khi thưởng thức Tealive tại cửa hàng.
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ ứng dụng phần mềm tại các cửa hàng Tealive ở Việt Nam để các bạn trẻ có thể mua bất cứ sản phẩm nào và tận hưởng các dịch vụ giao hàng tiện lợi trên phần mềm.
Về dịch vụ, chúng tôi muốn tạo ra một không gian trẻ trung và thời thượng cho giới trẻ đến để thưởng thức trà. Là người đi sau tại thị trường Việt Nam, với chúng tôi sẽ có những mặt tiêu cực và tích cực so với đối thủ. Mặt tích cực là chúng tôi rút tỉa được tất cả thất bại từ đối thủ cạnh tranh đi trước để không lặp lại các thất bại đó. Chúng tôi sẽ làm những điều tốt hơn.
Điều không tốt ở đây là chúng tôi là người đi sau nên buộc phải tăng trưởng nhanh bằng việc mở 5 tiệm vào cuối năm nay, 30 tiệm vào năm sau và nâng lên 100 tiệm sau ba năm. Chúng tôi muốn Tealive hiện diện ở mọi nơi.
Với dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam thì việc mở ra 100 cửa hàng trong 3 năm tới đối với Tealive là trong tầm tay.
* Giá cả của Tealive có cạnh tranh so với các đối thủ còn lại không, thưa ông?
Chúng tôi không chỉ có mặt ở Việt Nam mà chúng tôi sẽ mở rộng sang Úc vào tháng 1/2018 và Bangkok (Thái Lan) vào tháng 2 năm sau. Vì thế khi nói về giá cả, chúng tôi sẽ có lợi thế về quy mô khi đặt mua nguyên vật liệu nên giá thành sẽ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi sẽ tập trung hóa việc mua hàng tại Malaysia.
Mô hình nhượng quyền rủi ro và nguy hiểm
* Cách thức mà Tealive sẽ mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam là như thế nào, thưa ông?
Sẽ giống như ở Malaysia. Hiện tại chúng tôi có 165 tiệm tại Malaysia, trong số này 80% được quản lý trực tiếp và 20% là nhượng quyền thương hiệu, nhưng chủ các cửa hàng nhượng quyền này thường là họ hàng với nhau nên có mối quan hệ khăng khít. Chúng tôi muốn làm điều tương tự ở Việt Nam.
Chúng tôi muốn phát triển từ 30 đến 50 cửa hàng đầu tiên, khi ổn định sẽ chọn những nhà nhượng quyền tốt cho thương hiệu Tealive. Chúng tôi muốn quản lý tốt chuỗi cửa hàng cũng như giữ vững thương hiệu. Mô hình nhượng quyền thương hiệu khá rủi ro và nguy hiểm, vì nhà đầu tư có thể có nhiều vốn để nhận nhượng quyền thương hiệu, nhưng lại không có đủ tâm huyết khi nhận quản lý thương hiệu. Vì thế chúng tôi muốn thật sự cẩn thận khi lựa chọn đối tác để nhượng quyền.
Khi Tealive nhượng quyền thương hiệu, Tealive có chuyển nhượng công nghệ cho người nhận nhượng quyền luôn không, thưa ông?
Những công nghệ và máy móc mà chúng tôi có sẽ được chuyển cho những tiệm nhận nhượng quyền thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi tự xây dựng và thiết kế công nghệ và phần mềm, máy móc vì chúng tôi có đội ngũ IT và công nghệ ở Malaysia.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Lê Dung
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp