Cuộc “so găng” quyết liệt trên thị trường châu Á

Hai tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ) đã xác lập vị thế thống lĩnh trên thị trường bán hàng trực tuyến ở quê nhà và giờ đây đang chạy đua rót hàng tỉ đô la Mỹ vào thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, để chiếm lĩnh thị phần.

Triển vọng thương mại điện tử ở Đông Nam Á rất tươi sáng khi tầng lớp trung lưu trẻ tuổi, những người sành sỏi mạng Internet, trong khu vực đang gia tăng. Một bản báo cáo do Google và Temasek, quỹ đầu tư nhà nước Singapore, cùng thực hiện đã dự báo rằng thương mại điện tử ở Đông Nam Á có thể đạt giá trị 88 tỉ đô la vào năm 2025, cao hơn 10 lần so với năm 2015.

Sức hấp dẫn của Đông Nam Á

Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên khi Alibaba vươn ra nước ngoài vì đây là khu vực gần “sân nhà” Trung Quốc. Tập đoàn này đã chi hơn 2 tỉ đô la để nắm quyền kiểm soát Lazada, công ty thương mại điện tử được thành lập cách đây năm năm ở Singapore và đang có mạng lưới kinh doanh trải rộng ở sáu nước trong khu vực. Năm ngoái, Alibaba tiếp tục thâu tóm công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến RedMart ở Singapore.

Khác với Alibaba, Amazon tiếp cận thị trường Singapore muộn hơn nhưng nhanh chóng được khách hàng ở đây nồng nhiệt đón nhận. Cuối tháng 7, Amazon chính thức khai trương dịch vụ giao hàng trong ngày Prime Now tại Singapore. Dịch vụ này cho phép người mua sắm ở Singapore được giao hàng miễn phí trong vòng hai giờ đồng hồ với các đơn hàng có giá trị trên 29,5 đô la. Trong thời gian ban đầu, dịch vụ Prime Now bị quá tải nên nhiều khách hàng bị từ chối phục vụ. Nhưng kể từ đó, Amazon đã đẩy mạnh các nỗ lực giao hàng nhanh hơn cho lượng người mua sắm trực tuyến đang tăng nhanh ở quốc đảo này.

Cuộc “so găng” quyết liệt trên thị trường châu Á

Nhân viên của Amazon đang gói hàng tại một trung tâm hoàn tất đơn hàng của Amazon ở Singapore.

Cho đến nay, Amazon xem Singapore như là thị trường duy nhất của mình ở Đông Nam Á dù các chuyên gia trong ngành dự báo rằng “người khổng lồ” này sẽ sử dụng đảo quốc sư tử làm bệ phóng để mở rộng hoạt động sang các nước khác trong khu vực.

Trên thực tế, các cuộc đối đầu trực tiếp giữa Alibaba và Amazon rất hiếm thấy. Amazon chỉ hiện diện khiêm tốn ở Trung Quốc và Alibaba bán hàng hóa ở Mỹ thông qua nền tảng trực tuyến AliExpress nhưng đã rút lại các kế hoạch mở rộng tại thị trường này.

Thị trường Đông Nam Á có thể là một đấu trường trung lập quan trọng để Alibaba và Amazon “so găng” về các mô hình kinh doanh khác biệt của họ.

Là một khu vực địa lý trải rộng với 600 triệu dân, Đông Nam Á bị phân chia bởi các nền chính trị, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Có một số nơi hiện đại hơn như Singapore nhưng cũng có nhiều nơi còn thiếu đường sá và các cơ sở hạ tầng khác để mang lại cho người dân những tiện ích cơ bản.

“Đông Nam Á là sự pha trộn giữa các khu vực đô thị, bán đô thị và nông thôn bị chia cắt với khoảng cách lớn, đặc biệt là ở Philippines và Indonesia, nơi có nhiều khu vực bị biển chia cắt. Phương thức giao hàng thu tiền (COD) vẫn thịnh hành và các đối thủ ở địa phương cũng đang gia nhập cuộc cạnh tranh”, Mike Booker, đối tác của chi nhánh của công ty tư vấn Bain & Co ở Đông Nam Á, nói.

Các mối thách thức này buộc Lazada, bộ phận hoạt động kinh doanh lớn nhất của Alibaba ở Đông Nam Á, phải sáng tạo hơn.

Thị trường Đông Nam Á có thể là một đấu trường trung lập quan trọng để Alibaba và Amazon “so găng” về các mô hình kinh doanh khác biệt của họ.

Tại Việt Nam, Lazada trông cậy vào các bưu điện địa phương trong việc nhận hàng trả lại của khách và hoàn tiền cho họ. Tại Malaysia, Lazada cho phép khách hàng nhận hàng hóa đặt mua trực tuyến từ các tủ đồ cá nhân đặt ở các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Và tại Philippines, Lazada sử dụng các trạm xăng làm nơi để các nhà bán lẻ giao hàng cho khách. “Chúng tôi đang ở giai đoạn còn rất sơ khai”, Inanc Balci, Giám đốc điều hành chi nhánh của Lazada ở Philippines, nói.

Doanh thu từ mảng kinh doanh quốc tế của Alibaba trong quý gần nhất tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là nhờ vào sự đóng góp của Lazada. Tuy vậy, Lazada và công ty con RedMart vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ bé và chưa mang lại lợi nhuận trong đế chế kinh doanh của Alibaba. Max Bittner, Giám đốc điều hành của Lazada, cho biết công ty mẹ ở Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều hơn để xây dựng các năng lực giao hàng và thu hút nhiều khách hàng hơn.

Alibaba đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh doanh ở Đông Nam Á. Chẳng hạn, tại Indonesia, hồi tháng 8, Alibaba đã mua cổ phần thiểu số ở công ty thương mại điện tử Tokopedia để thâm nhập vào thị trường của xứ vạn đảo.

Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định Amazon vẫn có thể chống trả Alibaba ở Đông Nam Á bằng cách cung cấp trực tuyến các chương trình truyền hình và phim ảnh phương Tây như đang làm ở Mỹ để gia tăng sức hút với các khách hàng trẻ.

Cạnh tranh khốc liệt ở Ấn Độ

Tại thị trường Ấn Độ, Amazon đang nhanh chân hơn Alibaba. Vào tháng 9-2014, trong một chương trình quảng bá (roadshow) khoản đầu tư lớn đầu tiên ở Ấn Độ trị giá 2 tỉ đô la, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos xuất hiện trên một chiếc xe tải sặc sỡ ở thành phố Bangalore. Hai năm sau, Amazon cam kết đầu tư thêm 3 tỉ đô la nữa vào thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Cuộc “so găng” quyết liệt trên thị trường châu Á

Các nhân viên của công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến RedMart, một thành viên của Alibaba, đang kiểm tra chất lượng hàng hóa tại một nhà kho ở Singapore.

Alibaba ngay lập tức đáp trả. Tháng 11-2014, Jack Ma, ông chủ Alibaba, xuất hiện tại Delhi với lời tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Ấn Độ”. Một năm sau đó, Alibaba rót gần 500 triệu đô la để nắm giữ cổ phần trong nền tảng thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ Paytm và thành viên liên kết của nó là công ty thương mại điện tử Paytm Mall.

Cho đến nay, Alibaba và Amazon vận hành theo các mô hình kinh doanh khác nhau. Amazon sở hữu nhà kho và hàng hóa dự trữ, Alibaba thì không. Nhưng Alibaba có tầm tiếp cận khách hàng lớn hơn Amazon nhờ vào ví điện tử Alipay của công ty dịch vụ tài chính Ant Financial, một thành viên của tập đoàn.

Khi Amazon mở rộng mạng lưới kinh doanh ra toàn cầu, nó có thể trở nên giống Alibaba nhiều hơn. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, các quy định cấm Amazon sở hữu hàng hóa dự trữ trực tiếp. Gần đây, Amazon đã được Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cấp giấy phép triển khai ví điện tử. Ngược lại, Alibaba cũng có thể ngày càng giống Amazon hơn. Tập đoàn này đã đầu tư vào công ty dịch vụ bưu chính SingPost của Singapore khi đặt mục tiêu mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.

Vào tháng 9, Alibaba đã mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông kiểm soát của mạng lưới dịch vụ hậu cần Cainiao của Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch chi 15 tỉ đô la cho hậu cần trong năm năm.

Song đà mở rộng thị trường của hai tập đoàn này có thể bị các đối thủ khác ngáng chân. Các công ty nhỏ hơn vẫn có thể kiểm soát các thị trường ngách. Công ty thương mại điện tử Flipkart, với sự hậu thuẫn về tài chính của tập đoàn truyền thông, Internet và thương mại điện tử Naspers (Nam Phi) và tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản), đang cạnh tranh quyết liệt với Amazon tại Ấn Độ. Cả Flipkart và Amazon thường xuyên tranh cãi xung quanh việc ai đang nắm thị phần lớn hơn ở Ấn Độ.

“Tôi không tin có sự thống trị tuyệt đối trên thị trường thương mại điện tử.”

Đối thủ đáng gờm nhất của nhau

Một trong những vấn đề đối mặt với hai “ông lớn” Alibaba và Amazon là liệu có công ty công nghệ lớn nào khác đổ tiền vào thương mại điện tử nữa không và liệu có xuất hiện những liên minh đối tác hay không.

Ví điện tử WeChat Pay của tập đoàn Tencent đang đối đầu với Alipay ở Trung Quốc. Khoảng 1/3 người sử dụng mạng xã hội WeChat ở Trung Quốc đang mua sắm trên nền tảng này. Tencent đang tìm cách thuyết phục các cửa hiệu ở các nước khác chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử WeChat Pay. Gần đây, Tencent đã mua cổ phần ở Flipkart.

Khi triển khai các dịch vụ ở nước ngoài, Tencent có thể nhận được sự hỗ trợ của Naspers vì công ty này đang nắm giữ khoảng 1/3 số cổ phần của Tencent và đang đầu tư cho nhiều công ty thương mại điện tử trên thế giới. Giờ đây, ngay cả Facebook cũng dồn lực vào mảng thương mại điện tử bằng cách giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hàng hóa qua dịch vụ tin nhắn của nó cũng như các nền tảng khác đã bị Facebook thâu tóm như WhatsApp và Instagram.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, Amazon và Alibaba vẫn là đối thủ đáng gờm nhất của nhau. Cả hai đều cần rất nhiều vốn để mở rộng quy mô mới có thể chiến thắng trên chiến trường thương mại điện tử.

Các công ty thương mại điện tử ở Ấn Độ đang đứng trước áp lực từ các nhà đầu tư, những người đang sốt ruột về khả năng cải thiện lợi nhuận. Amazon, dĩ nhiên, không hề bị áp lực nào trong vấn đề này. Amit Agarwal, Giám đốc chi nhánh Amazon India, nói: “Chúng tôi sẽ đầu tư bất cứ điều gì để bảo đảm rằng chúng tôi có thể mang lại sự trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng”.

Các công ty lớn như Amazon và Alibaba cũng có những thuận lợi tự nhiên khi họ mở rộng mạng lưới hoạt động ở nước ngoài vì các công nghệ được phát triển và áp dụng thành công ở một thị trường có thể được triển khai ở nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Amazon và Alibaba sẽ thống lĩnh mọi thị trường mà họ hiện diện trên thế giới và cũng không có nghĩa là họ sẽ đè bẹp mọi đối thủ cạnh tranh.

Bob Van Dijk, Giám đốc điều hành Naspers, cho rằng vẫn còn dư địa thị trường cho nhiều công ty khác. “Tôi không tin có sự thống trị tuyệt đối trên thị trường thương mại điện tử”, ông nói.

Song với sự tham vọng lớn và lợi thế về quy mô, Alibaba và Amazon có thể mạnh hơn các đối thủ khác và sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau ở nhiều thị trường bên ngoài Trung Quốc và Mỹ.

Chánh Tài / The New York Times / Economist
Nguồn The Saigon Times