Sự dịch chuyển thương hiệu du lịch Việt?

Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất đầu năm 2017, và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. 9 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế ước đạt gần 9,5 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Qua 9 tháng năm 2017, ba thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga dẫn đầu về tăng trưởng khách du lịch tại Việt Nam. Thị trường châu Phi tuy lượng khách du lịch đến Việt Nam không nhiều (9 tháng đạt 26,019 lượt khách), nhưng cũng tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng khách du lịch đến từ 5 nước được miễn thị thực tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng trên thế giới tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam, do đó lượng khách tập trung đến các tỉnh có du lịch nghỉ dưỡng phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết… Các thành phố này trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 30%. Trong đó, Phú Quốc (26%), Phan Thiết (23%) đã vượt qua tốc độ tăng trưởng của TPHCM (15%) và Hà Nội (16%).

Sự dịch chuyển thương hiệu du lịch Việt?

Phong cảnh hữu tình là một trong những điểm cuốn hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Nguồn: TTC World - Thung lũng Tình yêu.

Trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” (diễn ra từ ngày 18 đến 20-6-2017 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Đối thoại đã thông qua tuyên bố cao cấp APEC 2017 về du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á - Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”.

Được xác định là lĩnh vực tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn và được định hướng thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên, việc phát triển du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu tính ổn định, bền vững, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Có thể kể đến một số điểm chính: sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu…

Sự dịch chuyển nhạy bén

Đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật kinh tế thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch như thiết lập môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi. Đây được xem là một động thái tích cực từ phía Chính phủ, được các doanh nghiệp đón nhận với nhiều hy vọng và tin tưởng.

Đến nay, các doanh nghiệp du lịch trong nước đã có nhiều nỗ lực đa dạng hóa các loại hình du lịch, cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, từ đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo tiện nghi, nâng cao chất lượng nhân sự lẫn các giải pháp về marketing. Đặc biệt, hoạt động quảng bá xúc tiến tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế như: Hội chợ du lịch quốc tế TRAVEX (Singapore), ITB Berlin (Đức), MITT (Nga), TTM Plus (Thái Lan), KOTFA (Hàn Quốc); Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2017... thực hiện Roadshow, Famtrip, Presstrip giới thiệu những điểm đến ấn tượng của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm nước ngoài.

Sự dịch chuyển thương hiệu du lịch Việt?

Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế.

Theo đó, khá nhiều doanh nghiệp du lịch nội địa đã tăng trưởng nhanh chóng và đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Về mảng dịch vụ khách sạn, số liệu Grant Thornton thống kê, phân khúc khách sạn cao cấp đạt mức lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA) năm 2016 cao hơn năm 2015 với mức 1,7%, tỷ lệ EBITDA/Doanh thu thuần (DTT) bình quân ngành là 32,5%. Điều này cũng phản ánh thực tế phân khúc khách sạn 4 - 5 sao và resort sang trọng có xu hướng tăng, góp phần gia tăng giá trị cho ngành du lịch Việt Nam.

Báo cáo tài chính quí 3-2017, Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông đạt chỉ số EBITDA/DTT 32,42 %; Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn là 45,93%; Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công cán mốc 37%. Dễ dàng nhận thấy, tỷ lệ EBITDA/DTT các doanh nghiệp kể trên khá cao so với mức bình quân ngành, phản ánh hoạt động kinh doanh đang tiến triển khá tốt.

Hiện nay, châu Á là khu vực phát triển và tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới về ngành công nghiệp vui chơi giải trí. Việt Nam với dân số hơn 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử được đánh giá là “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực khu vui chơi. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 của những thương hiệu nổi tiếng trong mảng này cũng tăng trưởng đáng ngưỡng mộ như TTC World - Thung lũng Tình yêu, TTC World - Tà Cú (CTCP Du lịch Thành Thành Công) đạt chỉ số EBITDA/DTT lần lượt 35 và 36%,...

Ngành du lịch Việt Nam đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Nguồn lực, lợi thế chúng ta có. Những tồn tại khuyết điểm chúng ta cũng đã biết. Sự hỗ trợ tích cực hiệu quả của Chính phủ cùng nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sẽ là tiền đề cho du lịch Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 15 triệu lượt du khách quốc tế, đóng góp 10% GDP vào năm 2020.

Nguồn The Saigon Times