Richard Branson: Doanh nhân phải biết kể chuyện

Doanh nhân tỷ phú Richard Branson được xem là một nhà phiêu lưu mạo hiểm và một người kể chuyện tài ba. Ông đã làm rõ điều này trong một cuộc trò chuyện mới đây về cuốn sách mới của mình với tên gọi Finding My Virginity.

“Cha tôi là một người kể chuyện tuyệt vời. Trong thế hệ của ông và cả các thế hệ trước đó, mọi người không có tivi, vì vậy, họ thường ngồi xung quanh một đống lửa trại và lắng nghe những câu chuyện thú vị từ người khác”, ông nói trong buổi trò chuyện cùng diễn giả Carmine Gallo – tác giả cuốn sách bán chạy The Storyteller's Secret. Những thông điệp tại buổi nói chuyện sau đó được Carmine Gallo chia sẻ trên Forbes.

Văn hóa lửa trại” đóng vai trò quan trọng trong thành công của Richard Branson. Ông thường tập hợp đội ngũ nhân viên của mình xung quanh một đống lửa tại nhà riêng trên đảo Necker để cùng trao đổi ý tưởng. “Việc kể chuyện sẽ dẫn đến sự thay đổi”, ông cho biết.

Nhưng Branson không chỉ thích kể một câu chuyện. Là một người kể chuyện giỏi, ông dễ dàng nhận ra đâu là một câu chuyện hay. Trong cuốn tự truyện mới lần này, Branson viết về những thành công và thất bại, cũng như những thắng lợi và vận rủi mình gặp phải. “Nếu cuộc đời bạn là một câu chuyện dài về sự thành công, nó sẽ chẳng có gì thú vị”, ông nhìn nhận.

Tỷ phú Branson từng kể về một sự kiện diễn ra vào năm 1985 đã dạy cho ông sự khác biệt giữa một câu chuyện trung bình và một câu chuyện đầy cảm hứng.

Richard Branson: Doanh nhân phải biết kể chuyện

Carmine Gallo và Richard Branson. Ảnh: Carmine Gallo.

Năm 1985, để quảng bá cho hãng hàng không mới của mình là Virgin Atlantic, ông quyết định phá kỷ lục tốc độ xuyên Đại Tây Dương trên một con thuyền. Sau 3 ngày rưỡi lênh đênh trên biển, con thuyền gặp một cơn bão và bị mắc kẹt lại ở cách đích 200 dặm. Branson và các cộng sự đã được cứu bởi một chiếc tàu chở chuối đang trên đường đến Jamaica. Một năm sau, Branson thực hiện lại chuyến hành trình đó cùng với chiếc tàu Virgin Atlantic Challenger II và đã phá được kỷ lục.

“Công trình” của Branson đã quảng bá thành công cho hãng hàng không Virgin Atlantic. Và bài học mà vị tỷ phú thích mạo hiểm này học được là, mọi người đồng cảm với những nhà lãnh đạo và những thương hiệu dám thách thức các giới hạn, tìm kiếm các cuộc phiêu lưu, cố gắng và thất bại, nhưng biết cách bỏ qua mọi thứ để bắt đầu lại.

Ngành khoa học thần kinh đã chứng minh rằng Branson đúng. Có một sự khác biệt giữa một câu chuyện và một câu chuyện hay, có thể chiếm được trái tim và tâm trí của người nghe. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, não bộ của con người yêu thích những câu chuyện. Vì các câu chuyện giúp kích thích sự giải phóng các chất hóa học trong não, bao gồm oxytocin (giúp gắn kết cảm xúc), dopamine (mang đến cảm giác hài lòng, dễ chịu) và cortisol (tăng cường sự chú ý).

Những câu chuyện hiệu quả nhất là những câu chuyện có chứa các yếu tố gây cảm xúc mạnh mẽ, như một vị anh hùng phải vượt qua một thử thách hoặc một thất bại, vị anh hùng đó học được một bài học và “biến đổi” thành một người tốt hơn.

Richard Branson: Doanh nhân phải biết kể chuyện

Sir Richard Branson (bên trái hàng đầu) phá kỷ lục tốc độ xuyên Đại Tây Dương hồi năm 1986 trên con tàu Virgin Atlantic Challenger II. Nguồn: VirginGroup.

Cuộc đời của tỷ phú Richard Branson vốn mang nhiều yếu tố thú vị như vậy. Ông thôi học năm 16 tuổi, một phần do bị mắc chứng khó đọc. Vì ở thời điểm đó, chứng khó đọc vẫn chưa được hiểu rõ nên Branson bị các giáo viên xem như một… vật cản. Nhưng ông xem đó là một sức mạnh, “một lợi thế to lớn giúp tôi tư duy một cách sáng tạo, nhìn thấy các giải pháp ở nơi mà người khác chỉ nhìn thấy các vấn đề”.

Khi nghe người khác trình bày ý tưởng, Branson không muốn xem nội dung dưới dạng PowerPoint, mà muốn nghe câu chuyện của họ. “Tôi không bị cuốn vào các chi tiết về những thứ mà một ứng dụng cụ thể sẽ làm được hoặc không làm được. Tôi quan tâm nhiều hơn đến những cá tính đứng đằng sau các công ty, và mục đích ở trong những tầm nhìn của họ. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi đầu tư vào một công ty thất bại nhằm tìm ra một doanh nhân trẻ sẽ góp phần thay đổi thế giới, ông nói.

“Trong thế giới ngày nay, nếu bạn muốn thành công với cương vị là một doanh nhân, bạn cũng phải là một người kể chuyện giỏi”, Branson nói và nhấn mạnh: một sản phẩm tốt thôi chưa đủ, doanh nhân phải khuấy động được sự hứng thú – một kỹ năng mà ông vốn đã thành thạo trong suốt 50 năm kinh doanh.

Bích Trâm
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn