Những CEO xuất sắc nhất thế giới năm 2017
Hai CEO trong top 3 năm nay đều nằm trong top 3 CEO giỏi nhất của năm 2016, và 16 CEO nằm trong top 25 năm ngoái vẫn giữ được vị trí thuộc top 25 của bảng xếp hạng năm 2017.
Cách đây hơn 15 năm, tác giả, nhà tư vấn kinh doanh Jim Collins đã giới thiệu một “chiếc bánh đà” được xem là phép ẩn dụ cho sức mạnh lâu bền của khả năng lãnh đạo giỏi trong kinh doanh. Một công ty không thể thay đổi “từ tốt đến vĩ đại” chỉ qua một đêm, ông đã viết như vậy trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 2001. Nói đúng hơn, một công ty chỉ có thể trở nên xuất sắc hơn bằng cách “không ngừng đẩy một chiếc bánh đà khổng lồ về một hướng, xoay chuyển, tạo động lượng cho đến khi đạt được bước đột phá và tiến xa hơn”. “Và một khi chiếc bánh đà bắt đầu xoay tròn, nó sẽ tiếp tục đi về phía trước”, Collins nói.
Sức mạnh của động lực được thể hiện rõ trong bảng xếp hạng những CEO giỏi nhất thế giới năm 2017 của chúng tôi. Điều đặc biệt là danh sách này không thay đổi quá nhiều so với năm ngoái. Hai CEO trong top 3 năm nay đều nằm trong top 3 CEO giỏi nhất của năm 2016, và 16 CEO nằm trong top 25 năm ngoái vẫn giữ được vị trí thuộc top 25 của bảng xếp hạng năm 2017. Trong bảng xếp hạng 100 CEO, có 72 nhà lãnh đạo có tên được nhắc đi nhắc lại qua nhiều năm, và 23 nhà lãnh đạo luôn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng trong vòng 4 năm liên tiếp. Trong số 28 CEO bị loại khỏi danh sách năm nay, có 11 người đã nghỉ hưu (phần lớn những người còn lại, bao gồm CEO của Heineken và Vodafone, đã rời bỏ vì giá cổ phiếu giảm mạnh). Trong suốt 17 năm đương nhiệm, trung bình, 100 nhà lãnh đạo này tạo ra 2,507% lợi tức từ cổ phiếu (đã được điều chỉnh bởi tác động của tỷ giá hối đoái), đóng góp 21% lợi nhuận trung bình hằng năm.
Một công ty chỉ có thể trở nên xuất sắc hơn bằng cách “không ngừng đẩy một chiếc bánh đà khổng lồ về một hướng, xoay chuyển, tạo động lượng cho đến khi đạt được bước đột phá và tiến xa hơn. Và một khi chiếc bánh đà bắt đầu xoay tròn, nó sẽ tiếp tục đi về phía trước.”
Có nhiều lý do giải thích cho sự nhất quán trong hai bảng xếp hạng này. Không như một số bảng xếp hạng chỉ dựa trên đánh giá cá nhân hoặc các chỉ số ngắn hạn, danh sách của chúng tôi dựa vào thước đo thành quả một cách khách quan trong toàn bộ nhiệm kỳ của các CEO, và đây là những chỉ số thường giữ ổn định. Không dừng lại ở đó, chúng tôi vẫn luôn tiếp tục hoàn thiện bảng xếp hạng và tìm cách cải tiến các phương pháp đánh giá. Tuy nhiên năm nay, chúng tôi không thay đổi hệ thống đo lường đang áp dụng, đây cũng là một phần lý do cho việc không có quá nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng.
Nhà lãnh đạo được xếp hạng cao nhất năm nay – cũng là lần đầu tiên ông đạt vị trí này – là Pablo Isla của Inditex, cha đẻ của hàng loạt các chuỗi thời trang bán lẻ như Zara, Pull&Bear, Massimo Dutti, Bershka, Stradivarius, Oysho và Uterqüe và chuỗi cửa hàng đồ dùng gia đình Zara Home. Kể từ khi nắm giữ vị trí CEO vào năm 2005, Isla đã dẫn dắt Inditex mở rộng ra toàn cầu khi trung bình mỗi ngày Inditex lại khai trương một cửa hàng mới. Sự tăng trưởng này đã giúp gia tăng giá trị thị trường của Inditex lên gấp 7 lần và trở thành công ty có giá trị lớn nhất tại thị trường Tây Ban Nha. Các đồng nghiệp mô tả phong cách quản lý của Isla có chút khiêm tốn và đôi khi gần như nhút nhát. Mặc dù Isla dành rất nhiều thời gian đi khảo sát các cửa hàng, ông ấy lại hiếm khi tham gia vào các buổi khai trương cửa hàng mới và không muốn bị ai chú ý đến. Tại trụ sở chính, Isla thích quản lý bằng việc đi dạo xung quanh trong các cuộc họp chính thức. Đây là một phần trong nỗ lực của ông nhằm duy trì văn hoá doanh nghiệp gắn bó với nhau như các công ty nhỏ, mặc dù Inditex là một tập đoàn rất lớn mạnh.
Chỉ tính riêng lợi nhuận tài chính, Isla đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng; các hoạt động của Inditex về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) chiếm 20% điểm số dành cho Isla, giúp đẩy ông lên vị trí hàng đầu. Các công ty đánh giá ESG khen ngợi sự minh bạch của Inditex trong việc quản lý, giám sát và kiểm tra chuỗi cung ứng của mình. Tập đoàn khuyến khích khách hàng mang quần áo cũ đến cửa hàng để tái chế (tại Tây Ban Nha, tập đoàn đã triển khai thành chương trình tái chế tại nhà), và thương hiệu Join Life của Zara – dây chuyền lớn nhất của chủ trương này - sử dụng sợi tái chế để sản xuất cũng như rất quan tâm đến việc tiêu thụ nước và các nguồn tài nguyên khác.
Inditex nổi bật giữa các nhà bán lẻ hàng may mặc khác trên thế giới bởi hai điều: Thứ nhất là thành công của tập đoàn trong việc giúp khách hàng dễ dàng chuyển đổi giữa việc mua sắm ở cửa hàng truyền thống và mua sắm online, và thứ hai là hệ thống “tìm kiếm các nguồn hàng gần nhau”, trong đó hơn một nửa quá trình sản xuất được tiến hành gần với thị trường tiêu thụ. Điều này giúp Inditex lưu giữ ít hàng tồn kho hơn và bắt kịp các xu hướng để đưa các mẫu hàng mới ra thị trường thật nhanh chóng.
Nếu chúng ta đánh giá các CEO chỉ dựa trên hoạt động tài chính – như chúng tôi đã làm vào trước năm 2015 – nhà lãnh đạo xếp vị trí hàng đầu sẽ là nhà sáng lập của Amazon, Jeff Bezos, người từng đứng đầu danh sách năm 2014 và vẫn liên tục là nhà tài chính tốt nhất trong những năm tiếp theo. Kể từ năm 2015, khi ESG trở thành một trong các tiêu chí đánh giá của chúng tôi, cái tên Bezos đã leo từ vị trí 87 lên 76 và sau đó là 71. Nói đúng ra thì xếp hạng ESG của Amazon vẫn ở mức thấp: Trong danh sách năm nay, có 88% các công ty toàn cầu có điểm ESG cao hơn Amazon. Tuy nhiên các thứ bậc này vẫn đang ngày càng được cải thiện. Bộ phận Web Services khổng lồ của Amazon đã tạo ra năng lượng mặt trời và năng lượng gió cho riêng mình. Và trong 2 năm trở lại đây, Amazon đã thuê nhiều giám đốc phát triển bền vững có chuyên môn cao, mang lại sự lạc quan về những thay đổi sắp đến.
20 trong số các CEO đứng đầu các công ty có trụ sở nằm ngoài quốc gia khai sinh ban đầu. Trung bình, họ đảm nhiệm vị trí CEO ở tuổi 44 và đã bắt đầu làm công việc văn phòng trong 17 năm liền. 29 người có bằng MBA, 32 người có bằng kỹ sư, chỉ có 2 người là phụ nữ và 81 người là người nội bộ tại trụ sở chính.
Mặc dù tất cả các nhà đầu tư lẽ dĩ nhiên sẽ quan tâm nhiều đến yếu tố tài chính, nhưng cũng có những bằng chứng cho thấy nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu xem xét đến việc đo lường ESG cẩn thận hơn. Vào đầu năm nay, Amir Amel-Zadeh thuộc trường Kinh doanh Saïd (Đại học Oxford) và George Serafeim thuộc Trường Kinh doanh Harvard (Đại học Harvard) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát 413 giám đốc đầu tư, những người sở hữu các công ty đang quản lý tổng cộng 31 nghìn tỷ USD tài sản. Phân nửa số người được khảo sát trả lời rằng họ sử dụng thông tin về ESG vì họ cho rằng đây là yếu tố quan trọng để quyết định hoạt động đầu tư, và gần một nửa số còn lại tin rằng nếu đầu tư vào một công ty đạt điểm số ESG cao sẽ ít rủi ro hơn. Ngày nay, các nhà quản lý tài chính thường dùng điểm ESG như một tấm màn che tiêu cực – họ từ chối đầu tư vào các công ty có điểm ESG quá thấp – nhưng các nhà quản lý được khảo sát nói rằng họ mong đợi nhiều nhà đầu tư sẽ liên tục tìm kiếm các công ty có điểm số ESG cao và dùng con số này để thúc đẩy các công ty phải làm tốt hơn. Các nhà nghiên cứu viết rằng: “Nhìn chung, bằng chứng từ mẫu khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng việc sử dụng thông tin ESG chủ yếu là vì động cơ tài chính hơn là động cơ đạo đức”.
Và các CEO được liệt kê trong bảng xếp hạng xứng đáng được khen ngợi vì đã xuất sắc trong cả hai lĩnh vực.
Bảng xếp hạng 100 CEO xuất sắc nhất thế giới năm 2017
Ảnh: Daily Mail.
Ảnh: Fortune.
Ảnh: Wikipedia.
Lam An / Brands Vietnam
Nguồn Harvard Business Review