Thị trường ô tô: Nhiều "cửa mở" cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất

Thị trường các loại xe liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay nhưng các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô vẫn lạc quan khi còn nhiều "cửa mở"...

Giảm lượng, giảm giá

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 9 tháng của năm 2017, ô tô bán ra đạt 198.250 xe, giảm 8% so với cùng kỳ 2016, trong đó xe du lịch giảm 7%, xe thương mại giảm 7%, xe chuyên dụng giảm 18%. Với thị trường xe cũ, giá giảm nhiều nhất từ trước tới nay. Đơn cử, giá của các dòng xe SUV cỡ nhỏ đã sử dụng dưới 5 năm, như Mazda CX-5 giá chỉ từ 740 triệu và Honda CR-V chỉ từ 830 triệu đồng.

Dòng xe sedan với "vua giữ giá" là Toyota Vios cũng giảm giá mạnh, chỉ còn 437 triệu đồng. Hyundai Grand i10 còn trung bình 344 triệu đồng. Dòng xe bán tải, tiêu biểu là Ford Ranger rất "hot" trong thời gian gần đây khi nằm trong top 7 dòng xe được tìm kiếm nhiều nhất trên Chợ Tốt cũng đã giảm giá, còn trung bình 610 triệu đồng. Mazda BT-50 giảm còn trung bình 540 triệu đồng.

Thống kê của VAMA cũng cho thấy, xe lắp ráp trong nước cũng giảm lượng tiêu thụ, dù giá đã giảm mạnh. Đơn cử, trong tháng 10, Thaco đã giảm giá mẫu xe Mazda 2, 3, 6 và CX-5, trong đó mẫu sedan Mazda 6 với mức giảm từ 45 - 106 triệu đồng, Mazda CX-5 2017 với ba phiên bản 2WD 2.0L, 2WD 2.5L, AWD 2.5L tiếp tục giảm giá còn 799 - 899 triệu đồng. Toyota cũng giảm giá mẫu xe sedan hạng D Camry từ 1 - 120 triệu đồng, mua Toyota Vioos còn được tặng 30 triệu đồng phí trước bạ. Hyundai cũng giảm giá 30 - 50 triệu đồng cho mẫu xe Tucson, tùy phiên bản.

Thị trường ô tô: Nhiều cửa mở cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất

Ảnh: QH.

Trước lượng xe lắp ráp trong nước giảm 28% với chỉ 141.700 xe bán ra tính đến hết tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến quan ngại rằng, nếu tình hình này còn tiếp diễn, các doanh nghiệp ô tô có khả năng ngưng lắp ráp mà chuyển sang nhập xe nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia.

Tiến tới xuất khẩu ô tô

Trong tháng 10, lượng tìm kiếm xe mới trên Chợ Tốt đã tăng 1,5 lần so với quý III vừa qua. Trong đó, các dòng xe có số lượng tìm kiếm tăng vọt là Mazda CX-5 (tăng 3,2 lần), Honda CR-V (tăng 3,5 lần), Ecosport (tăng 2,2 lần).

Bên cạnh đó, một "cánh cửa" khác cũng đang mở ra cho doanh nghiệp ô tô trong nước khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Thủ tướng ký ban hành có nhiều quy định ngặt nghèo và có thêm nhiều rào cản bởi hàng rào kỹ thuật, cùng với đó, giá tính thuế nhiều mẫu ô tô nhập khẩu có thể được nâng lên, sẽ làm cho xe nước ngoài khó có thể tràn vào Việt Nam.

Trong khi đó, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại nhận được nhiều ưu đãi. Cụ thể, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống 0%. Hiện các doanh nghiệp FDI nhập khoảng 70 - 80% bộ linh kiện từ ASEAN, còn 20 - 30% nhập ngoài khu vực này. Như vậy, tính ra thuế nhập khẩu bộ linh kiện bình quân còn khoảng 5% từ 2018 (hiện nay, thuế nhập khẩu bộ linh kiện bình quân từ 14 - 16%).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô về mức từ 7 - 11% đối với mọi thị trường, đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra gồm linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng. Doanh nghiệp nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, càng đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi. "Một khi thuế nhập khẩu bộ linh kiện giảm thì giá xe giảm theo, nên dự báo năm 2018, giá xe trong nước sẽ rẻ”, theo đại diện Chợ Tốt.

Chính phủ đang xem xét điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, áp dụng các chính sách khuyến khích về tín dụng đối với doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô. Các chính sách này tạo lực đẩy đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô để sản xuất nhiều dòng xe made in Vietnam.

Thị trường ô tô: Nhiều cửa mở cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất

Ảnh: Dân Trí.

Đơn cử, tháng 9 vừa qua, sau khi có thêm khoản đầu tư 800 triệu USD từ Credit Suise AG - một tập đoàn tài chính của Thụy Sĩ, Vingroup đã xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng để sản xuất ô tô động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện, là những dòng xe chất lượng cao cho người Việt.

Trước VinFast, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã có kế hoạch làm ô tô 100% của Việt Nam với chất lượng cao, giá dễ chấp nhận. Quý I/2017, Thaco đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 4/2018.

Với sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, Thaco - Mazda được đầu tư dây chuyền sản xuất tự động kết hợp một số công đoạn bán tự động ứng dụng công nghệ mới. Theo đại diện Thaco, Mazda Nhật Bản đánh giá xe Mazda lắp ráp ở Việt Nam có thang điểm cao hơn ở Thái Lan. Điều này chứng tỏ kỹ sư và công nhân Thaco đáp ứng được tiêu chuẩn của Mazda toàn cầu và sản phẩm lắp ráp trong nước không thua kém hàng nhập.

Với lợi thế của người đi sau "vết xe đổ" là các doanh nghiệp ô tô từng thất bại, cả VinFast và Thaco đều tự tin đưa ra kế hoạch tỷ lệ nội địa hóa cao hơn mức hiện nay. Cụ thể, VinFast sẽ đạt tỷ lệ nội địa đến 60% thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu ô tô để chọn các giải pháp công nghệ tiên tiến cho các dòng xe, thành lập trung tâm đào tạo kỹ thuật viên ngành cơ điện tử ô tô, đồng thời ưu tiên mua linh kiện do doanh nghiệp trong nước sản xuất để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ.

Hiện nay Thaco đã đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với xe buýt, từ 30 - 35% đối với xe tải, 18% đối với một số mẫu xe con có số lượng nhiều. Người đứng đầu Thaco tự tin khẳng định: "Chúng tôi đã có kinh nghiệm và với thị trường gia tăng trong thời gian tới, nhất là sau năm 2018 có nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thaco tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu 40% để tiến đến xuất khẩu xe sang các nước trong khu vực ASEAN". Và một công bố không kém phần lạc quan, đó là cả Vingroup lẫn Thaco đều khẳng định sẽ xuất khẩu ô tô.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn