Vincom Retail được định giá gần 3 tỷ đô la Mỹ
1,9 tỷ cổ phiếu của Vincom Retail – công ty quản lý các trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam - sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6.11 tới đây, với mã chứng khoán VRE.
Với mức giá khởi điểm 33.800 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Vincom Retail ước đạt trên 64.000 tỷ đồng, tương đương tỷ đô la Mỹ ngày chào sàn.
Tân binh Vincom Retail sẽ trở là một trong 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một trong những thương vụ niêm yết lớn nhất trong cuối năm nay.
Vincom Retail hiện đang quản lý hệ thống 40 trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn trên 1,1 triệu m2. So với các đối thủ như AEON, Lotte, Parkson, Vincom Retail có diện tích sàn vượt trội hơn hẳn với hơn 1,1 triệu m2. Mục tiêu của Vincom Retail đến năm 2021 là sở hữu 200 trung tâm thương mại với nhiều mô hình, dựa trên nhu cầu thị trường.
Tùy mỗi mô hình trung tâm thương mại, diện tích sàn mỗi trung tâm có thể thay đổi từ hàng nghìn đến hàng trăm nghìn m2. Theo thông tin từ Vincom Retail, tỷ lệ lấp đầy các trung tâm thương mại do công ty vận hành năm 2016 đạt 86,5% và tăng lên mức 89% trong nửa đầu năm 2017.
Thông thường tại ngày khai trương các trung tâm thương mại mới, trung bình khoảng 35-40% diện tích sàn bản lẻ cho thuê của Vincom Retail được thuê bởi các công ty trong cùng tập đoàn Vingroup như VinMart, VinPro.
Ngoài hoạt động cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại, Vincom Retail còn phát triển nhà phố thương mại đồng thời vận hành cho thuê và quản lý một số khu văn phòng xung quanh một số trung tâm thương mại.
Năm 2016, gần 60% doanh thu của Vincom Retail đến từ hoạt động cho thuê mặt bằng, 40% từ chuyển nhượng bất động sản. Năm 2016, Vincom Retail đạt gần 6.400 tỷ đồng doanh thu thuần. Nửa đầu năm 2017, doanh thu thực hiện của công ty đạt trên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.100 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2017, tỷ lệ 2 thành phần doanh thu lần lượt đạt 77,6% và 20,5%. Tỷ lệ doanh thu chuyển nhượng bất động sản của công ty giảm chỉ là do chưa đến thời điểm bàn giao dự án và ghi nhận doanh thu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá triển vọng với quy mô tăng trưởng không ngừng trong chục năm trở lại đây. Theo thống kê của EIU, doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng Việt Nam năm 2016 đạt 52,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,3 tỷ đô la Mỹ so với 2015. Dự đoán năm 2017 doanh thu bán lẻ Việt Nam sẽ đạt mức 56,2 tỷ đô la Mỹ.
Đặc biệt, dư địa phát triển của ngành bán lẻ hiện đại (trung tâm mua sắm và siêu thị) vẫn còn nhiều. So với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore, tỷ lệ doanh thu bán lẻ theo kênh hiện đại Việt Nam mới ở mức 4,9%. Trong khi ngay cả Indonesia tỷ lệ này đã đạt 17,2%, Singapore lên tới 71,7%.
Theo thống kê của EIU, doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng Việt Nam năm 2016 đạt 52,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,3 tỷ đô la Mỹ so với 2015. Dự đoán năm 2017 doanh thu bán lẻ Việt Nam sẽ đạt mức 56,2 tỷ đô la Mỹ.
Vingroup – công ty mẹ của Vincom Retail cũng đã mua lại hệ thống trung tâm thương mại của các đối thủ như OceanMart, Maximark, Vinatexmart.
Các thương hiệu quốc tế nổi tiếng đã vào hoặc lên kế hoạch mở cửa hàng tại Việt Nam như Zara, H&M, Uniqlo, Mango,… Các chuỗi siêu thị của các tập đoàn nước ngoài như Auchan (Pháp), Emart (Hàn Quốc), Seven Eleven (Thái Lan)… cũng đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 9.2017, hai nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của Vincom Retail là Warburg Pincus và Credit Suisse đã được chuyển đổi toàn bộ cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu thường và chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty. Tỷ lệ nắm giữ của Warburg Pincus và Credit Suisse lần lượt đạt 15,17% và 5,05% sau chuyển đổi.
Hiện có thông tin 2 đối tác chiến lược trên đã chào bán cổ phần Vincom Retail vào giữa tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, cả Vincom Retail và hai quỹ trên đều chưa có thông tin chính thức về việc giảm tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn. Cổ đông lớn không bắt buộc phải công bố những thông tin liên quan tới những giao dịch trước ngày 19.10.2017 do đến thời điểm đó Vincom Retail vẫn chưa phải là công ty đại chúng, theo văn bản của UBCK Nhà nước.
Tại thời điểm đầu tháng 10.2017, Vingroup, công ty mẹ của Vincom Retail trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 59% cổ phần Vincom Retail.
Minh Thư
Nguồn Forbes Vietnam