Tranh nhau từng m2 đất bán trà sữa ở Sài Gòn
Được xem là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, những cửa hàng trà sữa từ các thương hiệu trong, ngoài nước thi nhau mọc lên như nấm trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM.
Trào lưu uống và kinh doanh trà sữa không phải là mới ở Việt Nam khi mà thức uống có xuất xứ từ Đài Loan này đã du nhập vào nước ta từ đầu những năm 2000 và được giới trẻ ưa thích.
Trước đây, trà sữa chủ yếu được bán ở những xe hàng rong ven đường, hộ gia đình, thi thoảng có thương hiệu Việt nhỏ lẻ với số lượng cửa hàng hạn chế. Tưởng chừng cơn sốt trà sữa đã lắng xuống sau khi xuất hiện thông tin hạt trân châu nhiễm polymer vào năm 2009.
Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, với sự tham gia vào thị trường trà sữa Việt Nam của các thương hiệu quốc tế, cơn sốt trà sữa lại bùng phát trở lại.
Ngày càng có nhiều quán trà sữa được ra đời với mật độ dày đặc. Trong đó, hai địa điểm được xem là "thiên đường trà sữa" ở TP.HCM là khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và các tuyến đường xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Tại mặt tiền đường Phan Xích Long, các quán trà sữa xuất hiện dày đặc, lên đến hàng chục quán, đến từ đủ các thương hiệu khác nhau. Đó là chưa kể đến các quán nằm trong hẻm và đường nhỏ trong khu vực này. Khách đến mua trà sữa bằng cả xe máy và ôtô, đậu tràn xuống lòng đường.
Lối ra vào của các cửa hàng này đều được căng dây để khách xếp hàng mua. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng đến 30-40 phút để chờ đến lượt mua được thức uống yêu thích. Giá mỗi ly trà sữa tại các cửa hàng này dao động từ 40.000 đến 80.000 đồng, tuỳ thuộc vào mùi vị và các loại hạt đi kèm.
Mỗi lượt khách vào mua trà sữa đều được phát hoá đơn có đánh số thứ tự. Khi pha chế xong thức uống, nhân viên sẽ gọi tên khách hàng và số thứ tự trên loa, đồng thời bảng điện tử cũng nhảy số để thông báo cho khách hàng đến nhận nước.
Không chỉ thu hút đông lượng người mua mang về, số khách ngồi lại uống trà sữa tại các cửa hàng cũng luôn rất lớn và thường xuyên có hiện tượng kín bàn vào các ngày cuối tuần.
Phạm Thị Nhật Trâm, sinh viên Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP.HCM cho biết mỗi tuần cô đều đi uống trà sữa một mình khoảng 5 lần. Điều làm cho Trâm yêu thích thức uống này chính là hạt trân châu và lớp topping bán kèm theo trà sữa. Trâm thường uống loại trà sữa với giá 40.000 đồng/ly.
Tương tự, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ và các tuyến đường lân cận như Ngô Đức Kế, Hải Triều, Hồ Tùng Mậu... các quán trà sữa từ đủ các thương hiệu trong và ngoài nước cũng xuất hiện dày đặc. Những quán này tận dụng từng mặt bằng kinh doanh và nằm san sát nhau. Cá biệt, trên đường Ngô Đức Kế, đến 3 cửa hàng trà sữa nằm liền kề nhau.
Ngoài các thương hiệu xuất xứ từ Đài Loan, thị trường trà sữa Việt Nam còn có sự tham gia của các thương hiệu đến từ Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và cả Anh quốc.
Không đủ mặt bằng để kinh doanh, một số thương hiệu còn tận dụng luôn tầng hầm của các khách sạn lớn để bán trà sữa với mức phí thuê không hề rẻ. Một nguồn tin cho hay, giá thuê một mặt bằng tầng hầm tại đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) có giá 4.000 USD/tháng.
Mặc dù vậy, với lượng khách hàng rất lớn, luôn đông đúc cả ngày lẫn đêm, số tiền cho thuê kể trên có lẽ cũng không làm người quản lý chuỗi thương hiệu trà sữa này lo lắng.
Điểm khác biệt của trà sữa hiện nay so với trước đây là khách hàng có thể tự ý điều chỉnh lượng đường, đá theo ý thích và không cần phải phụ thuộc người bán, nơi bán.
Ngoài ra, lớp bọt sữa có vị béo, ngọt vừa cũng là yếu tố làm thu hút giới trẻ yêu thích thức uống này.
Lê Thị Gianh Lam, sinh viên Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM, chia sẻ chính vị beo béo này của trà sữa đã thu hút bạn đến các cửa hàng khoảng 3 lần mỗi tuần.
Với nhu cầu lớn cùng sự tham gia của nhiều thương hiệu cả trong và ngoài nước như hiện nay, cuộc chiến tranh giành thị phần trà sữa được dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới, khi một số thương hiệu lớn khác cũng đang nhăm nhe đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Đoạn đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với dày đặc quán trà sữa.
Liêu Lãm
Nguồn Zing News