Cửa hàng xăng Nhật IQ8: Kẻ phá bĩnh
Sau cơn sốt "giám đốc cúi đầu" của cây xăng Idemitsu Q8, thị trường bán lẻ xăng dầu trị giá 6 tỉ USD của Việt Nam sẽ còn nhiều cơn sốt khác.
Ngày 5.10.2017 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành bán lẻ xăng dầu Việt Nam: xuất hiện một tay chơi mới với 100% vốn nước ngoài - Idemitsu Q8 (IQ8). Idemitsu Kosan vẫn là cái tên lạ lẫm trước khi cây xăng Nhật IQ8 khai trương. Thực tế, Idemitsu Kosan đã có mặt ở ngành dầu khí Việt Nam từ rất sớm thông qua các hợp đồng mua dầu từ Petrolimex. Công ty này cũng là công ty FDI đầu tiên tại Việt Nam có mặt đầy đủ trong ba mảng chính của ngành dầu khí: thăm dò khai thác, lọc dầu và bán lẻ.
Làm cách nào Idemitsu lọt qua cửa khó?
Theo báo cáo tài chính của Idemitsu, từ năm 2008, công ty Nhật này đã tham gia vào hoạt động thăm dò mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam. Đây là liên doanh giữa công ty con Idemitsu Oil & Gas, Russian Zarubezneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Sau khi nghiên cứu, Công ty đã mua quyền khai thác khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, để bảo đảm chiến lược dự trữ dài hạn. Thủ tục quyền khai thác hoàn thành vào tháng 8.2017, Idemitsu dự kiến bắt đầu khai thác vào năm 2018.
Cùng thời điểm trên, Chính phủ kêu gọi vốn FDI vào dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Khi đó, Việt Nam đang phải nhập khẩu 80% nhu cầu xăng dầu, 20% còn lại do nhà máy lọc dầu duy nhất trên cả nước là Dung Quất cung cấp. Nhà máy Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD, cơ cấu vốn FDI 75% và vốn nhà nước 25%, công suất mỗi năm lọc 10 triệu tấn dầu thô để sản xuất ra 3,7 triệu tấn dầu diesel, 1,1 triệu tấn xăng và các sản phẩm lọc dầu khác. Nhà máy được xây dựng từ năm 2013 và dự kiến vận hành thương mại vào tháng 12.2017.
Hai nhà đầu tư góp vốn lớn nhất vào Nhà máy Nghi Sơn là Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International (Q8), mỗi bên góp 35,1% vốn, đại diện Nhà nước là PVN góp 25,1% vốn. Tuy nhiên, quá trình huy động vốn cho Nhà máy Nghi Sơn không hoàn toàn suôn sẻ, khi Idemitsu đã có ý định hoãn quyết định đầu tư vào năm 2013 dẫn đến nguy cơ dừng dự án.
Vì vậy, Chính phủ đã dành rất nhiều ưu đãi cho Nhà máy Nghi Sơn như cam kết bao tiêu sản phẩm, hoàn thuế nhập khẩu 3% và 7% tương ứng cho dầu và xăng, ngay cả khi thuế nhập khẩu sẽ về 0% theo lộ trình của các hiệp định song phương và thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%. Một nguồn tin từ PVN cho biết các đối tác đầu tư vào dự án lọc dầu được cấp phép kinh doanh lĩnh vực bán lẻ, bán sỉ xăng dầu theo tỉ lệ góp vốn vào dự án. Nhờ sự đầu tư vào Nhà máy Nghi Sơn mà Idemitsu và Q8 đã có thể thâm nhập vào mảnh ghép cuối cùng của ngành xăng dầu tại Việt Nam của thị trường bán lẻ.
Như vậy, Idemitsu và Q8 đã liên doanh thành lập IQ8 để mở trạm bán lẻ xăng dầu 100% vốn ngoại đầu tiên bên trong Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nơi có nhiều doanh nghiệp FDI Nhật, sau 1 năm được cấp phép. Trên trang web của công ty mẹ Idemitsu, Công ty thể hiện mục tiêu trước mắt là mở rộng bán lẻ tại miền Bắc.
Quyền lực của Petrolimex và PVOil
Không chỉ Idemitsu, một nhà kinh doanh xăng dầu lớn khác từ Nhật là JX Nippon Oil & Energy cũng đang từng bước thâm nhập thị trường bán lẻ xăng dầu trị giá 6 tỉ USD của Việt Nam. Điểm thú vị trong bài toán đầu tư này là Idemitsu là nhà sản xuất kinh doanh xăng dầu đứng thứ 2 tại Nhật kết hợp làm đại lý cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), xếp thứ 2 tại Việt Nam. Trong khi đó, hai doanh nghiệp dẫn đầu hai thị trường là JX Nippon và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) lại hợp tác với nhau.
Hành động đầu tiên của JX Nippon là sở hữu 8% cổ phần, mục tiêu sau đó sẽ nâng lên tỉ lệ 20% tại Petrolimex, tập đoàn xăng dầu hiện nắm giữ thị phần bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 48-50% thị phần. Không chỉ gián tiếp điều hành các cửa hàng bán lẻ bằng một ghế trong hội đồng quản trị, JX Nippon còn nhắm đến việc đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong mà Petrolimex đang là đại diện của Nhà nước. Với vốn đầu tư dự kiến 10 tỉ USD, công suất 10 tấn mỗi năm, Nhà máy Nam Vân Phong cũng dự định cơ cấu 75% vốn FDI theo Quyết định 631/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, nếu Petrolimex có thể thương lượng những ưu đãi tương tự đã dành cho Nhà máy Nghi Sơn cho Nhà máy Nam Vân Phong, thì hoàn toàn có khả năng JX Nippon sẽ dùng cách tương tự Idemitsu để bước vào thị trường bán lẻ.
Ngoài ra, một đại gia xăng dầu sừng sỏ khác đến từ Thái Lan là PTT cũng đã thể hiện mong muốn gia nhập thị trường lọc hóa dầu Việt Nam bằng việc đề xuất siêu dự án lọc dầu lớn nhất thế giới, có công suất lọc lên đến 20 triệu tấn dầu thô - Nhơn Hội tại Bình Định, với tổng vốn đầu tư 29 triệu USD.
Hiện nay, thị trường bán lẻ xăng dầu khá tập trung với khoảng 70% thị phần nằm trong tay Petrolimex và PVOil, 27 nhà phân phối còn lại chia nhau 30% thị phần. Các thành phố lớn chủ yếu nằm trong tay 3 nhà phân phối lớn nhất, các nhà phân phối nhỏ phục vụ thị trường tỉnh, vùng sâu vùng xa. PVOil tăng dần thị phần và độ phủ sóng thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) với các trạm xăng khác, trong khi ông lớn Petrolimex bị khống chế bởi luật chống độc quyền nên không thể sáp nhập thêm. Chiến lược này đã giúp PVOil nhanh chóng đạt được gần 20% thị phần sau 9 năm thành lập. Xu hướng này được Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự đoán sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai, giúp cho PVOil có thể đạt đến 23-25% sau 5 năm nữa.
Có 3 cơ chế quản lý giá xăng dầu phổ biến trên thế giới: cơ chế thị trường không có điều tiết trực tiếp của nhà nước; nhà nước quản lý một phần thông qua trợ giá xăng; và quản lý trực tiếp bởi nhà nước. Đại đa số các nước trên thế giới có cơ chế quản lý ngành xăng theo nhóm 1. Giá bán phụ thuộc vào cung và cầu của thị trường, điển hình như Mỹ, Anh, Thái Lan, Nga, Úc... Chính phủ chỉ điều hành xăng dầu dựa trên các chính sách vĩ mô, tránh tình trạng độc quyền và không can thiệp sâu vào cách tính giá xăng bán lẻ. Điển hình như tại Mỹ, các nhà bán lẻ có thể niêm yết giá bán khác nhau.
Bàn tay quản lý nhà nước
Một số nước có chính sách hỗ trợ giá xăng bởi chính phủ như Malaysia và Ấn Độ. Giá xăng được chính phủ trợ giá để tránh biến động về giá cả gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Thông thường, giá bán sẽ được cộng thêm trích lập dự phòng để bổ sung vào quỹ bình ổn giá xăng. Khoản này sẽ bù lỗ cho việc Chính phủ giữ vững giá xăng trong nước khi giá dầu thô thế giới biến động mạnh.
Một số nước có nền kinh tế đang phát triển dễ tổn thương, cho dù có chính sách quản lý xăng theo nhóm cơ chế thị trường, cũng lập quỹ bình ổn giá xăng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xăng dầu trong nước khỏi lao đao trước thị trường dầu thô rất nhiều biến động. Ví dụ về quản lý xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có quỹ bình ổn là nước láng giềng Thái Lan.
Thị trường Thái Lan cũng là ví dụ cho mặt trái của cơ chế quản lý thị trường, khi môi trường cạnh tranh trở nên quá khắc nghiệt cho các công ty nội địa quá nhỏ bé so với các tập đoàn xăng dầu đa quốc gia về cả quy mô lẫn kinh nghiệm. Ngoài lợi thế về vốn quá lớn so với các công ty nội địa, các công ty đa quốc gia trong ngành xăng dầu thường làm chủ nguồn cung dầu thô và đã có chiến lược dự trữ dài hạn trong nhiều năm cho nguồn cung bằng kho bãi, hợp đồng dài hạn, lẫn quyền khai thác các mỏ dầu mới, như Idemitsu. Biến động về giá dầu thô sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của các đại gia này như các công ty nội địa. Vấn đề cũng bắt nguồn từ trình độ kỹ thuật chưa đủ để thăm dò và khai thác các mỏ dầu và công nghệ lọc dầu còn non kém.
Các nước có giá xăng quản lý trực tiếp bởi nhà nước là Trung Quốc và Việt Nam. Giá bán cơ sở được tính bởi Nhà nước và biên lợi nhuận được quy định ở mức cố định cho các doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, giá xăng đã được tính khá linh hoạt tại Việt Nam trong những năm gần đây và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được trích lập từ giá bán. Theo Hiệp hội Xăng Dầu, Việt Nam hướng đến quản lý theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Những bước chuyển quan trọng có thể kể đến như, trong 3 mảng chính của ngành xăng dầu là thăm dò khai thác, lọc dầu và bán lẻ, đều đã có sự tham gia của vốn FDI. Điển hình như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với 75% vốn nước ngoài, JX Nippon Oil mua lại 8,9% của Petrolimex và trạm xăng 100% vốn nước ngoài Idemitsu Q8.
Trên thực tế, xăng dầu là ngành nhạy cảm có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh quốc phòng, các chính phủ đều theo dõi giá xăng chặt chẽ. Kể cả tại Mỹ, được xem là thị trường bán lẻ xăng dầu linh hoạt nhất thế giới, mỗi trạm xăng thay đổi giá xăng niêm yết rất thường xuyên sát theo giá dầu thô, Chính phủ Mỹ vẫn theo sát giá xăng để tránh tình trạng độc quyền của vài nhà bán lẻ.
Tại Việt Nam, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, giá xăng không được vượt qua 2% giá cơ sở. Lợi nhuận được quy định là 300 đồng/lít. Biên lợi nhuận của ngành bán lẻ xăng dầu là khá thấp. Tuy nhiên, Nghị định 83 cũng mở ra cho thị trường bán lẻ xăng dầu cơ chế thị trường cạnh tranh khi áp đặt biên lợi nhuận. Nhà nước sẽ tính giá cơ sở dựa trên giá giao dịch ở thị trường Singapore, cộng thêm các loại thuế và mức trích lập cho quỹ bình ổn giá thị trường. Giá cơ sở tương đối linh hoạt nên giá nguyên liệu đầu vào không còn là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ. Các yếu tố thị trường như tính minh bạch, chất lượng sản phẩm và phục vụ sẽ quyết định thị phần của các nhà bán lẻ xăng dầu. Chiến lược hiệu quả nhất để tăng lợi nhuận là mở rộng mạng lưới kinh doanh để tăng doanh thu.
Tiềm năng và bài toán điểm bán
Đã từ lâu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mong muốn thị trường này được mở cửa và điều tiết theo cơ chế thị trường. “Việc Chính phủ cho phép nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là một tin tốt đối với thị trường. Thực tế thị trường đã có sự cạnh tranh từ nhiều năm nay. Chỉ thông qua cạnh tranh trên thị trường mới tạo ra sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp”, ông Bùi Bảo Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex, chia sẻ. Cùng quan điểm trên, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam, cũng thể hiện quan điểm “cần mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn các cam kết không mở cửa trong WTO hay các FTA”.
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của thị trường bán lẻ xăng dầu là khá lớn do mức tiêu thụ xăng dầu bình quân đầu người tại Việt Nam khá thấp, ở mức 244/lít/người/năm. Nguyên nhân là lượng xe máy chiếm áp đảo so với các phương tiện giao thông khác. Xe máy vốn tiêu hao nhiên liệu thấp hơn ô tô. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Việt Nam có khoảng 49 triệu xe máy và 3,2 triệu xe ô tô cho đến tháng 9.2017, với 1.000 dân có 516 xe máy và 22 ô tô. Tuy nhiên, thị trường xe máy đã đến giai đoạn bão hòa. Tại các thành phố, tỉ lệ tăng trưởng ô tô là 15% và đã cao hơn xe máy ở mức 10%. Xu hướng này được dự đoán sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN giảm về 0% trong năm 2018.
“Cái cúi đầu chào khách trong mưa” của Giám đốc IQ8 - Hiroaki Honjo đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Với thái độ phục vụ lịch sự và đặc biệt đánh vào sự trung thực khi công bố độ chính xác 0,01 lít, IQ8 được kỳ vọng sẽ đem đến sự thay đổi lớn trong thị trường bán lẻ xăng dầu ở góc độ chất lượng dịch vụ. Sự xuất hiện của IQ8 sẽ khiến PVOil hay Petrolimex phải thay đổi. Như ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho rằng, với mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên khắp thị trường, Petrolimex sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Dù vậy, với cơ chế hiện nay, IQ8 chưa phải là mối đe dọa khiến các doanh nghiệp nội hàng đầu phải dè chừng. Một mặt, IQ8 khó cạnh tranh về giá khi là đại lý và nhập hàng từ PVOil. Có thể IQ8 sẽ phát huy kinh nghiệm về triển khai và điều hành cửa hàng tiện lợi hoặc các dịch vụ giá trị gia tăng khác tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của mình. Là xu thế đã diễn ra trong 20 năm gần đây tại một số quốc gia châu Á và là xu thế phổ biến trên thế giới, việc tích hợp này cũng đang được Petrolimex triển khai trên mạng lưới 2.453 cửa hàng xăng dầu.
Mặt khác, là một ngành có biên lợi nhuận thấp, chỉ 3-4%, ngành bán lẻ xăng dầu chỉ đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô qua đó gia tăng doanh thu. Trong khi đó, các quy định về đầu tư mặt bằng xây dựng trạm kinh doanh xăng trong Nghị định 83 hạn chế khả năng mở rộng của IQ8. Quỹ đất để mở cây xăng ở vị trí thuận tiện khó tìm. Tuy nhiên, IQ8 vẫn có khả năng tìm quỹ đất mới qua việc sáp nhập như PVOil đã làm, vì Nghị định 83 quy định chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt FDI với trong nước. Vậy điểm mấu chốt vẫn nằm ở khả năng mở rộng mạng lưới của IQ8 trong tương lai.
Thanh Hằng - Bảo Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư