Kết nối chợ “thực” với chợ “ảo”
Sau khi bỏ ra 13,7 tỉ USD để mua lại Whole Foods và điều chỉnh giá bán hàng sau đó, Amazon đã tạo ra một bức tranh mới cho ngành bán lẻ vốn đang gặp nhiều khó khăn của Mỹ.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, Amazon chưa phải là “hình mẫu” duy nhất để các nhà bán lẻ khác phải nhìn vào khi nghĩ về các mô hình, chiến lược tăng trưởng. Trong khi Amazon bận rộn với việc thu hẹp khoảng cách giữa chợ “thực” và chợ “ảo” bằng cách “số hóa” danh mục hàng hóa và mở ra các cửa hàng sách theo chủ đề thì nhiều nhà bán lẻ hàng đầu ở Trung Quốc đang thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm táo bạo hơn, góp phần đẩy nhanh việc hình thành các mô hình, xu hướng mới trong ngành bán lẻ thế giới.
Với mục đích tạo hướng phát triển mới, các trang web thương mại điện tử hàng đầu ở Trung Quốc như Alibaba và JD.com đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cấp ngành bán lẻ trị giá 4.900 tỉ USD của thị trường này, nơi mà các cửa hàng truyền thống bên ngoài vẫn chiếm hơn 80% thị phần. Các công ty này đang đưa dịch vụ thanh toán điện tử vào các trung tâm mua sắm lớn, thiết kế các chuỗi cung ứng phức tạp hơn và thu thập dữ liệu người tiêu dùng để tiếp thị và bán sản phẩm hiệu quả hơn.
Tiềm lực lớn về công nghệ đang là lợi thế của các công ty ấy trong việc thực hiện mục tiêu. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 10, Alibaba công bố tăng gấp đôi đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, lên 15 tỉ USD trong vòng ba năm tới. Alibaba sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới và tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu từ Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Princeton và Đại học Bắc Kinh để tập trung vào các lĩnh vực phân tích dữ liệu, điện toán lượng tử và máy học (công nghệ tạo cho máy tính khả năng học hỏi mà không cần được lập trình một cách rõ ràng).
Nhiều dự án thử nghiệm cũng đang được triển khai khắp Trung Quốc. Ngay sau khi mua lại Wholde Foods, Alibaba đã thử nghiệm mô hình cửa hàng tạp hóa Hema Xiangsheng ở Thượng Hải với cam kết giao hàng trong vòng 30 phút đối với các đơn hàng trực tuyến. JD.com, công ty đang hợp tác với Tencent để phân tích dữ liệu mua hàng và đăng ký thành viên của khách hàng, cũng sẽ mở siêu thị chủ đề (concept supermarket) 7Fresh đầu tiên ở Bắc Kinh vào cuối năm nay. Tuy không tiết lộ nhiều chi tiết về dự án này nhưng JD.com cũng cho biết sẽ kết hợp hai hình thức bán hàng trực tuyến và bên ngoài, đồng thời đưa thêm nhiều dịch vụ ẩm thực vào các cửa hàng bên ngoài.
“Một thập niên qua, chúng tôi đã tận dụng hết những lợi ích từ sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử Trung Quốc. Dù đã tranh thủ tìm kiếm tất cả cơ hội nhưng chúng tôi chỉ dừng lại ở thị phần khiêm tốn 15%. Giờ chúng tôi muốn đem những công cụ trực tuyến đến toàn ngành bán lẻ và hy vọng hướng đi này sẽ tạo ra một sự tăng trưởng nhảy vọt”, Chang Bin, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược và đầu tư của JD.com, chia sẻ.
Một mô hình thử nghiệm khác đang nổi lên trong ngành bán lẻ Trung Quốc là các cửa hàng không nhân viên. Sau khi Amazon công bố mở cửa hàng theo hình thức tự phục vụ Amazon Go vào tháng 12-2016, các công ty Trung Quốc như BingoBox, có trụ sở ở Quảng Đông, cũng vào cuộc với mô hình tương tự và mở cửa hàng đầu tiên ở Thượng Hải. Cửa hàng của BingoBox có cấu trúc như một chiếc container chứa các sản phẩm do chuỗi siêu thị Auchan của Pháp cung cấp. Khách hàng được vào mua hàng sau khi được nhận diện khuôn mặt bằng camera trong bán kính 10 mét, một biện pháp giúp ngăn chặn những kẻ gian. Trong cửa hàng có nhiều thiết bị cảm ứng và camera được lắp đặt khắp nơi để xác định mặt hàng được khách hàng lựa chọn. Chọn xong, khách hàng đến quầy thanh toán tự động và thực hiện thanh toán từ ví điện tử WeChat Wallet, một ứng dụng thanh toán dùng trên điện thoại di động do Tencent phát triển. Chen Zilin, nhà sáng lập BingoBox, cho biết công ty đang có kế hoạch mở ra 5.000 cửa hàng như thế trong vòng một năm thông qua hình thức nhượng quyền.
Việc phát triển mô hình bán lẻ mới đang nhận được sự quan tâm của các đối tác lớn ngay từ đầu bởi các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba và JD.com rất quyết tâm lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống bên ngoài bằng cách đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ trực tuyến.
Về lý thuyết, những cửa hàng không có nhân viên được mở cửa 24/24 sẽ giúp cắt giảm chi phí lao động, nhờ đó giảm được đáng kể giá bán hàng. Thậm chí, những cửa hàng này còn theo dõi được cả hành vi, cảm xúc của khách hàng nhờ camera ghi lại biểu hiện trên gương mặt của họ trong quá trình xem và chọn mua sản phẩm. Giữa tháng 7-2017, Alibaba mở Tao Café, một mô hình quán cà phê không có nhân viên phục vụ, tuy chưa có kế hoạch thương mại hóa mô hình này.
“Trung Quốc đang đi tiên phong về sáng tạo trong công nghệ internet, nhất là trong việc thu hẹp khoảng cách giữa công nghệ trực tuyến với trải nghiệm bên ngoài. Không giống những sáng tạo khác, như dịch vụ dùng chung xe, việc phát triển mô hình bán lẻ mới đang nhận được sự quan tâm của các đối tác lớn ngay từ đầu bởi các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba và JD.com rất quyết tâm lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống bên ngoài bằng cách đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ trực tuyến”, Neil Wang, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc của Công ty Nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, nhận định.
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống thanh toán trực tuyến như Alipay và Wechat Pay cũng là nhân tố tạo điều kiện cho việc sáng tạo ra những mô hình bán lẻ mới nói trên. Ngoài ra, quy định về bảo mật riêng tư chưa được chặt chẽ của Trung Quốc cũng giúp các công ty bán lẻ thu thập và phân tích nhiều dữ liệu cá nhân về thói quen mua sắm của khách hàng, từ đó thiết kế các mô hình tiếp thị và bán hàng tối ưu. Theo số liệu của iResearch, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Bắc Kinh, 42% doanh số bán hàng 5.200 tỉ USD từ kênh kinh doanh bên ngoài được thanh toán bằng các hình thức điện tử trong năm 2017. Trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 28 tỉ USD, theo số liệu của eMarketer.
Nhất Nguyên
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần