Hợp nhất với Vocarimex và Tường An, Kido bắt đầu "hái" quả ngọt?
Sau khi hợp nhất với Vocarimex và Tường An, doanh thu Kido đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Liên tục "tiếp lửa"
11/2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) thông báo đã hoàn tất việc chào mua công khai với số lượng cổ phần mua được là hơn 12,3 triệu, tương ứng khoảng 65% tổng số cổ phần phát hành của CTCP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC).
Tường An là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường dầu ăn Việt Nam với doanh thu hàng năm vào khoảng 4.000 tỉ đồng. Hiện Tường An đang sở hữu hai nhà máy tinh luyện tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Nghệ An cùng hệ thống phân phối mạnh trên thị trường.
Dầu ăn Tường An hiện cũng là công ty liên kết của Tổng công ty Công nghiệp và Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - VOC). Vocarimex hiện sở hữu 27% vốn điều lệ của TAC, đồng thời Kido cũng đang sở hữu 24% vốn của Vocarimex.
Chỉ nửa năm sau đó, vào cuối tháng 5/2017, sau khi tăng sở hữu tại TAC, KIDO đã thực hiện mua vào 32,886 triệu cổ phiếu nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 62,118 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam - Vocarimex (UpCom: VOC) lên 51%.
Động thái trên đã “thổi nhiệt” cho thị trường dầu ăn vốn đang rất sôi động. Thị trường này hiện có gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó những tên tuổi lớn đang nắm thị phần chi phối như Cái Lân, Tường An, Golden Hope Nhà Bè…
Ngoài mảng dầu ăn, KIDO cũng đang rất thành công với mảng kem khi có biên lợi nhuận gộp lên đến 54%. Tuy nhiên, mảng kem của Tập đoàn có quy mô doanh số nhỏ. Do đó, KIDO cũng đã thể hiện tham vọng khi tuyên bố mở rộng thị trường thực phẩm đông lạnh và cải thiện biên lợi nhuận của mảng dầu ăn mới có thể nâng cao hiệu quả lợi nhuận của cả tập đoàn.
Từ 2016 trở về trước, biên lợi nhuận của mảng dầu của TAC và VOC vẫn khá thấp so với so với công ty cùng ngành. Điều này theo CEO KIDO - Ông Trần Lệ Nguyên từng chia sẻ rằng, điều mà KIDO ngại nhất khi thực hiện đầu tư vào một doanh nghiệp chính là quy mô doanh số không đủ lớn. Còn về việc hiệu quả đang còn thấp ngược lại chính là cơ hội để KIDO thể hiện năng lực của mình trong quá hình “hậu M&A” tạo thêm giá trị gia tăng dựa vào những thế mạnh của Tập đoàn đó chính là lợi thế về kênh phân phối và lợi thế quy mô.
Bắt đầu hái quả ngọt?
Mới đây CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) công bố kết quả kinh doanh quý III/2017, theo đó, doanh thu Kido đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ sau khi hợp nhất với 2 công ty trong ngành dầu ăn Vocarimex và Tường An. Lợi nhuận gộp của KDC đã tăng gần 50% lên 1.100 tỷ đồng. Kido đã mua TAC vào quý IV/2016 và nâng tỷ lệ sở hữu tại VOC lên 51% vào quý II/2017.
Ngành kem và thực phẩm đông lạnh đóng góp 24% tổng doanh thu thuần, tăng 7,8% so với 9 tháng đầu năm 2016. Điều này đến từ sự tăng trưởng của ngành kem và quá trình đa dạng hóa danh mục các sản phẩm trong mảng thực phẩm đông lạnh. KDF - Công ty thành viên của Kido hiện đang dẫn đầu ngành kem với 40% thị phần, với 450.000 điểm bán thực phẩm đóng gói và 70.000 điểm bán mảng đông lạnh trên toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2017 đạt 535 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch cho cả năm 2017 (490 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2017 đạt 535 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch cho cả năm 2017 (490 tỷ đồng).
Theo ban lãnh đạo KDC, KDC đang triển khai các hoạt động nhằm tích hợp năng lực từ tập đoàn cho công ty thành viên VOC, đẩy mạnh mở rộng danh mục sản phẩm ngành hàng thiết yếu tại TAC và phát triển mảng thực phẩm đông lạnh tại KDF. Qua đó giúp Tập đoàn tối ưu sức mạnh và là nền tảng để tăng trưởng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận.
Dự kiến trong quý IV, KDC sẽ ra mắt thị trường chuỗi các sản phẩm mới để phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, với mảng thực phẩm đóng gói, các sản phẩm dầu ăn mới, sản phẩm nước sốt và đồ ăn nhẹ dự kiến sẽ tung ra thị trường; còn với mảng thực phẩm đông lạnh, các sản phẩm hợp tác với Dabaco như xúc xích tươi, thực phẩm chế biến và đóng hộp sẽ ra mắt người tiêu dùng.
Đồng thời sẽ ra mắt sản phẩm hợp tác với nhà máy của Dabaco
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng giám đốc KDC cho biết, năm 2017 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho việc KIDO thâm nhập vào ngành hàng thực phẩm chế biến khi sở hữu 50% vốn của công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco - doanh nghiệp có quy mô trong ngành hàng thực phẩm chế biến với những mặt hàng xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà 25.000 con/ngày.
Với hoạt động này, KDC sẽ toàn quyền quyết định về sản phẩm, thương hiệu và kênh phân phối. Trong giai đoạn đầu, các sản phẩm của Dabaco sẽ sử dụng hệ thống phân phối và đông lạnh sẵn có của KDC để nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng và thị trường.
Tiến Minh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp