Nhất quán không có nghĩa là nhàm chán
Có thể khẳng định Coca-Cola là biểu tượng thương hiệu nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới, đạt được vị trí hàng đầu nhờ vào cách làm tiếp thị khôn ngoan và sử dụng nhiều kênh truyền thông đa dạng.
Nhưng sự nhất quán, kiên định của một thương hiệu chính là chìa khóa cho những thành công của họ: sử dụng một logo đơn giản được sáng tạo từ năm 1885. Kiểu chữ, màu chữ trắng, nền đỏ tươi sáng của logo không lẫn vào đâu được và quen thuộc với mọi người ở tất cả lứa tuổi.
Duy trì sự nhất quán của thương hiệu là cách thể hiện sự chuyên nghiệp, thể hiện nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu và gìn giữ các chuẩn mực của một công ty. Khi bám chắc vào các giá trị thương hiệu và duy trì một hình ảnh nhất quán, doanh nghiệp sẽ tạo nên cách nhìn tích cực về thương hiệu, cả trong những lúc thuận lợi hay khó khăn. Khi thương hiệu tạo được đà phát triển thì tên và logo sẽ trở nên đồng nghĩa với niềm tin và giá trị. Đồng thời, cơ hội để tận dụng các giá trị đó sẽ đến và giúp doanh nghiệp gây dựng được một tài sản thương hiệu lớn hơn. Sự nhất quán không phải là điều mà thương hiệu tìm kiếm hoặc chỉ thử nghiệm trong thời điểm nào đó, mà là một yếu tố thiết yếu đối với sự phát triển và tồn tại lâu dài của bất cứ thương hiệu nào.
Đừng nghĩ rằng nhất quán là nhàm chán
Bạn có cảm thấy Coke, Apple hay Virgin Records là nhàm chán? Các thương hiệu danh tiếng này đều xem sự nhất quán là một trong ba bí quyết hàng đầu cho sự thành công và phát triển lâu dài.
Toàn bộ đội ngũ cần phải ủng hộ và hành động vì sự nhất quán của thương hiệu
Hãy thử hỏi các thành viên trong đội ngũ xem công ty nào được họ ngưỡng mộ và yêu thích nhất. Đó là một cách để làm cho họ có cùng suy nghĩ về tầm quan trọng của sự nhất quán trong xây dựng thương hiệu. Không chỉ những người có liên quan hay từng tham gia vào giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu, mà mọi người trong công ty cần hiểu được cách sử dụng đúng câu khẩu hiệu, logo, các thiết kế đồ họa, sự hiện diện trên mạng xã hội hay bất cứ điều gì có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhất quán của thương hiệu.
Xây dựng “Bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu”
Khi nói đến những hạng mục cần phải có trong một bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu, không có một nguyên tắc bất di bất dịch nào cả. Bộ hướng dẫn này có thể khác nhau tùy vào từng công ty. Về cơ bản, đây là một cẩm nang về cách sử dụng các tài liệu thương hiệu dành cho mọi người trong doanh nghiệp. Những thông tin cơ bản cần đưa vào bộ hướng dẫn gồm có:
- Tên công ty.
- Tuyên bố sứ mệnh.
- Câu khẩu hiệu của công ty.
- Thiết kế logo và các trường hợp sử dụng.
- Các nguyên tắc phối hợp màu sắc, chi tiết về cách sử dụng màu sắc.
- Bộ kiểu chữ: Các kiểu chữ và phong cách thể hiện chữ viết nói chung được sử dụng trong những thể loại nội dung như thông cáo báo chí, blog, email, thỏa thuận kinh doanh, v.v…
- Phong cách hình ảnh: Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trông sẽ như thế nào trên thị trường? Các phong cách hình ảnh khác nhau tùy vào tình huống, những cảm xúc mà chúng sẽ khơi gợi, v.v…
- Hướng dẫn về cách thể hiện từ ngữ, câu chữ: Phần hướng dẫn này cũng cần được quy định chi tiết bao gồm các trường hợp viết hoa trong tên thương hiệu, tài liệu thương hiệu và những tình huống, vị trí cụ thể để đặt tên thương hiệu, thương hiệu nhánh, câu khẩu hiệu và cả những trường hợp không được sử dụng.
- Những ví dụ mà doanh nghiệp xem là không biểu hiện đúng phong cách thương hiệu: Chẳng hạn, nhân viên sử dụng ngôn ngữ không phù hợp khi đăng nhập vào tài khoản xã hội của doanh nghiệp hay các kênh trực tuyến khác.
Tất cả nhân viên nên có sẵn một bản in và luôn có thể tiếp cận với bản mềm của tài liệu hướng dẫn này. Cho dù quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn thì đội ngũ nhân viên vẫn cần có đủ công cụ cần thiết để duy trì sự nhất quán của thương hiệu xuyên suốt trong mọi nhiệm vụ của họ. Những người có trách nhiệm liên quan cần được tiếp cận đầy đủ các “file” logo, thiết kế đồ họa hay các tài liệu thương hiệu khác.
Bổ nhiệm một “đội cảnh sát thương hiệu”
Các chủ doanh nghiệp nhỏ thường quá bận bịu, không thể giám sát được cách sử dụng tên thương hiệu và các tài liệu thương hiệu. Chủ doanh nghiệp cũng không nên làm thế. Hãy tìm ai đó giỏi “mò kim đáy biển” và khuyến khích họ chỉ ra những “sai phạm” xảy ra với bộ hướng dẫn phong cách thương hiệu chính thức của công ty. Cũng nên khuyến khích họ cùng trao đổi để doanh nghiệp có thể bổ sung hoặc thay đổi những quy định trong bộ hướng dẫn cho phù hợp với quá trình xây dựng và duy trì sự phát triển của thương hiệu.
Sự nhất quán thương hiệu là điều doanh nghiệp cần phải kiên trì phấn đấu trong suốt quá trình phát triển. Nếu thường xuyên vận dụng những chiến thuật như vừa đề cập, doanh nghiệp sẽ không phải lo lắng rằng hình ảnh của thương hiệu sẽ bị hiểu nhầm và trở thành “cá mè một lứa” giữa cuộc cạnh tranh.
Long Hồ / Small Business Trends
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần