Những “cú đánh” từ hàng Thái Lan vào thị trường Việt Nam

Trong khi hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập tại thị trường Việt Nam thì Thái Lan vẫn âm thầm tiến những bước vững chắc để đưa hàng hóa vào nước ta – thị trường đông dân thứ 3 Đông Nam Á và 14 thế giới lại có “gen” chơi sang và hào phóng hiếm nơi nào bằng.

Nhớ lại những năm đầu của thế kỷ 21, chiếc xe gắn máy là niềm ước ao của người Việt, nắm bắt được tâm lý này, chỉ một vài năm sau đường phố và nông thôn Việt Nam tràn ngập xe máy Trung Quốc có mẫu mã y chang những chiếc xe huyền thoại của Nhật mà giá cả chỉ bằng 1/3.

Xe Nhật lúc đó dù có thương hiệu, bền và đẳng cấp nhưng quá đắt, một chiếc Honda Dream “made in Jappan” có giá 2.100 USD thời điểm cuối những năm 90, đây là số tiền mà đa phần người dân mơ cũng chưa thấy chứ đừng nói sở hữu. Lúc đó Honda đã có nhà máy sản xuất xe khổng lồ tại Thái Lan, vì thế nhiều người vẫn gọi là “Dream Thái”, Way Thái”…

Cố nhiên, những chiếc xe Trung Quốc chỉ là giải pháp “nóng tay bắt lỗ tai”, tâm lý người tiêu dùng vẫn ưa chuộng chất lượng và thương hiệu hơn. Ngày nay đường sá Việt Nam đã ngập tràn xe Nhật, xe Thái. Có thể nói đánh bại xe Tàu là chiến công lớn của người Nhật, người Thái. Cho đến thời điểm này người Việt đã tiêu thụ 2,7 triệu xe máy tính từ đầu năm – một con số khổng lồ.

Sau xe cộ là hàng tiêu dùng, có thể thấy người Thái không ồn ào nhưng hàng Thái âm thầm chinh phục người tiêu dùng Việt Nam bằng chất lượng, bằng con đường chính ngạch lẫn… buôn lậu! Mặc dù hàng tiêu dùng Trung Quốc vẫn bá chủ thị trường Việt Nam nhưng có cảm giác người tiêu dùng buộc phải mua vì rơi vào thế bị bủa vây, còn hàng Thái tuy chưa phổ biến nhưng vẫn nhận được cái nhìn thiện cảm hơn.

Những “cú đánh” từ hàng Thái Lan vào thị trường Việt Nam

Hàng Thái âm thầm chinh phục người tiêu dùng Việt Nam bằng chất lượng.

Việt Nam tuy là nước nông nghiệp, nhưng vẫn trầm trồ khen gạo Thái, nếp Thái; giống cây ăn quả, một khi được gắn mác Thái Lan luôn được ưa chuộng hơn vì năng suất, chất lượng tốt. Nào là Sầu riêng Thái, mít Thái, ổi Thái, xoài Thái; hàng điện tử Thái, quần áo Thái, mỹ phẩm Thái… luôn mang đến cho người tiêu dùng cảm giác an toàn.

Nhiều nơi đã bắt đầu xuất hiện trào lưu mở cửa hiệu bán hàng Thái Lan, ở nông thôn nhiều gia đình phải chờ cả tuần để mua cho được cái nồi cơm điện, cái bình nấu nước của Thái Lan. Chị em phụ nữ cũng xì xầm với nhau về thỏi son Thái, nước hoa Thái và cả đồ lót Thái.

Mặc dù chiến lược cạnh tranh của hàng Thái không phải bằng giá cả như hàng Tàu. Theo khảo sát chung của các ngành hàng trên thì Price Index (PI – chỉ số tính bình quân một sản phẩm, nhóm sản phẩm có tỷ lệ giá tương quan thế nào so với bình quân chung của toàn bộ thị trường) thì hàng Thái luôn nằm ở mức 1.1 – 1.2, nghĩa là luôn đắt hơn thị trường 1,1 – 1,2 lần. Điểm mấu chốt ở đây là chất lượng và nếu so với hàng Tàu thì hàng Thái có thêm lợi thế về… tâm lý hình ảnh.

Sự lên ngôi của hàng Thái chưa hẳn là do tâm lý sính ngoại của người Việt, vì nếu sính ngoại thì hàng Nhật, Hàn và Châu Âu còn hoành tráng hơn nhiều. Còn với hàng Việt? Nhiều người săn lùng hàng Việt Nam chỉ để… khỏi phải dùng hàng Trung Quốc chứ chất lượng và khâu hậu mãi vẫn là dấu hỏi.

Sau khi thâu tóm hệ thống bán lẻ BigC và Metro, hàng Thái Lan càng bám rễ chặt hơn tại thị trường Việt Nam. Có nhiều mặt hàng vốn là lợi thế của hàng Việt thì nay bị đưa xuống dưới, đưa vào trong và ngày càng ít xuất hiện hơn. Không thâu tóm được những thương hiệu bán lẻ ngay trong nước mình đã là một bước thua quá dài của hàng Việt.

Cạnh tranh với hàng Trung Quốc đã mệt nay lại còn hàng Thái, một bên có lợi thế giá rẻ, một bên có lợi thế chất lượng và cảm tình thương hiệu. Chẳng lẽ đến một lúc nào đó hàng Việt sẽ biến mất hoàn toàn khỏi thị trường nội địa?

Trương Khắc Trà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp